Người nuôi cá tra lỗ nặng; sửa nghị định bị… “cản bước”?
Lỗ vì giá cá tra thấp
Nếu như xuất khẩu cá tra năm 2015 chỉ đạt trên 1,5 tỉ đô-la Mỹ, giảm 11,5% so với năm 2014, thì bước sang tháng 1-2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có sự bứt phá mạnh khi đạt trên 149 triệu đô-la Mỹ, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng trên 20 triệu đô-la Mỹ so với tháng cuối năm 2015.
Xuất khẩu cá tra tăng đã giúp giá nguyên liệu tại ĐBSCL thời gian gần đây bật mạnh trở lại, khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với tháng cuối năm 2015. Ông Trần Văn Hùng, một hộ nuôi cá tra ngụ tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết cá tra nguyên liệu thịt trắng hiện được các doanh nghiệp xuất khẩu mua vào với giá 20.000 - 20.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với mức giá hồi cuối năm 2015; cá thịt vàng cũng tăng lên mức giá 19.500 - 19.700 đồng/kg so với mức giá chỉ 18.000 - 18.200 đồng/kg được ghi nhận vào cuối năm 2015.
Tuy giá cá tra nguyên liệu có tăng mạnh trở lại, nhưng theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, với giá thành sản xuất bình quân khoảng 22.000 đồng/kg cá nguyên liệu, thì với giá bán như hiện nay, nông dân nuôi loại thủy sản này vẫn chịu lỗ nặng, khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Chính vì giá cá tra nguyên liệu đang ở mức thấp, nông dân lỗ nặng, cho nên tình trạng nông dân "treo ao" vẫn diễn ra và đó cũng là kết quả khiến sản lượng nguyên liệu được thu hoạch trong hai tháng đầu năm 2016 ước chỉ đạt khoảng 114.000 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Bị Farm Bill… "cản bước"?
Trong khi đó, có ý kiến cho biết việc sửa nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (hay còn gọi là nghị định cá tra) đang gặp khó vì vướng Đạo luật Farm Bill của Mỹ.
Cụ thể, theo tìm hiểu của người viết, vào cuối tháng 9-2015, văn phòng Chính phủ đã có công văn 7678/VPCP-KTN đồng ý cho sửa đổi nghị định cá tra và giao Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ban, ngành và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị định 36.
Theo công văn nêu trên, cần tập trung vào các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện nghị định 36; sự cần thiết phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương được pháp luật Việt Nam công nhận; cân nhắc việc thay thế quy định về hàm ẩm (hàm lượng nước) tối đa và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm và xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.
Được biết, trước đó, Bộ NN&PTNT đã có đề xuất với Chính phủ giữ nguyên quy định mạ băng và hàm ẩm như quy định hiện hành của nghị định 36, tức không vượt quá 83% về hàm ẩm và không vượt quá 10% về mạ băng, nhưng việc thực hiện phải có lộ trình.
Theo đó, thực hiện áp dụng mạ băng tối đa 20% và hàm ẩm tối đa 86% cho đến ngày 31-12-2018 và từ ngày 1-1-2019 mới chính thức áp dụng mạ băng không quá 10% và hàm ẩm không vượt quá 83% như quy định hiện nay của nghị định 36. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ lùi thời hạn để các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGap hoặc các chứng nhận quốc tế tương đương đến ngày 31-12-2016, thay vì là 31-12-2015.
Trao đổi về vấn đề này, một vị lãnh đạo am hiểu ngành cá tra ở ĐBSCL (không muốn nêu tên), thừa nhận sau khi Mỹ công bố chương trình thanh tra cá da trơn (Đạo luật Farm Bill), việc sửa đổi nghị định 36 đang gặp khó. "Nếu sửa đổi nghị định 36 nó sẽ có điểm yếu là chúng ta thừa nhận có bước lùi về chất lượng, bởi vì trong nghị định 36 sửa đổi để trình Chính phủ là sẽ lùi thời gian thực hiện tiêu chuẩn VietGap cho vùng nuôi đến hết năm 2016", ông cho biết.
Cũng theo vị này, đối với phía Mỹ, Đạo luật Farm Bill có rất nhiều khâu kiểm tra với quy trình ngặt nghèo hơn, khó hơn nghị định 36 rất nhiều, trong khi đó, quy định chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu trong nghị định 36 là hàm ẩm không quá 83%, mạ băng không quá 10%, "nay sửa đổi theo hướng hàm ẩm không quá 86% và mạ băng không quá 20%, chẳng lẽ đi thông báo với thế giới là chúng ta có một bước lùi về chất lượng, trong bối cảnh Farm Bill đang "siết" về chất lượng", vị này đặt vấn đề. Do vậy, bây giờ việc sửa đổi nghị định 36 đang rất lúng túng và đề xuất của vị này là trong bối cảnh Đạo luật Farm Bill của Mỹ "siết" rất chặt về chất lượng, thì phía Việt Nam cũng nên xóa bỏ việc sửa đổi nghị định 36 theo hướng "nới lỏng" về chất lượng như đã nêu ở trên, bởi đó là cách tốt để tránh gặp rắc rối với Đạo luật Farm Bill và tạo dựng tốt hình ảnh cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ của doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc sửa đổi nghị định 36 và Đạo luật Farm Bill là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Theo ông Hòe, nghị định 36 vẫn sẽ tiếp tục và Bộ NN&PTNT hiện đang nghiên cứu, xây dựng để làm sao bảo đảm nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam, cho nên, đã tạm thời kéo dài thời gian để xây dựng cho hoàn chỉnh.
Còn câu chuyện Farm Bill của Mỹ, theo ông Hòe, phía Việt Nam hiện đang làm mọi thủ tục và công việc liên quan để nền sản xuất cá tra trong nước được Mỹ công nhận tương đương, qua đó, không để xuất khẩu sản phẩm này vào Mỹ bị gián đoạn. Còn về chất lượng sản phẩm - là chuyện giữa "ông nhập khẩu" và "ông xuất khẩu" thống nhất với nhau; "chứ bây giờ mình đâu bắt buộc ông Mỹ ổng mua cá trên 86% (hàm ẩm) hay trên 20% (mạ băng) gì đâu", ông Hòe nói.
Tổng thư ký VASEP cũng cho rằng việc "siết" chất lượng sản phẩm cá tra trong nghị định 36 không phải là câu chuyện để giải quyết vấn đề Đạo luật Farm Bill của Mỹ. "Đối phó với Farm Bill mình vẫn đang làm, nhưng không thể làm bằng nghị định 36 được, bởi hai cái chuyện đó nó không "dính" gì với nhau cả", ông Hòe một lần nữa khẳng định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao