Báo chí các nước nhận định Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP
Sản xuất may mặc xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên May mặc Bình Dương.
Theo hãng thông tấn Canada (CP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng - sẽ thúc đẩy nền kinh tế của 12 nước thành viên thông qua việc mở rộng thị trường giao thương nội khối.
Tuy nhiên, lợi ích mang lại cho các bên sẽ không giống nhau và một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam.
Hãng CP cho rằng Việt Nam nằm trong số các nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với sự bùng nổ lợi nhuận trong hai ngành may mặc và giầy da, nhờ việc dỡ bỏ thuế quan ở Mỹ và một số thị trường lớn khác.
Tất nhiên bên cạnh Việt Nam, ngành ôtô của Nhật Bản, ngành điện tử và bán dẫn của Malaysia cũng được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại lịch sử vừa được ký tại Atlanta của Mỹ hôm 5/10.
TPP sẽ phải chờ được Quốc hội các nước thành viên thông qua và đây sẽ là một trong những thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô chiếm 40% thương mại toàn cầu và có tổng GDP gần 30.000 tỷ USD.
TPP sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại, đồng thời siết chặt các tiêu chuẩn lao động và môi trường ở tất cả các nước thành viên.
Đối với Mỹ, TPP là trọng tâm trong chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường can dự vào châu Á-Thái Bình Dương.
Tất nhiên về lý thuyết, Bắc Kinh cũng có thể tham gia hiệp định này nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Tuy nhiên, vì hiện Trung Quốc chưa tham gia nên các doanh nghiệp trong nước sẽ bị mất nhiều cơ hội, nhất là so với các nước châu Á là thành viên TPP.
Nhiều lợi ích từ TPP sẽ chảy sang Việt Nam, nơi có nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng và các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn.
Theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng về châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức IHS Global Insight, “đây là cơ hội chuyển đổi thực sự cho Việt Nam.
Họ (các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam) sẽ có lợi thế rất lớn so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, nơi đang áp mức thuế 17% đối với quần áo nhập khẩu”.
Ngành giầy da của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự yếu thế cạnh tranh ở Mỹ, Mexico và Canada, những nước sẽ có thế mạnh rõ rệt trong các ngành nông nghiệp, máy móc và thiết bị điện tử.
Việc tham gia TPP, cộng với sự kiện Việt Nam trước đó ký Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EU), sẽ giúp đất nước thu hút mạnh đầu tư.
Từ vài năm nay, một số tập đoàn lớn như Samsung Electronics đã cho xây dựng nhiều nhà máy mới ở Việt Nam, cho thấy Việt Nam có sức hấp dẫn lớn hơn Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc từng được coi là công xưởng của thế giới, nhưng điều này đang dần thay đổi do chi phí lao động tăng lên.
Chuyên gia Rajiv Biswas và nhiều nhà phân tích khác cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, do thu nhập bình quân đầu người hiện nay tương đối thấp.
Theo dự báo của Eurasia Group, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 11% vào năm 2025, trong đó xuất khẩu tăng 28%.
“Tốc độ này vượt xa bất kỳ thành viên nào (trong TPP)” và Việt Nam sẽ trở thành “điểm đến ưa thích” của các nhà sản xuất giá rẻ muốn duy trì cạnh tranh dựa trên giá nhân công thấp, Eurasia Group nhận định trong báo cáo đưa ra hồi tháng Bảy.
Những ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may và giầy da, do nhiều nhà sản xuất nước ngoài sẽ dịch chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam.
“Những gì chúng ta đang thấy là một số nguyên liệu đầu vào như sợi, vải đang được chuyển sang Việt Nam để đảm bảo thành phẩm cuối cùng sẽ có tỷ lệ xuất xứ cao hơn trước đây”, nhà kinh tế trưởng Biswas nhận định.
Những năm gần đây, công ty may mặc Lever Style - có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) và là đối tác của các hãng danh tiếng như Hugo Boss và J.
Crew - cũng đã chuyển dịch một phần hoạt động từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo Chủ tịch Lever Style, ông Stanley Szeto, TPP sẽ thúc đẩy công ty “tiếp tục chuyển dịch sản xuất nhiều hơn” và phải tăng thêm sản lượng ở Việt Nam.
Bên cạnh Việt Nam, Malaysia cũng được hưởng nhiều lợi ích từ việc tham gia TPP.
Các nhà xuất khẩu của nước này sẽ có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với các đối thủ trong khu vực.
Là một mắt xích chính trong chuỗi sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu, việc tham gia TPP sẽ giúp kinh tế Malaysia tăng 5,6% vào năm 2025.
Ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản cũng sẽ thu lợi từ việc tiếp cận các thị trường lớn, nhất là tại Bắc Mỹ.
Eurasia Group dự báo đến năm 2025, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sẽ tăng thêm 105 tỷ USD.
Tuy nhiên, một yếu tố khác quan trọng hơn đối với Nhật Bản là thông qua TPP, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế theo mục tiêu đặt ra trong chương trình “Abenomics” nhằm khôi phục tăng trưởng sau hai thập kỷ đình trệ.
Trong bài đăng trên Financial Review, TPP cũng giúp ngành giáo dục của Australia được hưởng lọi, như giúp mở rộng thị trường giáo dục Việt Nam cho các nhà giáo dục “xứ sở Kangaroo”.
Một lợi ích mà TPP đem lại cho ngành công nghiệp giáo dục của Australia được Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb ca ngợi là triển vọng thiết lập dễ dàng hơn các khóa học tại Việt Nam cho các nhà giáo dục Australia.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Hiệp hội giáo dục quốc tế Australia Phil Honeywood cho rằng các tổ chức giáo dục muốn thành lập cơ sở ở nước ngoài vẫn bị cản trở vì thiếu các hiệp định thương mại toàn diện trong lĩnh vực giáo dục.
Ông Phil Honeywood nói: "Chúng tôi mong muốn chứng kiến một hiệp định toàn diện hơn là bước tiếp cận từng phần với từng nước.
Chúng tôi đánh giá cao nhiệm vụ lớn lao mà Bộ trưởng Robb đã thực hiện nhưng chúng tôi vẫn không có các hiệp định toàn diện như các ngành công nghiệp khác".
Các cơ sở giáo dục đang tìm kiếm nhiều hơn các cơ hội đột phá về mặt thương mại nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xuất khẩu giáo dục trị giá 18 tỷ AUD một năm của Australia lên cấp độ mới với một số lượng lớn sinh viên đăng ký theo học.
Theo chuyên gia kinh tế Marcel Theilant thuộc trung tâm Capital Economics, lợi ích lớn nhất của TPP là các nền kinh tế đều sẽ tăng trưởng khi những ngành bảo hộ trước đây cũng phải bước vào môi trường cạnh tranh.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao