Áp dụng kỹ thuật chăm sóc nhãn
Những năm trước, vào thời điểm này hầu hết các cây nhãn đều ra hoa nhưng năm nay bình quân chỉ có 50 – 60% số cây ra hoa. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chuyên môn và các nhà vườn, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, năm nay nhãn vẫn đạt sản lượng khá.
Ông Bùi Xuân Tám đo nhiệt độ ngoài vườn để áp dụng chăm sóc nhãn
Xã Hồng Nam là “vựa nhãn” lớn nhất của thành phố Hưng Yên với diện tích khoảng 250ha. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng do các chủ vườn biết kết hợp giữa khoa học và kinh nghiệm trong chăm bón nên thời điểm này đã có từ 75 – 80% số cây đã ra hoa, trong đó nhiều vườn đạt trên 90%. Điển hình là hộ ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu, một trong những người nhiều năm gắn bó với cây nhãn. Theo ông Tám, người trồng nhãn cần nắm chắc thông tin về diễn biến của thời tiết, nhìn thể trạng của từng cây, từ đó có những tác động thích hợp và kịp thời bằng các biện pháp kỹ thuật thì nhãn sẽ ra hoa. Năm nay, do không có những đợt rét đậm, rét hại và ít mưa hơn so với mọi năm nên nhãn phát triển lộc lá mạnh nhưng khó ra hoa. Để nhãn ra hoa theo ý muốn, trước khi thu hoạch đợt quả cuối cùng của năm trước từ 5 - 7 ngày, ông Tám bắt đầu bón phân, kết thúc trước ngày 10.9 âm lịch để cây phục hồi sau một thời gian dài nuôi quả, tiếp đó là cắt tỉa cành, tạo tán. Từ ngày 1 – 20 tháng Chạp năm trước, tiến hành khoanh vỏ cành, tưới thuốc, ức chế làm cho cây cằn lại và sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng nụ, đồng thời hãm lộc lá phát triển. Năm nay, vườn nhãn của gia đình ông Tám, tỷ lệ cây ra hoa sai đạt trên 90%.
Huyện Khoái Châu có hơn 1,6 nghìn ha nhãn, trồng tập trung nhiều ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vỹ… Vào thời điểm giữa tháng 2, đầu tháng 3, nhiều chủ vườn đứng ngồi không yên vì hầu hết nhãn chưa có dấu hiệu phát giò hoa... Tuy nhiên, sau mấy ngày cuối tháng 2, thời tiết trở rét, đã kích thích nhãn phát triển giò hoa nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với năm 2016. Ông Đỗ Bá Nghĩa, Giám đốc HTX nhãn lồng Khoái Châu cho biết: “Năm nay, tôi và các chủ vườn vẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật như mọi năm nhưng do thời tiết nắng nhiều, mưa ít nên tỷ lệ nhãn ra hoa thấp hơn năm trước, bình quân chung toàn huyện chỉ đạt 50% diện tích, có vườn chỉ đạt 20%”.
Giải thích về hiện tượng nhãn ra hoa đạt tỷ lệ thấp, bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Qua nghiên cứu và theo dõi thực tế, để cây nhãn phân hóa mầm hoa, cần phải một thời gian lạnh liên tục dưới 15 độ C cho cây nhãn “ủ hoa”. Ví dụ năm 2012, rét đến hết tháng 2, giữa tháng 3 nhãn mới phát giò hoa và nở hoa sau tiết thanh minh nhưng lại là năm nhãn ở tỉnh ta được mùa nhất với sản lượng nhãn toàn tỉnh đạt 40 nghìn tấn. Năm nay, do nền nhiệt độ mùa đông cao hơn so với trung bình mọi năm, kèm theo lượng mưa thấp đã tác động đến quá trình sinh trưởng của cây nhãn. Chính vì vậy, những diện tích nhãn không được áp dụng kỹ thuật hoặc ứng dụng chệch thời gian thì cây sẽ khó ra hoa.
Theo nhận định của các chủ vườn, khả năng năm nay sản lượng nhãn sẽ thấp hơn so với năm trước. Do đó, ngành chuyên môn cùng các địa phương cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, tăng giá trị thu nhập từ cây nhãn; nhân rộng các mô hình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn Vietgap, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu đặc sản nhãn lồng Hưng Yên đến người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao