Tin nông nghiệp Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 7

Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 7

Author 2LUA.VN tổng hợp, publish date Tuesday. December 19th, 2017

Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 7

Phần 7 - Sử dụng các chất để bảo vệ cây trồng và cách hỗn hợp (tiếp theo)

Ở đâu các dụng cụ phun không có thì có thể vẩy chất lỏng vào cây bằng chổi quét sơn, chổi làm bằng các cây ở địa phương.

11. Phân ủ

Nguyên liệu: Phân ủ làm từ cây và phân động vật đã mục đều.

Đối tượng: Hầu hết các loại sâu bệnh (bằng cách tăng sức đề kháng cho cây). Nấm gỉ sắt không có hiệu quả khi sử dụng phân ủ

Phương pháp:

1. Phun cây và đất với hỗn hợp trộn 1 xẻng phân ủ với 20 lít nước để từ 3 ngày đến một vài tuần. Nếu sử dụng ít có thể là khoảng 0,5 kg phân ủ trong thùng 20 lít nước. Phun lên lá để cung cấp cho cây những chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây chống chọi được với sự tấn công của sâu bệnh và tăng năng suất. Hỗn hợp càng để lâu thì càng có hiệu quả mạnh. Cần phun một tuần một lần khi cây còn non.

2. Tăng mức phân ủ trong đất để bảo vệ cây không bị sâu bệnh. 

3. Tần suất: Sử dụng phun phân ủ như là biện pháp phòng ngừa và nếu thấy sâu xuất hiện thì phun một tuần một lần. Bón phân ủ cho cây khi trồng, trước khi có quả và sau mỗi lần thu hoạch hoặc cắt tỉa.

Cảnh báo: Chưa có cảnh báo nào được biết đến.

12. Hồ

Nguyên liệu: Bất cứ loại hồ tan trong nước nào, đặc biệt là những loại lấy từ cây. Nước luộc khoai tây và sắn, nếu có chứa đủ độ đặc của bột

Đối tượng: Rệp vừng, sâu bướm, ve nhện, bọ trĩ và bọ phấn trắng.

Phương pháp: Phun dung dịch rất nhạt hồ tan trong nước để làm cho côn trùng chết ngạt. Độ đậm đặc có thể thay đổi tùy theo từng loại hồ có sẵn nhưng dung dịch phải để lại một lớp mỏng trên cây khi khô.

Cảnh báo: Chưa có cảnh báo nào được biết đến

13. Bắt bằng tay

Nguyên liệu: Găng tay – xem cảnh báo.

Đối tượng: Rất nhiều loại côn trùng và nhộng.

Phương pháp

1. Những con côn trùng lớn có thể bắt bằng tay từ trên lá và cho gia cầm ăn, tiêu hủy hoặc ném vào rừng rậm.

2. Trong trường hợp bị nặng do côn trùng nhỏ, trứng hoặc ấu trùng, có thể hái cả lá xuống và vứt bỏ hoặc bóp chết côn trùng trên cây bằng ngón tay.

3. Trẻ em có thể bắt bằng tay châu chấu bỏ đầy lọ mứt 500ml mỗi ngày – xem thêm Bọ cánh cứng, bướm v.v trong mục C3 để biết thêm việc sử dụng lưới để bắt.

4. Sâu ngài đêm, sên và ốc sên có thể dễ nhìn thấy và bắt bằng tay vào ban đêm với đuốc hoặc ánh đèn.

Tần suất: Phương pháp này có thể làm càng thường xuyên càng tốt.

Cảnh báo: Đeo găng tay dày khi bắt bọ, bọ xít, sâu bướm nhiều lông hoặc những côn trùng có ngòi châm.

14. Gà mái, gà Bantam và vịt

Nguyên liệu: Gà mái, gà bantam hoặc vịt, một chuồng gà di động, một số dây buộc gà.

Đối tượng: Hầu hết các loại côn trùng.

Phương pháp: Gà mái và gà bantam sẽ bắt và ăn hầu hết các loại côn trùng gây hại kể cả bọ cánh cứng, sâu bướm, sâu ngài đêm, châu chấu và ốc sên. Chúng có thể chạy rất nhanh để bắt các loại côn trùng biết bay và khi bới chúng có thể tìm thấy ấu trùng, nhộng và trứng của nhiều loài côn trùng dấu ở trong đất. Trong khi ăn côn trùng, gà cũng ỉa phân bón cho ruộng.

Có nhiều cách sử dụng gà. Có thể thả chúng trong vườn cây ăn quả hoặc trên những khu đất chưa trồng cây hoặc ở những nơi khó có thể trồng trọt được để gà không ăn cây hoặc bới gốc cây. Cũng có thể nhốt chúng ở trong khu vườn rào kín, hoặc bằng hàng rào di động trong nhưng khu vực cần thiết. Gà mái và gà bantam cũng có thể được sử dụng khẩn cấp bằng cách đưa chúng đến khu vực cần thiết mà không cần phải làm hàng rào. Trong trường hợp này có thể dùng dây dài 3 mét buộc vào một chân mỗi con gà để có thể bắt chúng được dễ dàng vào cuối ngày. 

Vịt đặc biệt hữu ích trong việc loại bỏ sên và ốc sên.

Tần suất: Gà mái/gà bantam có thể nhốt trong vườn đã đánh luống để bắt côn trùng trước khi trồng cây. Chúng cũng có thể được nhốt tập trung quanh gốc cây ăn quả vào đầu mùa xuân và trong suốt mùa hè để bắt ấu trùng bọ phá hại quả từ đất và giòi từ những quả thối rụng xuống.

Cảnh báo: Gà mái và vịt đặc biệt phá hại cây con, chúng ăn cây hoặc bới cây lên trong khi chúng bới đất. Vì vậy không cho chúng đến gần luống trồng hoặc ươm cây con. Gà bantam thường thích sâu bọ ở ruộng rau màu và có thể phát triển một đàn không ăn lá cây bằng cách loại bỏ những con nào có dâu hiệu thích ăn lá cây. Tuy nhiên, chúng bới đất rất tốt vì vậy không nên thả chúng trong khu có cây con hoặc cây yếu.

Vào mùa đông khi cây xanh và côn trùng hiếm, gà có thể gây hại lớn đến mùa màng.

Chúng cần phải được „chăn‟ thả trong giai đoạn này.

15. Phân động vật và nước tiểu

Nguyên liệu: Phân bò, lừa, dê, động vật ăn thịt và gia cầm; nước tiểu của người và động vật.

Đối tuợng: Động vật, rệp vừng, rệp, chim, sâu bướm, nhậy tuyết, sâu ngài đêm, bọ có cánh ăn quả, châu chấu, nhậy bột, bét và bọ trĩ; các loại bệnh do nấm, vi khuẩn và vi rút gây nên.

Phương pháp:

1. Phun hỗn hợp trộn đều 1 xẻng phân bò khô với 10 lít nước sau đó mỗi ngày khuấy đều lên một lần trong vòng 14 ngày. Bột đất sét có thể rắc vào thùng đựng để giảm mùi hôi và bổ xung thêm khoáng chất. Pha loãng thêm 3 – 5 lần trước khi phun. Nước phân lên men này sẽ xua đuổi rệp vừng khi phun lên lá và bảo vệ cây không bị sâu ngài đêm khi phun lên trên mặt đất xung quanh cây con. Nó cũng cung cấp chất dinh dưỡng cho lá khi phun lên lá vì vậy có thể giúp giải quyết việc thiếu chất dinh dưỡng cho cây và vì vậy tăng cường sức đề kháng của cây đối với các bệnh do nấm và vi khuẩn gây nên. Đây cũng là phân bón khi phun lên trên đất. Trộn một xẻng phân lừa tươi vào một thùng đựng nước và để qua đêm cũng rất hiệu quả khi phun trừ rệp vừng, nhậy và châu chấu.

2. Phun lên lá và quả với hỗn hợp một phần phân bò đốt và hai phần nước để trừ rệp vừng và ruồi (kể cả ruồi giấm).

3. Phun với hỗn hợp 1 phần nước tiểu (người hoặc động vật) và 1 phần nước để trừ rệp vừng, sâu ngài đêm, nhậy bột, bét và thrip và chống các bệnh do nấm, vi khuẩn và vi rút gây nên. Phun vào ngày ấm và dùng như là biện pháp phòng ngừa. Có thể phun hỗn hợp loãng hơn gồm một phần nước tiểu người và 4 phần nước cũng chống bệnh nấm như nấm vảy ở táo, nấm mốc sương ở táo, nấm mốc sương ở quả lý gai, nấm mốc sương lông tơ, nấm mốc sương bột và các bệnh khác.

4. Phết một lớp hỗn hợp gồm đất sét và phân gia súc lên thân cây ăn quả để bảo vệ chúng không bị nhậy tuyết và các loại côn trùng khác. Cũng có thể cho thêm tro củi vào hỗn hợp này. Hỗn hợp này cũng có thể được dùng để nhét vào những vết cắt mới sau khi cắt tỉa cành và tránh động vật gặm vỏ cây và lá non.

5. Phết lên thân cây một lớp hỗn hợp phân động vật tươi như súp đặc và để ngâm trong nước trong 3 ngày (để đuổi động vật).

6. Phết lên thân cây một lớp hỗn hợp như súp đặc gồm phân dê, bò và gia cầm, bột đất sét và nước tiểu động vật mỗi tháng một lần để tránh khỉ đầu chó, thỏ rừng, hươu, hoẵng đực, dê và thỏ. 

7. Phun lên cây với dung dịch phân dê để tránh thỏ rừng và hươu, hoẵng đực; hoặc treo túi phân gom từ các động vật ăn thịt (mèo, chó, sư tử, v.v.).

8. Bón phân chuồng, phân động vật và nước tiểu vào đất để cải tạo độ phì nhiêu của đất và bảo vệ cây khỏi nhiều loại sâu bệnh.

9. Phun với nước tiểu của bò để ngâm trong 2 tuần và pha loãng với 6 phần nước cũng giúp kiểm soát được sâu đục thân (có thể cả trứng và những con sâu bướm mới).

10. Ngâm hạt vào phân bò trộn với nước trong vòng 24 giờ sẽ tránh chim ăn hạt khi mang gieo.

Tần suất

Làm thường xuyên khi cần thiết. Cần thiết nhất là vào mùa đông khi thiếu cây xanh ở trong những bụi cây và rừng gần đó.

Cảnh báo

Rau và quả phun với hỗn hợp này phải được rửa sạch trước khi dùng. Nước tiểu không pha loãng sẽ làm cháy lá cây và làm cho đất bị nhiễm độc nếu sử dụng thường xuyên.

---

(Tài liệu tham khảo cho nông dân sản xuất hữu cơ)

Dựa trên tài liệu canh tác tự nhiên của Zimbabue


Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 8 Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự… Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 6 Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự…