Ảnh hưởng của levamisole lên một số chỉ tiêu miễn dịch và khả năng kháng bệnh ở cá tra
Nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung levamisole vào thức ăn lên sự đáp ứng miễn dịch tự nhiên của cá tra.
Giới thiệu
Để kiểm soát dịch bệnh, người nuôi thường sử dụng thuốc và hóa chất trong suốt quá trình nuôi cá. Theo Rico et al. (2013), 100% hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL có sử dụng thuốc và hóa chất trong suốt quá trình nuôi. Việc sử dụng hóa chất và kháng sinh không đúng quy định gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái của thủy vực, hiện tượng kháng kháng sinh trong các loài vi khuẩn gây bệnh trên cá và tồn lưu dư lượng trong sản phẩm thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (Sarter et al., 2007; Dung et al., 2009).
Người nuôi sử dụng thuốc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và tự pha trộn. Mặt khác, người nuôi biết rõ về danh mục các loại thuốc cấm nhưng một số người vẫn còn sử dụng mà chưa hiểu rõ về các nguy cơ của việc sử dụng thuốc, hóa chất trong phòng trị bệnh cá (Nguyễn Chính, 2005). Do vậy, tìm ra giải pháp phòng bệnh hữu hiệu cho cá, hạn chế tình trạng dùng thuốc và hóa chất để kiểm soát dịch bệnh trên cá là một việc cần thiết và cấp bách.
Cấu trúc hóa học của Levamisole
Một vài giải pháp đã được đề xuất và nghiên cứu, trong đó sử dụng chất kích thích miễn dịch để phòng bệnh cho cá là biện pháp đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Levamisole là một trong những chất kích thích miễn dịch tiềm năng cho động vật trên cạn và cá (Renoux, 1980; Ayarun et al., 2006; Shahidi et al., 2011). Thí nghiệm bổ sung levamisole vào thức ăn cho cá làm gia tăng các chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu như số lượng tế bào bạch cầu, hoạt tính lysozyme, hoạt tính bổ thể, hoạt tính chống oxy hóa, … (Peng et al., 2006; Ispir et al., 2007) . Ngoài ra, levamisole cũng được sử dụng như một chất bổ trợ khi tiêm vắc- xin cho cá hồi (Salmo salar L.) (Morrison et al., 2001). Bên cạnh đó, cá tra được tiêm levamisole (5 mg/kg cá) cũng cho thấy levamisole giúp kích thích gia tăng sự đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá tra (Hang et al., 2013).
Tuy nhiên, hiện tại chưa có một nghiên cứu hay báo cáo về việc xác định hàm lượng levamisole bổ sung thông qua thức ăn để nâng cao đáp ứng miễn dịch, tăng cường khả năng kháng bệnh của cá tra tại Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu khả năng ảnh hưởng của levamisole lên hệ miễn dịch cá tra, đồng thời xác định liều lượng levamisole thích hợp trong phòng bệnh cho cá tra nuôi.
Phương pháp nghiên cứu
Levamisole được bổ sung vào thức ăn cho cá tra ở nhiều nồng độ khác nhau (0, 50, 150, 300 và 450 mg/kg thức ăn) trong thời gian 4 tuần. Cá thí nghiệm được cảm nhiễm bằng phương pháp tiêm xoang bụng với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri ở tuần thứ 4 sau khi bổ sung levamisole. Các chỉ tiêu huyết học và miễn dịch được đánh giá ở tuần thứ 2 và thứ 4 của thí nghiệm.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu ghi nhận: tổng bạch cầu, các loại bạch cầu bao gồm bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính ở nhóm bổ sung levamisole tăng cao hơn so với nghiệm thức đối chứng.
Các chỉ tiêu miễn dịch, hoạt tính lysozyme và bổ thể tăng cao có ý nghĩa thống kê ở nghiệm thức bổ sung 300 mg/kg thức ăn so với các nghiệm thức còn lại sau 2 tuần bổ sung (p<0,05). Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá giảm nhẹ ở tuần thứ 4 sau khi bổ sung levamisole.
Sau khi cảm nhiễm, tỉ lệ chết thấp nhất của cá được tìm thấy ở nghiệm thức bổ sung 300 mg/kg thức ăn, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức đối chứng (p<0,05).
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy, bổ sung levamisole vào thức ăn cá tra với nồng độ 300 mg/kg thức ăn có thể làm gia tăng đáp ứng miễn dịch tự nhiên ở cá và bảo vệ cá tra kháng với vi khuẩn E. ictaluri.
Theo Bùi Thị Bích Hằng và ctv. 2017. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 48b: 1-9.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao