Tin nông nghiệp 9X xinh đẹp về quê làm nông nghiệp sạch

9X xinh đẹp về quê làm nông nghiệp sạch

Author Mạnh Cường, publish date Thursday. May 3rd, 2018

9X xinh đẹp về quê làm nông nghiệp sạch

Tốt nghiệp ngành kế toán và có công việc với mức lương ổn định tại TP.Đà Nẵng, cô gái trẻ Bùi Thị Thu Sương (26 tuổi) vẫn quyết định trở về quê thực hiện ước mơ xây dựng mô hình nông nghiệp sạch.  

Bùi Thị Thu Sương bên mô hình rau thủy canh của mình. Ảnh: Mạnh Cường

Kiên trì với nông nghiệp sạch

Năm 2014, Bùi Thị Thu Sương (ở P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam), bỏ ngang công việc đang làm để trở về quê dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Mình xuất thân là con nhà nông và thường xuyên chứng kiến câu chuyện “được mùa mất giá, mất giá được mùa” của người nông dân. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa xuất hiện, nhiều người cũng không thiết tha với hoạt động nông nghiệp. Khi còn là sinh viên mình có niềm đam mê với nông nghiệp sạch, cùng với đó người tiêu dùng đang khát thực phẩm sạch nhưng không biết tin tưởng ở đâu. Thế là mình quyết định bỏ việc về quê xây dựng mô hình trồng rau sạch”, Sương chia sẻ.

Với số tiền tích góp được sau một thời gian làm việc tại TP.Đà Nẵng, Sương đã vay mượn thêm hơn 100 triệu đồng. Tháng 10.2017, Sương thành lập công ty chuyên sản xuất rau bằng phương pháp nông nghiệp thủy canh. Trước khi xây dựng mô hình trồng rau sạch, cô gái trẻ đã đi khắp nơi tham khảo để học hỏi các mô hình trồng rau sạch bằng công nghệ cao, rau hữu cơ, rau thủy canh... Trên diện tích hơn 100 m2 vườn nhà, chị chọn giống rau xà lách ôn đới theo quy trình khép kín trên hệ thống thủy canh.

Khách hàng mà Sương nhắm đến là các siêu thị nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn có yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm. Theo Sương, trồng rau thủy canh khâu chọn giống là rất quan trọng, vì vậy chị đã chọn giống F1 xuất xứ từ Hà Lan có tỷ lệ nảy mầm trên 90%, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt. Trong quá trình vận hành hệ thống nông nghiệp thủy canh, chị chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường đảm bảo cho cây phát triển tốt và an toàn.

“Thời gian đầu khi xây dựng mô hình trồng rau này mình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự phản đối từ gia đình, bên cạnh đó đầu ra cho sản phẩm cũng không có. Nhưng với niềm đam mê với nông nghiệp, mình đã thuyết phục được bố mẹ. Đồng thời trong quá trình học hỏi, mình có thêm nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ, dần dần đã khắc phục được những trở ngại”, Sương chia sẻ.

Liên kết xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Do chủ động được nhiều mặt cho mô hình, từ chất lượng sản phẩm, kỹ thuật canh tác đến yếu tố môi trường nên trại rau thủy canh của Sương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình này đã cho thu hoạch được 3 lứa, mỗi lứa khoảng 250 kg rau. Với giá bán ra thị trường khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg, chị Sương thu được gần 20 triệu đồng/lứa.

“Trồng rau theo phương thức thủy canh cho hiệu quả gấp 3 lần so với trồng rau truyền thống, lại rất an toàn và đảm bảo chất lượng”, Sương cho biết.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và kỹ thuật canh tác, Sương đã chủ động liên kết với dự án H20 Farm (mô hình nông nghiệp công nghệ cao). Theo đó, tất cả cơ sở vật chất từ giàn ươm đến giá thể sinh trưởng của công ty đều do dự án H20 Farm cung cấp và không ngừng cải thiện nâng cấp.

Ngoài ra, dự án H20 Farm còn thường xuyên đến mô hình này để kiểm tra, gửi các mẫu nước, đất đi Hà Lan xét nghiệm và đánh giá. Chính vì vậy, mô hình trồng rau thủy canh của Sương, luôn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sắp tới Sương sẽ mở rộng mô hình rau thủy canh của mình trên phần diện tích khoảng 300 m2. Đồng thời triển khai trồng thử nghiệm với nhiều loại rau khác nhau để cung cấp ra thị trường. Không chỉ làm giàu cho mình, mô hình trồng rau thủy canh của Sương còn tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.


Nuôi vịt biển nhiều triển vọng Nuôi vịt biển nhiều triển vọng Kỹ sư công nghệ trồng rau sạch Kỹ sư công nghệ trồng rau sạch