Mô hình kinh tế Báo động ô nhiễm ở các trang trại bò quy mô lớn

Báo động ô nhiễm ở các trang trại bò quy mô lớn

Publish date Sunday. November 1st, 2015

Báo động ô nhiễm ở các trang trại bò quy mô lớn

Từ năm 2014 đến nay, tại tỉnh Gia Lai hình thành các trang trại chăn nuôi bò có quy mô lớn từ vài nghìn đến hàng hàng chục nghìn con.

Đây là bước đột phá trong chăn nuôi tại địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, đằng sau lợi nhuận về kinh tế thì tình trạng ô nhiễm từ các trang trại bò lại diễn ra khá phổ biến và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

 

Nước sông Ba đen kịt và cạn trơ đáy vì ô nhiễm.

Người dân thôn 1, 2 và 3, xã Thành An, thị xã An Khê những ngày này đang phải sống trong môi trường khó chịu bởi mùi hôi thối và nước thải từ trang trại bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai.

Ông Nguyễn Hữu Quang, có 3ha để nuôi cá, trồng lúa và các loại hoa màu tại thôn 3 xã Thành An, cho biết, nguồn nước thải từ trang trại bò xả trực tiếp ra môi trường, chảy theo các mương, lạch dọc ra tới tận sông Ba.

Trang trại của ông Quang nằm ngay bên cạnh trang trại bò nên bị ảnh hưởng đầu tiên và cũng rất nghiêm trọng.

Ao cá khoảng 3 sào đã không còn con cá nào sống nổi, diện tích trồng lúa của gia đình ông cũng bị mất năng suất khoảng 40%.

“Cá trắm, cá mè, cá trôi, cá rô phi chết hết rồi.

Phân bò nhiễm vô, giờ lúa cắt bỏ hết.

Nói chung, lúa khi bị nhiễm phân bò bị sượng, ăn rất khó mà bán thì không được.

Phía dưới đây người ta còn thiệt hại nhiều hơn.

Tại vì họ chưa có hệ thống để xử lý phân, giờ mưa là tuôn ra, chảy ra tới tận sông Ba”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành An, thị xã An Khê cho biết, trang trại bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai được UBND tỉnh cấp phép, bắt đầu xây dựng từ năm 2014 và đến tháng 3/2015 thì chính thức đi vào hoạt động.

Trang trại này có quy mô 70 ha và đang nuôi khoảng 7.500 con bò thịt.

Từ khi trang trại đi vào hoạt động, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Ruồi xanh ngày càng nhiều và nhiều hộ gia đình sống gần trang trại phải mắc màn mới có thể ăn cơm.

Người dân và chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Duy Hưng, nói: “Thực tế, khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường kinh khủng.

Họ không xây dựng hệ thống xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường nên nó chảy ra suối, chảy ra đất của nhân dân rồi chảy cả ra sông.

Nguồn nước sông Ba bây giờ là ô nhiễm kinh khủng”.

Hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường của trang trại bò thuộc Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai tại thị xã An Khê còn nguy hại hơn khi nguồn nước ô nhiễm này theo mương, lạch chảy về sông Ba.

Hàng vạn hộ dân sống dọc theo sông Ba, từ thị xã An Khê về phía hạ nguồn phải đối mặt với nguồn nước ô nhiễm.

Hậu quả cũng đã thể hiện rõ trong nhưng ngày qua khi nguồn nước của Nhà máy nước An Khê lấy từ sông Ba bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước có màu đen và hôi tanh.

Ông Đỗ Tuấn Diệp, Trưởng ban quản lý Nhà máy nước An Khê, nói: “Khi kiểm tra đầu tháng 10 nhà máy phát hiện ra nguồn nước bị có màu thâm đen và có mùi tanh.

Lúc đó, nhà máy đề nghị dừng cung cấp nước vì nước không đảm bảo.

Cúp nước đơn giản nhưng mà tới 2.300 hộ dùng nước.

Những hộ có giếng người ta bơm nước giếng lên, người ta không nói gì, còn những hộ không có giếng rất khó”.

Đáng chú ý là không riêng trang trại bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai tại thị xã An Khê gây ô nhiễm, nhiều trang trại khác của Công ty này trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có vấn đề về ô nhiễm.

Điển hình là tại huyện Mang Yang, nơi có 3 trang trại của Công ty này được xếp vào loại lớn nhất cả nước, đều đã từng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh.

Ông Võ Lê Xuân Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang cho biết: “Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai đang triển khai các dự án nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn.

Với số lượng bò rất lớn nên tình hình ô nhiễm môi trường có xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa.

Công ty cũng đã có cam kết với huyện sẽ khắc phục tốt nhất, không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân”.

Ông Lê Đình Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai thừa nhận, tại một số trang trại bò của Công ty có gây ô nhiễm và làm thiệt hại một số hoa màu, ao cá của người dân.

Đối với các trang trại tại huyện Mang Yang, việc nước thải bị tràn ra vườn cây của các hộ dân là sự cố mưa quá lớn, nước mưa đổ vào bể xử lý nước thải quá nhiều dẫn đến có tràn ra ngoài.

Tại đây, phía Công ty đã chủ động phối hợp với địa phương để khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm cũng như đền bù thỏa đáng cho người dân.

Đối với trang trại tại thị xã An Khê, Công ty cũng đang xúc tiến các bước để khắc phục ô nhiễm nhưng hiện nay còn vướng vì báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt.

Công ty chưa triển khai xây dựng được các hệ thống xử lý chất thải.

Ông Vũ cũng cho biết, Công ty không xả thải nguồn phân bò ra môi trường vì nguồn phân này được tận dụng tối đa trong việc làm phân bón có giá trị kinh tế cao.

Việc nước thải từ chăn nuôi bò bị rò rỉ ra môi trường là sự cố đáng tiếc.

Ông Lê Đình Vũ, nói: “Ở An Khê, trong quá lập dự án làm tốc độ hơi nhanh nên các thủ tục đi theo không kịp.

Việc đánh giá tác động môi trường ở đây phải một vài ngày nữa mới hoàn thành.

Khi mà có đánh giá tác động môi trường tỉnh sẽ yêu cầu làm các hạng mục A, B, C...

rồi căn cứ vào đó thực hiện.

Trong vấn đề này, về phía Công ty cũng sai và đã làm việc với Sở TN-MT thúc đẩy nhanh phần này, để công ty có cơ sở làm hố xử lý, đường dẫn… Hiện nay công ty cũng đã chỉ đạo cho làm hồ, bể lắng rồi hệ thống tiêu nước”.

Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai là công ty con thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Công ty này hiện đang nuôi khoảng 60.000 con bò thịt và bò sữa tại 5 trang trại ở các huyện Mang Yang, Ia Pa và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai.

Việc các trang trại bò gây ô nhiễm đã và đang diễn ra.

Đây là lời cảnh báo cho việc phát triển nhanh mô hình chăn nuôi quy mô lớn nhưng chưa chú trọng đến việc xử lý chất thải, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.


Đề xuất đóng cửa một năm với nhà máy thức ăn chăn nuôi dùng chất cấmĐề xuất đóng cửa một năm với nhà máy thức ăn chăn nuôi dùng chất cấm Đề xuất đóng cửa một năm với nhà… Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi yêu cầu bức thiết Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn…