Tin nông nghiệp 50 tỷ đồng đầu tư dự án nông nghiệp sinh thái độc đáo trên núi

50 tỷ đồng đầu tư dự án nông nghiệp sinh thái độc đáo trên núi

Author Kế Toại, publish date Tuesday. April 3rd, 2018

50 tỷ đồng đầu tư dự án nông nghiệp sinh thái độc đáo trên núi

Với những ý tưởng “khác người”, một doanh nghiệp tư nhân ở Lào Cai đã chịu đầu tư số tiền 50 tỷ đồng để lên núi làm trang trại nông nghiệp sinh thái. 

Đàn bò được chăn thả tự nhiên

Ở đó, nuôi đủ mọi thứ từ bò, lợn, gà… và sắp tới là ngựa bạch, hươu, nai. Ngoài ra, sẽ quy hoạch thêm những hồ câu cá, phục vụ khách tham quan.

Dự án kể trên nằm trên địa phận xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai. Nghe thì gần, đường lên trang trại vòng vèo, với những con đường đất dốc dựng đứng. Để lên tới tận nơi, nếu không sử dụng những chiếc ô tô gầm cao thì chỉ còn cách là cuốc bộ.

Dự án của Cty TNHH MTV Hoàng Liên Thanh, trụ sở tại thành phố Lào Cai. Người đang điều hành dự án là ông Trần Xuân Lập – một đại tá quân đội nghỉ hưu. Nhiều người bảo, trước ông là đại tá, giờ thì thành “tá điền” rồi.

Chúng tôi gọi điện, từ sớm tinh mơ ông đã một mình vào trang trại, trưa ăn cơm cùng anh em công nhân, tối mịt mới trở về nhà để ngủ. Công việc hằng ngày cứ tiếp diễn đều đặn như thế vài năm qua.

Tổng dự án này có diện tích 95ha, đến nay, tỉnh Lào Cai đã bàn giao cho doanh nghiệp được 40ha. Ông Lập cho biết, mình bắt đầu nuôi bò từ năm 2014. Sau khi được bàn giao đất, dự án bắt đầu trồng cỏ phủ kín gần như toàn bộ 40ha được giao. Cỏ trồng là loại nhập khẩu, có giá đắt đỏ nhưng có vụ 300 triệu tiền giống ươm xuống, trời khô hạn chết sạch. Không nản lòng, ông lại tiếp tục trồng lứa mới. Tới nay, diện tích cỏ này đã cho thu hoạch được hai lần.

Đàn lợn rừng được nuôi bằng thức ăn sạch

Tổng đàn bò ở đây hiện có khoảng 300 con cả lai Sind lẫn bò ta. Nuôi với số lượng lớn, nhưng doanh nghiệp này không chọn phương pháp công nghiệp mà chăn thả tự nhiên. Những ngày không mưa rét, luôn có ít nhất 4 công nhân lùa bò ra bãi cỏ, trưa lùa về và chiều lại tiếp tục.

“Chúng tôi hướng tới tạo ra thịt sạch nên chăn thả tự nhiên. Phân bò thải ra bón luôn cho cỏ, khoảng 15 ngày thì cỏ mọc xanh tốt trở lại. Còn lượng phân trong chuồng thì đem ủ trấu cho hoai mục rồi đem bón cho cỏ”, ông Lập chia sẻ.

Tại khu trung tâm của dự án, doanh nghiệp này cũng có đàn lợn trên 300 con. Trong đó, giống sử dụng chủ yếu là lợn rừng, có giá trị kinh tế cao. Anh Nguyễn Tiến Huân, phụ trách chăn nuôi ở đây cho biết, số lợn này cũng được nuôi theo quy trình sạch. Toàn bộ thức ăn được làm từ rau, chuối băm, cám gạo, ngô… Thân cây chuối được băm nhỏ, ủ với cám ngô cùng men để cho lợn ăn nhiều ngày. Để bổ sung đạm cho vật nuôi, các loại cá được mua về, ủ thành mắm rồi nấu chín cho ăn pha.

