Băn Khoăn VietGAP Cho Cá Tra
Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?
Mỗi thị trường một khác
Hiện nước ta có đến 9 bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra theo hướng bền vững. Cả 9 bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên cơ sở là tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra với 4 nội dung cơ bản là an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe động vật và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, mỗi thị trường lại có yêu cầu chứng nhận khác nhau, ví dụ như người tiêu dùng châu Âu yêu cầu sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP và hiện nay đang đặc biệt quan tâm tiêu chuẩn dán nhãn ASC như các nước Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ... Trong khi thị trường Mỹ đang áp dụng GAA. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thị trường không yêu cầu sản phẩm phải đạt được chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững nào như Đông Âu và châu Phi.
Vấn đề này đã gây nhiều bối rối cho người nuôi cá tra Việt Nam và ngay cả cơ quản quản lý trung ương và địa phương trong việc định hướng cho người nuôi cá áp dụng tiêu chuẩn hiệu quả nhất. Nhằm giải quyết phần nào bối rối trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra, trong đó có đầy đủ những yêu cầu nuôi thủy sản bền vững của các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác.
Mục tiêu mà VietGAP hướng đến là nâng cao chuỗi giá trị cho con cá tra từ “trang trại đến bàn ăn”, góp phần để con cá tra - sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL phát triển ổn định và bền vững. Song, con đường phía trước còn lắm chông chênh.
Còn lắm chông chênh
Ông Tưởng Phi Lai – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Tài Nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) cho biết: “Ưu điểm của VietGAP so với những tiêu chuẩn khác chính là sự đơn giản, ít tốn kém, dễ làm hơn đối với một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam và có thể áp dụng được với chi phí chấp nhận được. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của VietGAP chính là yếu tố thị trường tiêu thụ”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, “chuẩn VietGAP” hiện chỉ mới có giá trị đối với thị trường trong nước nên không thể thay thế hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, EU...
Trong khi đó, 90% cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thế giới. Vậy thêm VietGAP cá tra Việt Nam thì được gì?
Thực tế cho thấy, một công ty nhập khẩu tại châu Âu, họ phát triển thị trường thông qua các bên bán lẻ (siêu thị) để giới thiệu một sản phẩm được chứng nhận mới như GlobalGAP hoặc ASC. Như vậy, nhu cầu của người mua (khách hàng) là họ cần sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP hoặc ASC. Nghĩa là khi đó nhà nhập khẩu trung gian sẽ làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam để mua các sản phẩm GlobalGAP hoặc ASC, nó là mối quan hệ kinh tế dựa trên nhu cầu của người tiêu thụ cuối cùng để làm việc với người sản xuất.
Một thực tế khác cho thấy, Tập đoàn Metro Cash & Carry Việt Nam đã cùng đối tác là Công ty Tư vấn Fresh Studio Innovations tiến hành xây dựng tiêu chuẩn riêng về nuôi trồng thủy sản (MetroGAP), đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao đầu tiên cho thị trường trong nước với mục tiêu kết nối các nông hộ và nhà sản xuất nhỏ vào hệ thống bán lẻ nội địa của mình.
Điều này có nghĩa là bất cứ sản phẩm nào muốn vào hệ thống siêu thị của Metro thì phải đạt MetroGAP.
Metro là đơn vị tiên phong xây dựng và triển khai áp dụng tiêu chuẩn chất lượng và chuỗi cung ứng cho hàng thủy sản nội địa, không có nghĩa đây sẽ là đơn vị duy nhất và cuối cùng thực hiện chương trình chứng nhận tương tự. Do đó, việc làm theo Metro để xây dựng các bộ tiêu chuẩn dành riêng cho hệ thống của mình có lẽ chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Điều này cho thấy, bất kỳ chứng nhận nào nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường (khách hàng) đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy nếu nhà nhập khẩu đã quan tâm GlobalGAP hoặc ASC thì liệu họ có quan tâm VietGAP?
Điều này cũng phần nào cho thấy một thách thức rằng, niềm tin của người tiêu dùng quan trọng như thế nào đối với sự thành công của VietGAP. Và liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế hay không?
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao