Tin thủy sản 8 dấu ấn thị trường thủy sản quốc tế 2021

8 dấu ấn thị trường thủy sản quốc tế 2021

Author Vũ Đức - Tổng hợp, publish date Wednesday. February 9th, 2022

8 dấu ấn thị trường thủy sản quốc tế 2021

Năm 2021 đánh dấu một kỷ lục đáng lo ngại về những lô hàng tôm bị từ chối thông quan tại Mỹ. Theo dữ liệu 9 tháng đầu năm 2021 của Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), có tổng cộng 64 lô hàng tôm bị từ chối thông quan do kháng sinh cấm, mức cao nhất kể từ năm 2016 đến nay.

1.000 container tôm Ấn Độ mắc kẹt tại các cảng Trung Quốc

Cuối tháng 7/2021, hơn 1.000 container tôm của ít nhất 50 hãng tôm Ấn Độ bị mắc kẹt tại các cảng biển của Trung Quốc. Mỗi container chứa 16 tấn tôm đông lạnh, tổng trị giá tương đương 160,6 triệu USD. Không chỉ Ấn Độ, trong khoảng thời gian này, 10 nước châu Á khác cũng bị tạm ngừng vận chuyển container tới Trạm Giang, một cảng biển thuộc tỉnh Quảng Đông do quá tải công suất dỡ hàng. Đây là hệ quả từ hàng rào kiểm dịch khắt khe của Trung Quốc để phòng chống COVID-19 sau khi nước này phát hiện dấu vết virus corona trên bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu. Việc Trung Quốc kiểm soát kiểm dịch COVID-19 tại các cảng, sân bay khiến việc xuất khẩu thủy sản từ các nước đến châu Á và châu Âu bị ùn ứ. Điều này còn khiến các nhà chế biến nội địa Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất và phải giảm công suất nhà máy.

Mỹ từ chối thông quan 73 lô hàng tôm

Năm 2021 đánh dấu một kỷ lục đáng lo ngại về những lô hàng tôm bị từ chối thông quan tại Mỹ. Theo dữ liệu 9 tháng đầu năm 2021 của Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), có tổng cộng 64 lô hàng tôm bị từ chối thông quan do kháng sinh cấm, mức cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Trước đó, FDA chỉ từ chối 34 lô hàng thủy sản vào năm 2020. Tới tháng 11/2021, số lô hàng tôm bị từ chối thông quan tiếp tục tăng lên 73 lô và đều liên quan đến kháng sinh cấm. Trong số này có tôm từ Việt Nam, Malaysia, Bangladesh và Trung Quốc.

Cước vận tải tăng phi mã

Cước vận chuyển từ nhiều khu vực tăng 20 – 40% chỉ sau 1 đêm tại một số cảng xuất hàng như Trung Quốc. Giá cước vận tải biển tăng vọt đã buộc một số nhà máy chế biến cá rô phi cỡ nhỏ tại quốc gia này phải tạm dừng sản xuất hoặc tạm thời đóng cửa vì chi phí chồng chất. Riêng cảng Đại Liên – Trung Quốc ghi nhận mức cước vận chuyển đối với thủy sản đông lạnh tới New York tăng vọt lên 22.000 USD/container. Giá cước vận tải toàn cầu tăng mạnh từ giữa năm 2020 và năm 2021 và tình trạng này có thể kéo dài đến mùa hè năm 2022. Công ty lớn có thể gánh cước phí vận tải tăng tuy nhiên các công ty nhỏ, lợi nhuận thấp, cước vận tải tăng sẽ làm tăng giá sản phẩm.

20 công ty cá tra Việt Nam rút khỏi thị trường EU

Trong khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường nhỏ hơn đang ghi nhận tăng trưởng mạnh, xuất khẩu cá tra sang EU liên tục suy giảm. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 51 triệu USD trong tháng 6/2021, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành dịch vụ ẩm thực, bao gồm khu vực nhà hàng và khách sạn tại EU phục hồi rất chậm. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu thận trọng hơn khi đặt hàng, đặc biệt là kể từ sau đợt bùng phát virus corona. Người tiêu dùng EU bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng và quan tâm hơn tới vấn đề an toàn thực phẩm. Họ yêu cầu các sản phẩm chất lượng cao hơn nhưng giá lại rẻ hơn. Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đã giảm trong liên tiếp 2 năm qua khiến nhiều hãng xuất khẩu cá tra phải chuyển sang các thị trường khác.

