Mô hình kinh tế Bấp bênh nghề muối...

Bấp bênh nghề muối...

Publish date Thursday. July 2nd, 2015

Bấp bênh nghề muối...

Rớt giá

Trưa tháng 6, nắng như đổ lửa. Hàng trăm diêm dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng muối thuộc thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa). Có lẽ không có nghề nào cơ cực bằng nghề làm muối. Lúc trời nắng, oi bức nhất cũng là lúc diêm dân quần quật trên đồng. Bà Huỳnh Thị Lan, người có thâm niên 50 năm trong nghề, nói: “Năm ngoái mưa liên miên, được giá muối thì lại mất mùa. Năm nay, nắng chang chang, được mùa thì giá muối lại rớt. Diêm dân chúng tôi chỉ biết sống dựa vào trời, khổ cực bao nhiêu cũng nếm trải được nhưng mong cho giá cả ổn định”. Bà Lan sinh ra và lớn lên ở thôn Hòa Bình từ nhỏ. Bà kể, nghề muối đã gắn bó với mình từ thời ấu thơ.

Thời điểm này, diêm dân xã Tam Hòa bước vào tháng thu hoạch muối thứ 3. Với gần 1ha đất sản xuất, gia đình bà Lan thu hoạch được hơn 15 tấn muối. Năm ngoái giá muối bán được 12 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay còn khoảng 7 nghìn đồng, trong khi đó chi phí sản xuất lại tăng lên. “Chúng tôi chỉ lấy công làm lời thôi. Sợ thương lái chê bai, lấy cớ mua rẻ thì cầm chắc lỗ đầu tư” - ông Đoàn Văn Bàng, diêm dân ở thôn Hòa Bình nói. Còn tại thôn Bình An, nơi có hơn 5ha trong tổng số 15ha canh tác muối của toàn xã Tam Hòa, hơn 10 diêm dân lúi húi dồn muối, trút vào bao tải trong cái nắng bức bối. “Chưa bao giờ diêm dân chúng tôi lại lận đận đến vậy. Muối loại 1 chỉ bán được 7 nghìn đồng/kg, còn loại 2 bán chưa được 5 nghìn đồng” - chị Ngô Thị Ái, một diêm dân đang sản xuất trên cánh đồng muối thôn Bình An nói.

Năm 2013, xã Tam Hòa phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam tổ chức cho diêm dân thuộc 3 thôn có nghề làm muối là Hòa Bình, Bình An và Đông Thạnh Đông đi tham quan nghề làm muối ở một số địa phương phía Bắc. Sau đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, bạt làm muối đã được cấp phát, giúp diêm dân sản xuất muối sạch. Kỹ thuật sản xuất tiên tiến cũng được ngành chuyên môn tập huấn, giúp diêm dân tăng độ mặn cho muối kết tinh. Trong khi người dân khấp khởi hy vọng vào sự thành đạt của nghề sau 2 năm phát triển mạnh thì đến thời điểm này, nghề muối lại rơi vào vòng luẩn quẩn: thiếu ổn định đầu ra. Nguyên nhân chính là thương lái cho rằng muối Tam Hòa không sạch so với sản xuất công nghiệp, độ mặn chưa đáp ứng tiêu chí xuất khẩu.

Thiếu đất sản xuất

Chúng tôi đến làng muối Đại Phú (xã Tam Hiệp, Núi Thành) đang vào thời cao điểm làm muối nhưng chỉ thấy vài hộ loay hoay ở đồng. “Đất sản xuất đã bị thu hồi hết rồi. Khu kinh tế mở Chu Lai lấy đất phục vụ mục đích phát triển công nghiệp. Đất này chúng tôi chỉ làm ké thôi. Chừ không có nghề gì thì làm muối tạm bợ vậy để trang trải cuộc sống. Nghề muối ở đây bi đát lắm” - bà Nguyễn Thị Hai, diêm dân ở xã Tam Hiệp nói.

Làng muối Đại Phú hưng thịnh cách đây vài năm đã rơi vào cảnh đìu hiu. Hơn 40ha đất sản xuất nay chỉ còn vỏn vẹn vài sào muối hoạt động cầm chừng. Bà Ngô Thị Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp nói: “Diêm dân đã bị thu hồi hết đất sản xuất rồi mà không biết sẽ an cư ở đâu, sống lay lắt rất tội nghiệp. Tìm chỗ ở, chỗ làm ổn định cho những hộ diêm dân bị thu hồi đất là bài toán rất hóc búa, địa phương không thể giải đáp được”.

Bà Hai kể, nghề muối ở Đại Phú đã thăng trầm nhiều đận. Ngay từ sau ngày giải phóng đất nước, người dân đã tận dụng địa thế là miền chân sóng qua địa phận Tam Hiệp để đầu tư làm muối. Thời ấy, diêm dân sản xuất thủ công nên tốn nhiều công lao động nhưng năng suất không cao. Hiệu quả kinh tế thấp, dần dà đa số diêm dân ở đây bỏ nghề, ồ ạt đào ao nuôi tôm, tuy vậy vẫn còn nhiều người gắn bó với nghề. Rồi cánh đồng muối Đại Phú tưởng như rơi vào quên lãng khi Nhà nước quy hoạch nơi đây thành khu hậu cần cảng Tam Hiệp và khu đô thị Tam Hiệp. Khoảng năm 2008 - 2009, khi giá muối lên cao, người dân trong vùng “mượn” lại một số diện tích đất trong phạm vi quy hoạch để tái sản xuất muối. Từ đây, nghề muối hồi sinh, hơn 50 hộ dân bắt tay, tiếp bước nghề truyền thống. Hơn 40ha đất được diêm dân kéo bạt làm muối. Thời điểm đó, mỗi diêm dân thu được đến vài trăm nghìn đồng chỉ sau một ngày sản xuất. Vậy rồi, đâu lại vào đấy, Nhà nước thu đất sản xuất, nghề muối lại một lần nữa tàn lụi.

Làng muối Đại Phú có khoảng 200 hộ dân, trong đó có gần một nửa hộ dân đã bị thu hồi cả đất sản xuất lẫn đất ở, phải tái định cư ở vùng đất mới là khu tái định cư Vĩnh Đại. Bà Trần Thị Thoa (một diêm dân làng Đại Phú) kể, trước đây sinh kế bằng nghề muối, vất vả, cơ cực, mùa được, mùa không nhưng vẫn có nghề để bấu víu. Hơn 5 năm nay, gia đình đã phải mưu sinh bằng mọi cách, làm thuê, làm mướn vì đất làm muối bị thu hồi. “Tôi đã quá già rồi, chỉ quen làm muối thôi, chừ không biết làm chi hơn. Con cái, cháu chắt nhiều, miếng ăn nhiều, nhà nghèo, cơ cực lắm. Nhà nước lấy đất sản xuất của chúng tôi mấy năm nay mà không đầu tư chi. Nếu còn đất làm muối thì gia cảnh chúng tôi sẽ bớt cơ cực” - bà Thoa bùi ngùi.


Nhiều tàu câu mực đạt doanh thu hàng tỷ đồng/chuyến biển Nhiều tàu câu mực đạt doanh thu hàng… Phú An xây dựng nông thôn mới Phú An xây dựng nông thôn mới