Tin thủy sản Bắc Giang chủ động ngăn ngừa dịch bệnh ở thủy sản

Bắc Giang chủ động ngăn ngừa dịch bệnh ở thủy sản

Author Hoàng Phương, publish date Wednesday. August 3rd, 2016

Bắc Giang chủ động ngăn ngừa dịch bệnh ở thủy sản

Cá chết rải rác

Nửa tháng nay, cá rô phi chết rải rác trong ao của gia đình ông Nguyễn Văn Trang, thôn Nguộn, xã Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Thời tiết nắng nóng, cá nổi nhiều lần trong ngày, có biểu hiện ngạt khí do thiếu ô-xi. Ban đầu cá bơi chậm, yếu, sau vài ngày thì chết với số lượng tăng dần. Ông ước tính thiệt hại mất một nửa số cá trong ao. Nhiều hộ nuôi cá thương phẩm và cá giống ở thôn Tân Xuân 1, Tân Xuân 2, Ngọc Yên cùng xã cũng gặp hiện tượng này.

Các hộ nuôi thủy sản xã Thái Đào (Lạng Giang) cũng bị thiệt hại do ảnh hưởng của đợt cá chết từ cuối tháng 5 dương lịch đến nay. Chị Nguyễn Thị Dự, cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Trong xã có 150 gia đình nuôi cá với tổng diện tích khoảng 80 ha. Hầu hết các hộ đều dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước nhưng nhiều ao vẫn chưa có hệ thống sục khí ô-xi.

Vì vậy, thời tiết nắng nóng làm vật nuôi ngạt do thiếu khí và chết”. Ngoài ra, nhiều hộ dân nơi đây lấy chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, gia tăng bệnh liên cầu khuẩn và lồi mắt đỏ ở cá rô phi. Đây là loại bệnh dễ bùng phát trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ao nuôi cá giống có tỷ lệ chết cao hơn so với cá thương phẩm.

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân do thời tiết bất lợi, nhiệt độ nước ao biến động mạnh giữa ngày và đêm làm phát sinh khí độc, giảm lượng ô-xi, tạo điều kiện cho ký sinh trùng, vi khuẩn phát triển gây bệnh. Một số ít cá rô phi mắc bệnh liên cầu khuẩn do chưa xử lý hết mầm bệnh từ những vụ trước.

Chủ động phòng, chống

Toàn tỉnh có hơn 12 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trước nguy cơ các loại bệnh về ở cá có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng, nhất là khi nhiệt độ thường xuyên ở mức 36-38 độ C ngoài trời, các cơ quan chuyên môn và người dân đang tập trung phòng ngừa. Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân bổ sung men tiêu hóa, vitamin C trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng.

Thả cá giống khỏe với mật độ vừa phải, cân đối cơ cấu giống cá hợp lý. Quản lý tốt thức ăn, không dùng phân tươi cho cá nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và hạn chế các bệnh phát triển. Người dân cần thường xuyên quan sát ao để kịp thời xử lý.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay, Bắc Giang chưa xảy ra dịch bệnh ở thủy sản nên phòng bệnh là biện pháp chủ yếu. Ngay sau khi có thông tin cá chết, Chi cục phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm nguyên nhân tìm hướng phòng, trị.

Chủ động kiểm tra các cửa hàng bán thuốc, hạn chế tình trạng người dân mua phải hàng giả, kém chất lượng. Ở những địa bàn có cá chết, Chi cục cử cán bộ chuyên môn mang vôi bột xuống tận nơi giúp bà con trừ bệnh, khử trùng, giảm nguy cơ lây bệnh.

Một số huyện như Tân Yên, Yên Dũng hỗ trợ người dân mua vôi bột khử trùng ao nuôi, đồng thời tích cực hoàn thiện thủ tục hỗ trợ kinh phí cho gia đình có cá chết do dịch bệnh, thiên tai để bà con yên tâm sản xuất.

Riêng huyện Tân Yên có diện tích nuôi thủy sản lớn, Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên kiểm tra, sớm phát hiện để phòng, chống kịp thời, hướng dẫn bà con chọn máy móc phù hợp với nghề nuôi thủy sản. Nhiều ý kiến cho rằng người nuôi thủy sản phải chủ động hơn trong công tác phòng dịch, đầu tư phương tiện, thuốc thú y, giảm thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh.

Đối với các ao cá bị bệnh, cần giảm lượng thức ăn dư thừa, tránh ô nhiễm môi trường nước, có biện pháp cách ly với các ao bị bệnh xung quanh. Sau khi rắc thuốc phòng, trị bệnh nên sử dụng máy tạo ô-xi để tuần hoàn nước, giảm khí độc. Ngay khi phát hiện ra ao nuôi có biểu hiện lạ, người dân nên báo cho cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh để xác định nguyên nhân, cách chữa bệnh.


Tàu tấp nập vào bờ, giá hải sản vẫn ở mức đáy Tàu tấp nập vào bờ, giá hải sản… An Giang tăng cường công tác thú y thủy sản An Giang tăng cường công tác thú y…