Ecuador dẫn đầu về xuất khẩu tôm

Ecuador dự kiến có thể đạt sản lượng 940.000 tấn TTCT trong năm 2021 với giá trị xuất khẩu ước đạt 4,6 tỷ USD. Nước này đã vượt qua Ấn Độ – nguồn cung tôm lớn nhất thế giới trước đại dịch COVID cả về khối lượng và giá xuất khẩu tôm trong năm 2021. Theo GOAL, Ấn Độ có thể đạt sản lượng tôm 700.000 tấn, tăng 6,1% so với năm 2020. Tại thị trường EU, Ecuador đang nổi lên là một đối thủ cạnh tranh mạnh với các nguồn cung tôm từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Ecuador có lợi thế giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng.

Giá bán lẻ thủy sản tăng vọt

Các diễn biến mua sắm và tiêu dùng liên tục biến đổi, lạm phát cao và các khó khăn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng vẫn chưa tạo ra một cân bằng mới và ổn định cho cung – cầu. Tại Mỹ, lạm phát diễn ra trên diện rộng khiến giá thủy sản tươi, đông lạnh và bảo quản đồng loạt tăng trong quý II/2021, theo dữ liệu từ IRI and 210 Analytics. Giá thủy sản đông lạnh tăng mạnh nhất 9,2% so với cùng kỳ năm 2019 lên 6,96 USD/pound trung bình trên hệ thống bán lẻ phổ thông và cửa hàng thực phẩm tại Mỹ. Giá thủy sản tươi cũng tăng 8% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm 2019 và 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 lên mức 8,4 USD/pound. Giá thủy sản chế biến bảo quản tăng 4,4% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm 2019 nhưng giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trung bình trong quý II/2021 đạt 4,88 USD/pound.

Bão giá thức ăn chăn nuôi

2021 tiếp tục là một năm khó khăn với các hãng thức ăn thủy sản tại châu Á, khi chi phí thức ăn tăng 15 – 35%, dẫn đến giá thức ăn trên thị trường cũng tăng theo. Tháng 5/2021, giá ngô tại Ấn Độ đã tăng từ 14 INR/kg (0,19 USD/kg) lên 17 INR/kg (0,23 USD/kg) và giá lúa mỳ tăng từ 20 INR/kg lên 22 INR/kg. Việc giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao đã đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng theo. Có thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 30 – 40%. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng rào cản về logisics và hiện tượng mua vào nguyên liệu số lượng lớn bất thường của Trung Quốc khiến việc tiếp cận nguồn cung thành phần thức ăn gặp nhiều khó khăn.

Tôm Ấn Độ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao kỷ lục

Các sản phẩm tôm từ 153 nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ bị đánh thuế suất là 7,5%, riêng tôm từ công ty HN Indigos sẽ bị đánh thuế hơn 11%. Đây được coi là mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay mà Mỹ áp dụng với sản phẩm tôm từ Ấn Độ. Theo Bộ Thương mại Mỹ (DOC), một lượng tôm nước ấm đông lạnh của Ấn Độ đang hoặc có khả năng được bán ở thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị bình thường trong giai đoạn xem xét”. Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ cho biết: “Biên độ bán phá giá này thể hiện mức giá cao nhất được tính cho các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ kể từ khi DOC hoàn thành đợt rà soát hành chính đầu tiên đối với tôm Ấn Độ vào năm 2007”.


Đón đầu công nghệ, dẫn lối thành công Đón đầu công nghệ, dẫn lối thành công Cải tiến quy trình nuôi lươn thương phẩm Cải tiến quy trình nuôi lươn thương phẩm