Mô hình kinh tế Bảo Vệ Và Nâng Cao Giá Trị Cá Cơm Khai Thác Ở Vùng Biển Tây Nam Bộ

Bảo Vệ Và Nâng Cao Giá Trị Cá Cơm Khai Thác Ở Vùng Biển Tây Nam Bộ

Publish date Tuesday. April 1st, 2014

Bảo Vệ Và Nâng Cao Giá Trị Cá Cơm Khai Thác Ở Vùng Biển Tây Nam Bộ

Vùng biển Tây Nam Bộ có nguồn lợi cá cơm rất dồi dào. Tuy nhiên hiện nay, do tình trạng lạm thác, nguồn nguyên liệu quý giá này đang có xu hướng suy giảm cả về chất lượng và số lượng.

Giải pháp bảo vệ và nâng cao giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển này được đề cập tại Hội thảo Nghiên cứu chuỗi giá trị của cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ, do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Tổng cục Thủy sản tổ chức đầu năm 2014.

Cá cơm - mặt hàng có giá trị kinh tế cao

Vùng biển Tây Nam Bộ Việt Nam và vịnh Thái Lan được coi là một trong những nơi tập trung nhiều chủng loại cá cơm nhất trên thế giới. Cá cơm là loài thủy sản có nhiều đạm, vitamin và khoáng chất..., là thực phẩm để chế biến nhiều món ăn ngon và làm nước mắm...

Mùa đánh bắt cá cơm thường vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch ở các vùng biển miền Trung (Quảng Nam) và miền Nam (Phú Quốc- Rạch Giá). Thức ăn chính của cá cơm là các sinh vật, rong rêu. Tùy theo hình dáng và màu sắc của chúng, cá cơm được phân thành nhiều loại như: sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, cơm lép, sọc phấn...

Là mặt hàng giá trị kinh tế cao được XK sang nhiều thị trường trên thế giới, nhất là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…, cá cơm được dùng để chế biến, tẩm sấy gia vị, làm thức ăn cho gia súc, nuôi thủy sản... Đặc biệt, cá cơm là nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc nổi tiếng - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU, mở đường cho các DN Việt Nam xây dựng thương hiệu trên thế giới.

Ngành sản xuất và XK cá cơm Việt Nam gặp nhiều khó khăn

Theo kết quả điều tra nghiên cứu chuỗi giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ, do việc tổ chức và liên kết các chủ thể tham gia chuỗi giá trị cá cơm gồm ngư dân - người thu gom, chế biến và thương mại còn lỏng lẻo, phương pháp đánh bắt và chế biến không hiệu quả nên ngành sản xuất và XK cá cơm gặp rất nhiều khó khăn, bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trực tiếp như Thái Lan.

Mặt khác, thị trường XK sản phẩm chế biến từ cá cơm chưa được xây dựng vững chắc, công tác quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc còn yếu và việc tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Nhưng điều quan trọng nhất là chưa tạo được một chuỗi GTGT sản phẩm cá cơm, do đó, dẫn đến giá bán thấp, sản xuất bị động, sản lượng các sản phẩm chế biến từ cá cơm còn nhỏ, sự nhận biết về thương hiệu nước mắm Phú Quốc của người tiêu dùng còn hạn chế. Điều này dẫn đến thu nhập của người làm nghề khai thác cá cơm chưa cao, chưa tạo tiền đề phát triển bền vững.

Nguyên liệu được xem là khâu có nguy cơ cao nhất làm ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm cá cơm nước mắm. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cho biết, trong vòng từ 5 - 10 năm trở lại đây, sản lượng cá cơm giảm đáng kể, từ 18.000 tấn năm 2010 xuống chỉ còn 13.000-13.500 tấn năm 2013 do cường lực khai thác ngày càng tăng.

Hiện nay, số lượng tàu thuyền, sản lượng và năng suất khai thác nghề vây cá cơm truyền thống ngày càng giảm do phải cạnh tranh khốc liệt với nghề vây cá cơm có sử dụng ánh sáng (gần như 100% tàu khai thác cá cơm tại vùng biển Tây Nam Bộ đã chuyển sang nghề này).

Ngoài ra, việc khai thác bằng nghề “cào bay”, nghề xiệp, nghề vây bằng lưới mùng… trên vùng biển này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi cá cơm. Tình trạng này đã khiến năng suất, chất lượng khai thác theo tàu có xu thế giảm mạnh, tỷ lệ lẫn cá tạp cao hơn, khoảng 30-40%.

Tại Phú Quốc, đang diễn ra tình trạng cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các nhà thùng (làm nước mắm) và các cơ sở thu mua chế biến cá cơm sấy khô. Do thiếu nguyên liệu, một số nhà thùng phải treo thùng hoặc ngừng sản xuất.

