Tin nông nghiệp 4 loại cam đặc biệt chỉ có ở xứ Nghệ

4 loại cam đặc biệt chỉ có ở xứ Nghệ

Author Hương Giang, publish date Thursday. February 23rd, 2017

4 loại cam đặc biệt chỉ có ở xứ Nghệ

Cam Vinh có nhiều giống ngon như cam Xã Đoài, Vân Du, Sông Con, V2, với mùi thơm đặc trưng và vị ngọt thanh.

Trong ảnh: Chùm cam ngọt nước của người Nghệ An. Ảnh: Bizmedia.

Thời tiết ở Nghệ An chia làm hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều với nền nhiệt trung bình 23-24°C. Bên cạnh đó, các vùng Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Nghĩa Đàn của tỉnh lại có nền thổ nhưỡng là loại đất địa thành với khả năng giữ màu, giữ nước tốt nên phù hợp với sự phát triển của nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt là cây cam.

Vào vụ, giá cam Vinh ngon tại vườn dao động 40.000-60.000 đồng một kg. Đặc biệt, giống cam Xã Đoài hay còn gọi cam "tiến Vua" của vùng đất Nghi Diên, huyện Nghi Lộc có giá bán tại vườn lên tới 50.000 - 60.000 đồng một quả.

Giống cam Xã Đoài

Đây là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ: "Cam Xã Đoài mọng nước - Giọt vàng như mật ong - Bổ cam ngoài cửa trước - Hương bay vào nhà trong". Cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Âu, được trồng tại vùng giáo xứ Xã Đoài cách đây cả trăm năm. Từ xa xưa, giống cam này đã thuộc hàng quý hiếm, thường chỉ có tầng lớp vua quan mới có điều kiện thưởng thức nên người dân còn gọi là cam "tiến Vua".

Thông thường, những gốc cam Xã Đoài tại Nghi Diên có tuổi đời trên 40 năm, bình quân mỗi năm cho gần 200 quả. Theo người dân địa phương, tuổi đời trung bình của cây cam khoảng 20-25 năm. Thời gian này có thể kéo dài hơn nếu cây được chăm sóc tốt.

Cam Xã Đoài ra hoa vào mùa đông. Mùa chính bắt đầu từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12 Âm lịch. Thời điểm cận Tết, những vườn cam nơi đây nổi bật với từng chùm quả vàng óng, ẩn hiện sau lớp lá xanh. Quả bổ ra có màu vàng như mật ong, khi thưởng thức thấy vị ngọt nhẹ xen dịu mát, tan nhanh trong miệng. Nước cam có độ dính tay, khác hẳn các loại thông thường. 

Giống cam Vân Du

Giống cam này được trồng tại Nghệ An từ những năm 40 của thế kỷ XX. Cây phân cành khỏe, tán hình trụ, cành dày, có gai. Lá cây hơi thuôn, sẫm màu. Quả cam Vân Du có hình tròn hoặc oval, vỏ dày, mọng nước, hơi dai hơn cam Xã Đoài, vị ngọt và nhiều hạt. Trọng lượng quả chín trung bình là 200-300 gram, năng suất có thể đạt gần 70 tấn trên một ha.

Giống cam này cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, chịu hạn nên được trồng rộng rãi.

Giống cam cho quả tròn, vỏ không đều màu do một phần bị ẩn trong tán lá. Ảnh: Bizmedia.

Giống cam Sông Con

Giống cam này được tạo ra từ phương pháp chọn lọc một giống nhập nội. Cây sinh trưởng khỏe, tán hình cầu, phân nhiều cành, cành ngắn và tập trung. Lá cây nổi rõ gân ở lưng, hoa màu xanh bóng. Quả cam Sông Con có hình cầu, trọng lượng khoảng 200-220 gram, mọng nước, ít hạt, ngọt đậm, vỏ quả mỏng.

Giống cam này cho năng suất trung bình, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng với nhiều điều kiện môi trường. Tuy nhiên, những quả cam trồng tại Nghệ An vẫn được ưa chuộng hơn cả vì chất đất thích hợp.

Giống cam V2

Cam V2 (Valenxia) hay còn gọi là "hoa hậu cam" bởi mẫu mã đẹp và chất lượng tốt. Năm 2010, Viện di truyền nông nghiệp tạo thành công giống cam V2 từ giống cam Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hơn cả giống gốc. Cây cam V2 lá ngắn, tán hình cầu, quả to, trọng lượng trung bình 200-250 gram. Quả chín có lớp vỏ dày, mọng nước, gần như không hạt, ít xơ bã, giòn. 

Đây là giống cam chín muộn, có thời vụ thu hoạch từ cuối tháng 12 năm trước đến hết tháng 2 Âm lịch năm sau.

Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, bên cạnh việc phát triển các vườn cam truyền thống, nhiều hộ dần chuyển đổi sang mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Ổng Nguyễn Đình Đồng - một người trồng cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGap tại Quỳ Hợp. Ảnh: Bizmedia.

Theo quy trình này, nông dân sẽ ghi lại nhật ký chăm sóc cây gồm chu trình bón phân, thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quá trình cắt tỉa... Trước thời điểm thu hoạch từ 3 đến 6 tháng, các vườn cam buộc phải ngừng dùng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo đầu ra an toàn cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Đồng, một nông dân trồng cam theo mô hình VietGap tại Quỳ Hợp từ năm 2014 chia sẻ: "Cái khó ban đầu là tập ghi chép nhật ký và xử lý thuốc bảo vệ thực vật cho đồng đều, nhưng sau khi được tập huấn nhiều lần, bà con đều nắm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt".

Để phân biệt cam của địa phương với các loại cam khác trên thị trường, ông Đồng cho biết thêm: "Quả cam nơi đây tròn nhưng màu không đều do nằm ẩn trong lá. Quả chín từ từ nên trên vỏ có phần rám nắng, có phần còn xanh, khi bổ ra thấy cùi mỏng, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt thanh".

Tỉnh Nghệ An đang thực hiện các chính sách bảo tồn giống cam "tiến Vua" quý hiếm, đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nâng cao chất lượng, năng suất của những giống cam khác trong toàn tỉnh.


Giảm 2 phần 3 thời gian phơi cà phê nhờ công nghệ chế biến ướt Giảm 2 phần 3 thời gian phơi cà… Nguy cơ xâm nhiễm virus cúm gia cầm vào Việt Nam rất cao Nguy cơ xâm nhiễm virus cúm gia cầm…