Bẫy Kiến Hại Thanh Long
Vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) thời điểm này đang vào cuối vụ thuận. Tuy vậy, nhiều nhà vườn ở đây vẫn đang phải tiếp tục đặt bẫy kiến nhằm giữ cho trái thanh long không bị đàn kiến kéo vào cắn và đục khoét làm hư hại trái.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo, lúc này vợ chồng ông Ửng cũng đang mải mê đặt bẫy kiến trong vườn nhà mình. Ông Ửng tâm sự: Thời điểm những năm 1989-1990 chưa thấy kiến đen, mới chỉ có kiến lửa, chúng kéo từng đàn vào tàn phá trực tiếp trên trái thanh long, khiến bà con chỉ còn biết dùng thuốc sâu phun diệt kiến. Sau đó kiến lửa gần như bị "tuyệt chủng", nhưng lại xuất hiện nạn kiến đen, chúng ùn ùn kéo đến tấn công trực tiếp trên trái thanh long gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Theo mô tả của các nhà vườn, loại kiến đen (hay còn gọi là kiến hôi) này chúng cắn và đục khoét làm hư hại hom giống, đọt nhánh, các cành non, cắn mất tai lá trên trái, cắn gây tổn thương vỏ trái. Nguy hại hơn chúng còn cắn phá nụ hoa, trái non; đồng thời còn là tác nhân góp phần lan truyền bệnh thán thư trên trái thanh long. Nên để phòng trị hiệu quả bệnh thán thư trên trái thanh long thì buộc nhà vườn phải lo diệt kiến trước. Đáng lo ngại, nhiều người dân vẫn còn sử dụng thuốc sâu phun diệt kiến làm ảnh hưởng đến môi trường và ô nhiễm cả cho người và cây, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Từ năm 2003, từ điều kiện thực tế, các nhà vườn nghiên cứu và chế ra bẫy kiến. Cách làm bẫy kiến của gia đình ông Ửng là dùng cơm dừa khô, cám heo trộn với đường, thuốc Regent và cho thêm ít mỡ heo. Sau đó cuộn vào vải nhỏ đem nhét vào các hốc kẽ nhánh cây thanh long nhằm dụ kiến vào ăn không đi cắn trái nữa, rồi chúng sẽ chết. Theo ông Ửng, bằng cách này mỗi năm chỉ cần đặt 2 lần bẫy thì sẽ tiêu diệt được sạch kiến rất hiệu quả.
Còn cách bẫy diệt kiến hôi thông thường hiện nay của nhiều bà con khác cũng làm bằng cơm dừa và mỡ heo xào thơm trộn thêm chút đường và thuốc trừ sâu Regent (hoặc dùng bánh mì chiên mỡ, ngâm dung dịch gồm 2 gram thuốc Regent và 1 lít nước đường). Sau đó đựng bẫy vào các túi vải nhỏ, mỗi túi sử dụng cho một trụ thanh long, tránh ánh nắng mặt trời và mưa. Những cách làm này đã giúp diệt được kiến hôi trên vườn lại không gây hại cho quả thanh long, hơn nữa hạn chế lượng thuốc hoá học phun xịt trên vườn thanh long, chi phí thấp và an toàn cho người tiêu dùng.
Quả và cành thanh long khi còn non là đối tượng hấp dẫn của kiến hôi, chúng thường tấn công mạnh nhất vào khoảng từ 8-9 giờ sáng. Những quả thanh long bị kiến hôi tấn công, khi lớn mẫu mã quả rất xấu (người dân địa phương gọi là trái ghẻ lở) do các vết kiến cắn tạo thành các vết sẹo trên vỏ. Đây là một trong những "vấn nạn" trong sản xuất thanh long, giá bán cũng rất thấp và thường bị thương lái chê.
Vậy nên việc đặt bẫy kiến được các nhà vườn thanh long cho là sáng kiến hữu hiệu. Theo kinh nghiệm của ông Huỳnh Hồng Ửng, trước đây khi diệt kiến, bà con thường sử dụng thuốc hoá học tràn lan, dẫn đến hậu quả thanh long bị dư lượng hoá chất, mất an toàn cho người tiêu dùng, không xuất khẩu được. Nhưng với loại bẫy kiến này vừa rẻ tiền lại hiệu quả cao, cần phổ biến rộng rãi cho các nhà vườn áp dụng đại trà. Hiện nay huyện Chợ Gạo đang cho thử nghiệm thêm mô hình diệt kiến hôi ở xã Quơn Long (có diện tích 700 ha, lớn nhất huyện) để khẩn trương nhân rộng trên toàn địa bàn.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao