Tin nông nghiệp 7 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản bứt phá

7 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản bứt phá

Author Lê Bền, publish date Tuesday. August 1st, 2017

7 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản bứt phá

7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK của hàng loạt các mặt hàng nông sản XK chủ lực duy trì ở mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt cao su tăng tới 59,2%, rau quả tăng 48,9%.

Cùng với cao su, rau quả tiếp tục nhảy vọt về kim ngạch XK trong 7 tháng đầu năm 2017

Ngoạn mục rau quả, cao su

Theo Bộ NN-PTNT, tình hình XK các mặt hàng nông lâm thủy sản trong tháng 7/2017 đã ghi nhận những bứt phá lớn. Cụ thể, tổng kim ngạch XK tháng 7 đạt 3,1 tỷ USD (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, kim ngạch XK nhóm hàng nông sản chính ước đạt 1,68 tỷ USD (tăng 0,5% so với tháng 6/2017, nhưng tăng đến 25% so với tháng 7/2016). XK thủy sản tiếp tục gặt hái ấn tượng với kim ngạch đạt 727 triệu USD (tăng 21,6% so với cùng kỳ).

Với kết quả này, tính chung 7 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản cả nước ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 18,0%.

Những mặt hàng có kim ngạch XK tăng mạnh là: Cà phê đạt 2,1 tỷ USD (tăng 7,9%), cao su đạt 1,1 tỷ USD (tăng 59,2%), hạt điều đạt 1,8 tỷ USD (tăng 24,2%), rau quả đạt 2,0 tỷ USD (tăng 48,9%), gạo đạt 1,47 tỷ USD (tăng 13,7%). Một số nhóm ngành hàng tiếp tục giữ được đà tăng kim ngạch XK khá ổn định khác như thủy sản ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 17,5%; đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản có kim ngạch giảm trong 7 tháng đầu năm 2017 là: sắn đạt 565 triệu USD (-8,1%), hạt tiêu đạt 800 triệu USD (-18,2%)...

Cùng với việc thành lập và kiện toàn Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chuyên trách về xúc tiến thương mại, tháng 7/2017, Bộ NN-PTNT đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, rào cản để đẩy mạnh XK như: Chuẩn bị tốt để XK lô hàng Bel Gà đầu tiên sang thị trường Nhật Bản; hướng dẫn người dân chuẩn bị các điều kiện về SX cá tra, đồng thời làm việc với Hoa Kỳ để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc thực thi Đạo luật Farm Bill...; đồng thời chuẩn bị tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ rau, quả Việt Nam - Trung Quốc”, Hội thảo về Quy định của thị trường Hoa Kỳ, EU nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thị trường của các doanh nghiệp... Hiện Bộ NN-PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các phương án đối phó với những quy định kiểm dịch khắt khe đối với tôm chưa qua chế biến XK sang Úc nhằm hỗ trợ DN chuẩn bị cho những yêu cầu mới này.  

Chú ý sản xuất lúa

Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù trong tháng 7/2017, cả nước đã xảy ra 3 cơn bão và ATNĐ liên tiếp gây mưa lớn ở nhiều vùng trên cả nước, tuy nhiên tính đến trung tuần tháng 7/2017, cả nước đã gieo cấy đạt 1.112,7 nghìn ha lúa mùa, tăng 10,7% cùng kỳ năm trước. Trong đó miền Bắc đạt 944,8 nghìn ha, tăng 11%; miền Nam đạt 167,9 nghìn ha, tăng 9,1%, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, diện tích gieo cấy lúa HT cả nước ước đạt 2.124,8 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ. Đối với lúa TĐ ở ĐBSCL, tính đến ngày 15/7, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống đạt 355,4 nghìn ha, thấp hơn 34 nghìn ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Rau quả tiếp tục nhảy vọt về kim ngạch XK trong 7 tháng đầu năm 2017 (trong ảnh, kiểm dịch xoài XK sang Úc tại Hà Nội)

Đáng lo ngại nhất hiện nay đối với SX lúa đó là nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong đó, một số loại sâu bệnh hại lúa tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái như sâu cuốn lá nhỏ (57.153ha, tăng 25.331ha); rầy râu - rầy lưng trắng (49.183ha, tăng 20.252ha); chuột (6.867ha, tăng 1.186ha); vàng lùn - lùn xoắn lá (6.113ha, tăng 6.069ha); bệnh lem lép hạt (16.928ha); bệnh khô vằn (7.983ha); đạo ôn cổ bông (2.964ha); sâu đục thân (1.940ha)... Phần lớn các loại dịch bệnh gây hại hiện tập trung ở các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên do đây là vùng vừa trải qua ảnh hưởng của nhiều đợt mưa bão.

Trước tình hình này, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương và cơ quan liên quan tập trung hướng dẫn các địa phương phía Bắc nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão, lũ, phục hồi SX. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các địa phương phía Bắc (nhất là Hà Tĩnh, Thanh Hóa) khẩn trương cấy lại diện tích bị thiệt hại do bão, lũ bằng các giống lúa ngắn ngày. Tập trung tối đa lực lượng để tiêu thoát nước, kèm theo các giải pháp kỹ thuật chăm sóc và chỉ đạo của ngành BVTV để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh. Tăng cường theo dõi, dự báo và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, sinh vật gây hại trên cây trồng...

Trong tháng 7/2017, giá thịt lợn, trứng gia cầm đã tăng trở lại, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, SX từng bước được hồi phục. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Chăn nuôi, người chăn nuôi vẫn cần thận trọng trong việc đầu tư tái đàn, hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn còn tái đàn, nhưng số lượng rất hạn chế. Ước hết tháng 7, đàn lợn cả nước vẫn giảm 3,3%, đàn trâu giảm 0,8%, đàn bò tăng 2,2%, đàn gia cầm tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trước tình hình này, trong tháng 8/2017, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trong triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn trong thời gian qua; Diễn đàn chuỗi chăn nuôi lợn phục vụ XK...

Trong khi tình hình thị trường chăn nuôi có cải thiện thì một số địa phương vẫn đang có các ổ dịch LMLM trên gia súc, cụ thể đến ngày 29/7 vẫn còn 5 ổ dịch LMLM tại Đăk Lăk và Kon Tum chưa qua 21 ngày.


Tầm bóp: Ở Việt Nam chỉ là quả dại, Nhật Bản bán 700.000 đồng/kg Tầm bóp: Ở Việt Nam chỉ là quả… Giá thịt lợn ở Trung Quốc tiếp tục giảm? Giá thịt lợn ở Trung Quốc tiếp tục…