Công đoạn nấu cám lợn, là hỗn hợp của nhiều loại rau củ quả và mắm cá

Đi ủng cao tới đầu gối, ông Lập phăm phăm dẫn chúng tôi đi một vòng, miệng không ngơi thuyết minh về dự án đầy say mê. “Nhiều lúc đi về nhà, ai cũng nhìn mình vì người toàn một mùi phân bò, phân lợn. Lâu dần thì quen rồi”.

Theo ông Lập, dự án tiếp tục mở rộng thêm nhiều hạng mục để sắp tới nuôi thêm ngựa bạch, hươu và nai. “Mới đây, chúng tôi đã đi khảo sát, tìm giống ngựa cũng như hươu nai để chuẩn bị nuôi. Hiện chuồng trại đang được xây dựng gần như hoàn thiện. Ngựa bạch nuôi vừa có thể bán thịt, nấu cao bán ra thị trường”.

Ông Lập tính toán, riêng như thị trường Lào Cai hiện nay, thịt ngựa luôn trong tình trạng khan hàng. Rồi nhìn lại ngành nuôi lợn thịt năm ngoái, dù có xuống giá 15 nghìn đồng/kg, lợn đen hay lợn rừng vẫn giữ giá cả trăm nghìn. Nhiều khi, khách gọi điện đặt hàng liên tục nhưng cũng không có hàng để xuất. Đó là nước đi riêng biệt, đầy khoa học về kinh tế.

Dự án này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Lường Thị Hương (25 tuổi), trú tại Tam Đường (Lai Châu) cho biết, do được người chị làm ở đây giới thiệu nên đến xin việc. “Ở bên quê có việc gì làm đâu, mỗi vụ trồng tí lúa, tí ngô xong lại chơi, cuộc sống khó khăn lắm. Công việc ở đây cũng không có gì vất vả. Mỗi ngày được làm việc được chấm công 150 nghìn đồng. Mọi người ăn ngủ tại chỗ luôn, thực phẩm thì luôn có sẵn ở trang trại”, chị Hương kể.

Khu chuồng trại mới dự định để nuôi hươu, nai

Dù trạng trại đã cho thu những đồng tiền đầu tiên, nhưng trước mắt vẫn bộn bề những khó khăn vất vả. Theo ông Lập, cái khó nhất hiện nay là chưa được giao toàn bộ mặt bằng do công tác giải phóng bị chậm.

Tôi hỏi, ông làm dự án lớn như vậy, liệu có sự tính toán rủi ro khi việc thù hồi vốn rất chậm. “Tôi nghĩ, đã làm nông nghiệp là phải tính lâu dài. Vấn đề này hiện đang được các cấp từ Chính phủ cho tới các Bộ, tỉnh đều rất quan tâm, ủng hộ. Nếu các doanh nghiệp đầu tư, làm ăn chân chính và có hiệu quả, chắc chắn sẽ có sự tiếp sức từ nhiều phía. Như dự án này, chúng tôi đã đầu tư trên dưới 50, phải từ năm thứ 6 trở đi mới tính tới chuyện sinh lãi”, ông Lập tâm sự.

Công nhân tại đây trồng các loại ra để ăn

Một góc của dự án nông nghiệp sinh thái nhìn từ trên cao

“Sau này, khi được giao toàn bộ mặt bằng, những diện tích nào còn trống, chúng tôi sẽ cho trồng toàn bộ quế, keo. Một phần sẽ được đào ao, thả cá như khu sinh thái. Như vậy, vừa cho lợi nhuận về lâu dài, vừa tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, biến nơi đây thành một trang trại nông nghiệp sinh thái đúng nghĩa”, ông Lập chia sẻ dự định.


Xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ Xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ Bí quyết trộn đất trồng rau sạch trên sân thượng Bí quyết trộn đất trồng rau sạch trên…