Mô hình kinh tế Xuất khẩu thủy sản khó đạt 7 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản khó đạt 7 tỷ USD

Publish date Thursday. September 17th, 2015

Chế biến tôm xuất khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản mới chỉ đạt 3,577 tỷ USD, giảm tới 16,1% so với cùng kỳ 2014. Xuất khẩu thủy sản năm nay giảm mạnh có nguyên nhân quan trọng nhất là sự sụt giảm nặng nề trong xuất khẩu tôm. 

Đến hết tháng 7, xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,55 tỷ USD, giảm tới 28,3% so với cùng kỳ 2014. Thị trường quan trọng nhất của tôm Việt Nam vẫn là Mỹ, nhưng đây cũng chính là thị trường giảm mạnh nhất. 

7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ đạt 313,6 triệu USD, giảm tới 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng đang giảm tới trên 50%. Các thị trường quan trọng khác của tôm Việt Nam là Nhật Bản và EU cũng giảm mạnh: 18,6% và 16,4% trong 7 tháng đầu năm. 

Do tôm chiếm tới trên 40% giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản, nên xuất khẩu thủy sản cuối năm nay có khởi sắc hay không, cũng phụ thuộc chủ yếu vào tình hình xuất khẩu tôm. 

Đầu tháng 9 này, ngành tôm đón nhận 1 tin vui khi Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả chính thức đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu. Theo đó, tôm Việt Nam đã được giảm mạnh về thuế chống bán phá giá (chỉ còn 0,91%) so với mức thuế của POR8 (6,37%). 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng, khi thuế chống bán phá giá của tôm Việt Nam được giảm mạnh, sẽ tạo tâm lý yên tâm hơn cho nhà nhập khẩu Mỹ khi mua tôm của Việt Nam. 

Niềm hy vọng từ việc thuế chống bán phá giá được giảm mạnh sẽ giúp cho xuất khẩu tôm nước ta vào Mỹ có cơ hội khởi sắc là có cơ sở. Bởi tháng 9 năm ngoái, khi Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả thuế chống bán phá giá của tôm Việt Nam với mức rất cao, thì xuất khẩu tôm sang Mỹ, vốn tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2014, đã sụt giảm trong tháng 9/2014 và kéo dài đà suy giảm rất mạnh cho đến tận bây giờ.

Điều này chứng tỏ mức thuế chống bán phá giá cao hay thấp sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc tăng hay giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ. 

Không chỉ được giảm mạnh về thuế chống bán phá giá mà tôm Việt Nam còn có mức thuế thấp hơn so với một số đối thủ cạnh tranh quan trọng như Thái Lan (1,1%), Ấn Độ (2,96)… 

Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang hy vọng trong những tháng tới, trên thị trường Mỹ, sức cạnh tranh của tôm Việt Nam sẽ được tăng lên đáng kể so với tôm đến từ những nước nói trên. 

Tuy nhiên, hy vọng khởi sắc cho xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm cũng không nhiều lắm. Bởi so với nhiều nước xuất khẩu tôm lớn khác, tôm Việt Nam vẫn đang gặp bất lợi về giá. 

Theo ông Trần Tấn Tâm, TGĐ Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, tháng 7 vừa rồi, giá tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 1,5 - 2 USD/kg so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, nếu so với giá tôm Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… cũng xuất khẩu sang Mỹ vào thời điểm ấy, tôm Việt Nam vẫn cao hơn từ 1,5 - 2 USD/kg. 

Việc được giảm mạnh thuế chống bán phá giá và có mức thuế thấp hơn một chút so với tôm Thái Lan, Ấn Độ… có thể giúp cho giá tôm xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, nhưng các doanh nghiệp tôm Việt Nam vẫn gặp bất lợi do đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện tại, sản lượng tôm trong nước chỉ đáp ứng được 40 - 50% công suất của các nhà máy chế biến. Vì vậy, lượng tôm nhập khẩu đang có chiều hướng gia tăng. 

Năm ngoái, nước ta đã nhập khẩu khoảng 800 triệu USD thủy sản mà 80% trong đó là tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Năm nay, giá trị thủy sản nhập khẩu có thể lên tới 1 tỷ USD.

Điều đáng nói là các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… vốn đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trên thị trường tôm thế giới, mà các doanh nghiệp Việt Nam lại đang phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ những nước này, vì thế khó tránh khỏi những bất lợi về giá cả, chất lượng… 

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp có lô hàng tôm thành phẩm được chế biến từ tôm nguyên liệu nhập khẩu, khi xuất khẩu ra nước ngoài bị phát hiện có dư lượng chất độc hại, khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại, mất uy tín, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chung của tôm Việt Nam. 

Ở các mặt hàng thủy sản chủ lực khác là cá tra, hải sản…, tình hình xuất khẩu cuối năm cũng khó được cải thiện. Nguyên nhân chính là do nhu cầu không cao trên thị trường thế giới. 

Mọi năm, những tháng cuối năm thường là thời điểm gia tăng mạnh về xuất khẩu của thủy Việt Nam, bởi nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới để phục vụ cho các dịp lễ, tết. Những tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng hy vọng vào thị trường thế giới cuối năm, nhất là khi nước xuất khẩu tôm lớn là Ấn Độ đã gần như hết hàng. 

Thế nhưng, những biến động trên thị trường tiền tệ thế giới lại gây ra những bất lợi lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, sự suy yếu của đồng euro, đồng yên Nhật… khiến cho nhiều nước xuất khẩu thủy sản khác phải giảm giá đồng tiền và giảm giá các mặt hàng thủy sản nhằm tăng sức cạnh tranh. Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản cuối năm nay rất khó có thể dự báo được. 

Ông Trương Đình Hòe, cho biết ước tính trong 8 tháng qua, giá trị xuất khẩu thủy sản đã đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Năm ngoái, trong những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt bình quân 700 - 800 triệu USD/tháng. 

Năm nay, do xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nên trong những tháng cuối năm, giỏi lắm chỉ có thể đạt 500 - 600 triệu USD/tháng. Như vậy, trong 4 tháng còn lại của năm, nếu như phấn đấu đạt được mức bình quân 600 triệu USD/tháng, thì cũng chỉ đạt tổng cộng khoảng 2,4 tỷ USD. Cộng với giá trị xuất khẩu mà 8 tháng đầu năm đã đạt được, thì cả năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ khó mà đạt được 7 tỷ USD.


Related news

chi-dao-khan-bao-ve-thu-hoach-kinh-doanh-sau-rieng Chỉ đạo khẩn bảo vệ… de-nghi-chi-34-96-trieu-dong-can-bo-
di-xuc-tien-xuat-khau-gao Đề nghị chi 34 -…