Bà Hồ Kim Liên, Giám đốc Công ty CP TM Khải Hoàn cho biết, các nhà thùng rất cần sử dụng sản phẩm cá cơm chất lượng cao, vì đây là nguyên liệu chính để cho ra đời sản phẩm nước mắm Phú Quốc truyền thống. Tuy nhiên, giá nguyên liệu bị đẩy lên cao gấp đôi, từ 10.000 đồng lên 21.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 21.000 - 25.000 đồng/kg. Một phần do thương lái Trung Quốc thu gom hàng.

Khi giá nguyên liệu đầu vào cao, kéo theo giá nước mắm Phú Quốc cũng bị đẩy lên. Những nhà thùng,nhà máy chế biến nước mắm khó cạnh tranh được bằng giá với những tập đoàn thực phẩm lớn với những dòng sản phẩm nước mắm có độ đạm thấp... gây không ít khó khăn cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU này.

Và những giải pháp...

Để khắc phục những bất cập trên, cần quản lý sản xuất, kinh doanh cá cơm theo chuỗi giá trị, tạo sự thống nhất trong các khâu liên quan đến sản phẩm.

Tại hội thảo, ThS Phạm Thị Thùy Linh - chủ nhiệm đề tài - cho biết, nút thắt lớn nhất mà tất cả các chuỗi đều gặp phải đó là nguồn lợi cá cơm - nguồn cung cấp chính cho chuỗi sản xuất cần được tháo gỡ.

Do đó, bà đề nghị Nhà nước cần đưa ra một số quy định về quản lý để hạn chế lạm thác, như chỉ cho phép tàu lưới vây khai thác cá cơm, không cho phép giã cào và các ngư cụ bị cấm khác, đồng thời có phương án quy hoạch, sắp xếp lại đội tàu cá cơm. UBND tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cần có quy định hạn chế tàu khai thác cá cơm; quy định mùa cấm (1-2 tháng/năm) ở một số ngư trường trọng điểm trong mùa sinh sản...

Cần nâng cao năng suất khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch bằng việc cải tiến công nghệ và giải pháp quản lý. Cũng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN ở miền Trung, DN của Malaysia, Xingapo... xây nhà máy chế biến cá cơm sấy, tẩm gia vị XK tại Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, phải có những hỗ trợ đáng kể về tài chính, kỹ thuật, tổ chức sản xuất... để cải tiến thực sự chuỗi giá trị, tháo gỡ khó khăn nảy sinh ở các khâu trong chuỗi và phải có thời gian đủ dài (3-5 năm, thậm chí 10 năm), ngoài ra, cũng cần tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội...

Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động mua bán cá cơm, có giải pháp ngăn chặn tình trạng mua phá giá. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định về bảo vệ nguồn lợi và quản lý hoạt động khai thác cá cơm, cần sớm có văn bản khoanh vùng đánh bắt.

Thêm vào đó, hiện nay, sản phẩm cá cơm còn đơn điệu, chưa tạo nên thương hiệu, chưa thâm nhập sâu vào thị trường lớn, do đó cần phải đẩy mạnh XTTM, quảng bá hình ảnh, dán nhãn thương hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường... đưa cá cơm về với giá trị thực của nó.

Ngoài ra, cần thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết dọc giữa các cơ sở, DN chế biến các sản phẩm từ cá cơm, nhà thùng và thương lái để đảm bảo ổn định nguyên liệu cho chế biến và hỗ trợ phát triển ngư dân khai thác cá cơm, tìm kiếm các mô hình liên kết phù hợp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của địa phương. Vai trò dẫn dắt việc xây dựng các mô hình liên kết chính là các DN chế biến, nhà thùng, đồng thời phát huy vai trò của hiệp hội trong việc xây dựng liên kết dọc.

Ông Tuấn nhấn mạnh cần xây dựng được mô hình liên kết giữa các khâu trong chuỗi, phân phối hợp lý lợi nhuận giữa các bên tham gia nhằm góp phần bảo vệ bền vững nguồn lợi cá cơm và quảng bá thương hiệu các sản phẩm được chế biến từ cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam bộ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế…

Tổng cục đang tiến hành đề án thí điểm Tái tạo nguồn lợi thủy sản, dự kiến cá cơm vùng biển Tây Nam Bộ sẽ là một trong những đối tượng mà Tổng cục sẽ đưa vào đề án.


Giá Heo Thịt, Heo Giống Tăng Mạnh Giá Heo Thịt, Heo Giống Tăng Mạnh Tân Phú Đông (Tiền Giang) Thả 60 Ngàn Con Tôm Sú Giống Ra Môi Trường Thiên Nhiên Tân Phú Đông (Tiền Giang) Thả 60 Ngàn…