Tin nông nghiệp Anh nông dân miền Tây nức tiếng với tài nhìn trời đoán bệnh lúa

Anh nông dân miền Tây nức tiếng với tài nhìn trời đoán bệnh lúa

Author Ngọc Quyên, publish date Tuesday. May 16th, 2017

Anh nông dân miền Tây nức tiếng với tài nhìn trời đoán bệnh lúa

Là một nông dân tri điền, bám đất để sản xuất, anh Trần Văn Lắm ngụ ấp Đập Đá, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) không những làm giàu trên mảnh đất quê nhà mà còn nổi tiếng khắp vùng với biệt tài nhìn trời đoán bệnh trên cây lúa.

Anh Trần Văn Lắm nổi tiếng khắp vùng với biệt tài nhìn trời đoán bệnh trên lúa

Quyết bám ruộng sản xuất

Trong điều kiện sản xuất khó khăn, thời tiết thất thường, nhiều người cho rằng nghề nông vất vả, thu nhập lại không cao, nên đã bán ruộng hoặc cho thuê để đi xa làm ăn, nhưng anh Lắm thì khác. Anh quyết bám ruộng, bám đồng đất quê hương tìm cách làm giàu.

Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa xanh tốt, đang đi trên bờ ruộng, anh Lắm đột nhiên bước xuống ruộng lúa hơn 10 ngày tuổi rồi dùng hai tay vạch từng lá lúa ra xem. Anh Lắm nói: “Đợt này bướm nhiều, chắc sắp có đợt sâu cuốn lá, phải về chuẩn bị thuốc xịt mới được”. 

Nhắc đến anh Lắm, bà con trong ấp Đập Đá thường nhắc đến biệt tài nhìn tình hình thời tiết để dự báo sâu bệnh trên lúa khá chính xác của anh. “Ban ngày nắng nóng, về đêm có sương mù thì chắc chắn bệnh đạo ôn sẽ xuất hiện nên cần phòng ngừa kịp thời. Hoặc thời tiết đang nắng nóng bỗng có không khí lạnh đột ngột thì chắc chắn lúa sẽ dễ bị bệnh vàng lá. Đêm đến có rầy vào đèn thì chắc chắn có đợt rầy di trú nên cần đề cao cảnh giác theo dõi mật số rầy, 3 con/tép lúa thì tiến hành phun xịt kịp thời” - anh Lắm chia sẻ.

Có được khả năng này là do anh Lắm lúc nào cũng theo sát đồng ruộng, thích quan sát và đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm sản xuất lúa. Từ đó, dần hình thành sự “mẫn cảm” cần thiết của lão nông này. 

Triệu phú nông dân

Cưới vợ ra riêng, anh Lắm được cha mẹ chia cho 300m2 đất thổ cư và 9 công ruộng để lập nghiệp. Hết làm ruộng, vợ chồng anh Lắm lại chăn nuôi heo, vịt. Nhờ chịu khó nên vài năm sau vợ chồng anh Lắm có vốn để mua thêm đất ruộng. Năm 1998, thấy bà con trong ấp muốn mua phân bón phải đi xa, vừa tốn chi phí lại mất công nên anh quyết định mở cơ sở kinh doanh phân bón vừa phục vụ gia đình vừa đáp ứng nhu cầu của bà con. Làm ăn thuận lợi, đến năm 2000 anh Lắm thành lập đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. 

Hiện mỗi năm đại lý của anh bán ra khoảng 400 tấn phân bón, hơn 1 tấn thuốc trừ sâu các loại, lợi nhuận thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Với 7,7ha ruộng canh tác lúa 3 vụ, nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lại chịu khó học hỏi nên năng suất lúa của gia đình anh Lắm luôn đạt từ 8 tấn/ha trở lên trong vụ đông xuân, vụ hè thu và thu đông đạt từ 6-6,5 tấn/ha; sau khi trừ hết chi phí, anh Lắm thu về hơn 350 triệu đồng. 

Khi được hỏi vì sao vẫn bám ruộng trong khi đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp đã cho lợi nhuận khá, anh Lắm cười nói: “Tôi xuất thân từ nông dân, ở quê không làm ruộng thì biết làm gì. Chắc tại mê ruộng quá nên dù có của ăn của để nhưng vẫn quyết tâm bám ruộng”. Ba người con của anh Lắm được học hành đến nơi đến chốn, hiện đang phụ anh trong việc kinh doanh và tư vấn cho bà con nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại đại lý của gia đình. Tuy việc kinh doanh đã có các con phụ giúp nhưng anh Lắm vẫn đứng phía sau hướng dẫn các con sản xuất, kinh doanh. 

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho  anh Trần Văn Lắm  (phải)về thành tích sản xuất kinh giỏi cấp tỉnh 

Ông Lê Hậu Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội, cho biết: “Anh Trần Văn Lắm là tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu. Sản xuất, kinh doanh giỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất lúa với mọi người, anh còn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào khác ở địa phương như góp tiền làm cầu, làm đường, tặng quà cho nông dân nghèo ăn tết. Từ năm 2012 đến nay, anh Lắm giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.


Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi bò thịt cao sản cho hiệu quả Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi bò thịt… Vì sao phải đầu tư vào trứng?. Câu trả lời: Thị trường 7 tỷ dân Vì sao phải đầu tư vào trứng?. Câu…