Mô hình luân canh tôm – lúa, nhiều ưu thế phát triển
Diện tích luân canh tôm – lúa mở rộng
Hàng chục năm trước, mô hình luân canh tôm – lúa đã được hình thành, khi nông dân thấy tôm, cá phát triển tốt trong ruộng lúa, với sản lượng thu hoạch cao. Tuy nhiên, mô hình này bị lãng quên do giống lúa chất lượng kém, dễ bị sâu bệnh và năng suất thấp, trong khi nuôi tôm thời điểm này cho hiệu quả kinh tế cao.
Qua nhiều năm nuôi tôm thâm canh liên tục, ao tôm bị lão hóa, mầm bệnh nhiều, nghề nuôi tôm bộc lộ nhiều rủi ro, một số nông dân đưa cây lúa luân canh với nuôi tôm. Lúc này, hiệu quả mang lại cao vì môi trường ao nuôi được cải thiện.
Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, mô hình tôm – lúa đã đem lại hiệu quả khả quan, do hạn chế sử dụng hoá chất, dịch bệnh trên tôm, giảm chi phí sản xuất lúa (do sử dụng chất hữu cơ từ vụ nuôi tôm trước), ổn định môi trường sinh thái. Nên năng suất lúa trung bình mỗi năm đạt khoảng 5,1 tấn/ha và tôm đạt gần 200-300kg/ha. Năm 2009, diện tích nuôi tôm – lúa toàn tỉnh khoảng 200 ha, thì hiện nay diện tích canh tác mô hình này tăng gần 3 lần.
Trong năm 2010 – 2011, một số hộ nuôi tôm ở huyện Tân Phú Đông đã xuống giống lúa mùa địa phương (giống Hai Bông), với năng suất bình quân từ 3-3,2 tấn/ha, để luân canh với nuôi tôm. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông với 2 giống lúa OM 4900 và OM 6796 cho năng suất khoảng 6-7 tấn/ha. Trên cơ sở này, UBND huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ giống lúa chất lượng cao cho hai xã Phú Tân và Phú Đông, góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trước đây bà con nuôi tôm theo kinh nghiệm, thả giống kém chất lượng, chưa qua kiểm dịch và canh tác lúa chủ yếu là giống lúa mùa Hai bông, thời gian canh tác khoảng 6 tháng. Thời gian gần đây, nhờ sự chuyển giao khoa học – kỹ thuật của ngành chuyên môn, nên đem lại kết quả khả quan.
Đến nay, huyện Tân Phú Đông có diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến là 2.017 ha, trong đó mô hình luân canh tôm – lúa đạt khoảng 568 ha, chủ yếu ở 2 xã Phú Đông 48,6 ha với 38 hộ và Phú Tân 520 ha, có 362 hộ.
Trong thực hiện mô hình luân canh tôm – lúa, thời gian thả tôm giống khoảng tháng 11-12 hay từ tháng 2-3 (âm lịch), còn xuống giống lúa từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 (âm lịch). Thông thường nông dân thả tôm với mật độ từ 3-7 con/m2, năng suất đạt 350-500 kg/ha, cỡ tôm thu hoạch từ 20-40 con/kg, giá bán từ 140.000 – 250.000 đồng/kg.
Còn đối với canh tác lúa, giống sử dụng chủ yếu là giống Hai bông, OM 4900, OM 6162,… với năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình này rủi ro dịch bệnh thấp (năm 2014 tỷ lệ dịch bệnh chỉ 2%).
Mô hình nông nghiệp “thông minh”
Thực tế cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất, mà là mô hình “thông minh”. Vào mùa khô, nước ngoài sông, rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, khi mưa xuống nước ngọt thì đưa vào trồng lúa.
Trong hệ thống canh tác tôm – lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây.
Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người dân phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70-80%). Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu; đồng thời, cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm không cần sử dụng nhiều thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao.
Mặt khác, hệ thống canh tác tôm – lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp (GAP); từ đó nâng cao giá trị hàng hóa.
Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Vẫn còn những khó khăn
Cụ thể, hiện nay các vùng sản xuất tôm – lúa nằm xen trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình tôm – lúa chưa đồng bộ, vấn đề quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ. Người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều trong canh tác. Còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan, để phát triển mô hình tôm – lúa.
Tôm giống chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian theo thời vụ không được khuyến cáo, người dân ít quan tâm đến chất lượng tôm giống. Sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt, chưa có giống lúa đặc thù cho từng vùng sinh thái khác nhau, nên năng suất, chất lượng lúa thấp. Nông dân thiếu vốn sản xuất, trong khi giá vật tư nông nghiệp không ổn định và cao so với khả năng đầu tư của nông hộ.
Để mô hình luân canh tôm – lúa tiếp tục phát triển mạnh, trong thời gian tới cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng hợp tác. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi.
Tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm – lúa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Người dân cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, để cải tạo đất, thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ.
Theo Cục Trồng trọt, tiềm năng mở rộng diện tích mô hình luân canh tôm – lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn, với tổng diện tích có thể đạt đến 200.000 ha. Hiện tại, diện tích sản xuất luân canh tôm – lúa trong khu vực đạt khoảng 160.000 ha, dự kiến năm 2015 đạt 180.000 ha và ổn định diện tích 200.000 ha vào năm 2020.
Khi đó, sản lượng lúa từ mô hình sản xuất này sẽ đạt khoảng 800.000 tấn, đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng lúa sản xuất của toàn vùng.
Tags: nuoi tom, trong lua, mo hinh chan nuoi, mo hinh trong trot, thuy san, nong san
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao