Mô hình kinh tế Bàn cách phòng trị bệnh hại chính trên cây ăn trái vùng ĐBSCL

Bàn cách phòng trị bệnh hại chính trên cây ăn trái vùng ĐBSCL

Publish date Sunday. September 27th, 2015

Bàn cách phòng trị bệnh hại chính trên cây ăn trái vùng ĐBSCL

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức Diễn đàn @ Nông nghiệp với chuyên đề “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại chính trên cây ăn trái vùng ĐBSCL”.

Ban chủ tọa và Ban cố vấn Diễn đàn

Thực trạng và thách thức

TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, ĐBSCL không chỉ nổi tiếng là vựa lúa hàng hóa, vựa tôm, cá của cả nước mà còn có thế mạnh đặc biệt về cây ăn trái.

Ước tính toàn vùng hiện có gần 300 ngàn ha cây ăn trái các loại, sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 38% về diện tích và 44% về sản lượng của cả nước.

Vùng hội đủ những điều kiện về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... để trồng cây ăn quả 4 mùa, tạo nguồn nông sản tiêu dùng và xuất khẩu ổn định.

Cùng với việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng sản phẩm cây ăn trái của vùng cao, tạo công ăn việc làm góp phần cải thiện mức sống của người dân.

Diện tích cây ăn trái ngày càng được mở rộng, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với những thương hiệu nổi tiếng như: bưởi Năm roi - Vĩnh Long, bưởi Da xanh - Bến Tre, quít hồng Lai Vung - Đồng Tháp, cam Mật Phong, thanh long ở Tiền Giang và Long An...

Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 150% so với năm 2013, đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay. Hiện tại, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang trên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực với hơn 40% tổng kim ngạch.

Riêng 7 tháng đầu năm 2015 ĐBSCL đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trên 160.000 tấn trái cây đặc sản, giá trị xuất khẩu đạt 1,001 tỷ USD. Dự báo năm 2015, tổng nhu cầu nhập khẩu trái cây của thế giới sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 2,6 triệu tấn là trái cây từ khu vực các nước nhiệt đới.

Xuất khẩu trái cây tươi trên thế giới có xu hướng tăng, tốc độ tăng bình quân 5,4%/năm.

Như vậy sản phẩm trái cây Việt Nam, trong đó vùng sản xuất trái cây chính như ĐBSCL đứng trước cơ hội lớn để gia nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới.

Thị trường xuất khẩu lớn được mở rộng kéo theo diện tích sản xuất cây ăn quả vùng ĐBSCL tăng lên khó kiểm soát.

Các loại dịch hại xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều loại dịch hại nguy hiểm.

Đến hết tháng 8/2015 nhiều diện tích cây ăn trái nhiễm sâu, bệnh rất nặng, chủ yếu là bệnh đốm nâu gây hại 8.697 ha thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang; bệnh chổi rồng hại 13.225 ha, nhiễm nặng tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh; bệnh greening gây hại cục bộ trên 4.673 ha cây có múi, nhiễm nặng tại các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ....

Tình hình dịch bệnh phức tạp đã gây không ít khó khăn cho công tác bảo vệ thực vật trên cây trồng.

Tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp

Để góp phần nâng cao nhận thức cho người sản xuất và tuyên truyền về các giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn quả, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại cây ăn trái vùng ĐBSCL”.

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu là cán bộ, người dân trồng cây ăn trái của 10 tỉnh vùng ĐBSCL đến tham dự.

Diễn đàn thu hút đông đảo các đại biểu tham dự

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Kinh tế vườn là một thế mạnh của Tiền Giang và đang phát triển khá nhanh với nhiều chủng loại phong phú với trên 72.000 ha, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn/năm.

Giá trị gia tăng của ngành hàng trái cây Tiền Giang đạt trên 18.000 tỷ đồng, chiếm 57% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, ngành hàng cây ăn trái đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ.

Sự xuất hiện nhiều loại bệnh dịch như: bệnh đốm nâu trên cây thanh long, bệnh chổi rồng trên nhãn, bệnh vàng lá greening, thối rễ trên cây có múi… đã làm cho một số nhà vườn thất thu tiền tỷ. Đây là vấn đề nan giải không chỉ với nông dân mà với cả các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các nhà khoa học…

Diễn đàn “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn trái” được tổ chức sẽ giải quyết kịp thời các bức xúc của nhà vườn, nhà khoa học và nhà quản lý nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trái cây đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch hội làm vườn Việt Nam cho rằng trong 7 tháng đầu năm 2015 giá trị xuất đạt trên 1 tỷ USD là một bước tiên bộ, tuy nhiên so với mặt bằng chung vẫn chưa xứng tầm.

Yếu điểm của ngành trái cây Việt Nam thời gian qua là doanh nghiệp chưa liên kết chặt với nông dân trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, các địa phương cần thành lập tổ hợp tác, HTX sản xuất cây ăn trái để sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nhằm rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ, loại bỏ hẳn trung gian thương lái.

Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam Nguyễn Văn Hòa đưa ra giải pháp phòng trừ trên cây có múi là loại bỏ cây bệnh, sử dụng giống cây sạch bệnh.

Biện pháp sử dụng thuốc BVTV để diệt trừ trung gian truyền bệnh là RCC mang lại hiệu quả gián tiếp tránh nhiễm.

Ngoài ra, chiến lược phòng trừ mới là trồng xen cây trồng khác, dinh dưỡng hợp lý kéo dài tuổi thọ cây có múi, thay đổi thời vụ trồng, trồng thưa, xử lý thuốc trừ sâu lưu dẫn trên cây giống sạch bệnh trước khi trồng.

Diễn đàn cũng đã đề cập về những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong phòng chống dịch bệnh vàng lá greening trên cây có múi trong thời gian qua, trong đó nguyên nhân chính là do thiếu trầm trọng nguồn cây giống sạch bệnh.

Hệ thống sản xuất và cung ứng giống cây sạch bệnh chưa được tổ chức và hoạt động hiệu quả do nguồn vốn xây dựng hạ tầng cơ sở cao, tăng giá thành sản xuất.

Cây giống trôi nổi, không sạch bệnh bày bán tràn lan trên thị trường đã áp đảo giống sạch bệnh trong khi Nhà nước chưa có chính sách quản lý đồng bộ. Kiến thức phòng trị bệnh của nông dân còn thấp, tự phát.

Nông dân chưa mạnh dạng đốn bỏ cây bệnh trước khi trồng lại cây sạch bệnh, chưa nhận thức rõ tác hại của rầy chổng cánh nên việc áp dụng các biện pháp phòng trừ kém, trồng dầy để ăn nhanh. Thiếu hệ thống cây chắn gió, lượng phân bón và thuốc BVTV áp dụng thuần túy, khai thác triệt để sức sinh sản của cây, lạm dụng phân hóa học…

Đối với cây nhãn, Bộ NN - PTNT đã ban hành các Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn thay thế quy trình tạm thời.

Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long thay thế quy trình tạm thời. Đến nay diện tích nhiễm bệnh nặng đã giảm rõ rệt. Bệnh đốm nâu trên cây thanh long đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và tỷ lệ nhiễm bệnh trong mùa mưa 2015 chỉ còn 15 – 20%/đơn vị diện tích.

Quá trình đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP và việc cấp mã Cosd cho nhãn để xuất khẩu đi Mỹ là một giải pháp quản lý dịch bệnh rất có hiệu quả trong thời gian qua cũng như thời gian tới.


Giúp xã viên tăng giá trị trồng lúa 1,3 lần Giúp xã viên tăng giá trị trồng lúa… Tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành hàng xoài ở huyện Cao Lãnh Đồng Tháp Tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành hàng…