Tôm thẻ chân trắng Bền vững nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc

Bền vững nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc

Publish date Thursday. September 3rd, 2015

Bền vững nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc

Thắng lớn

Ông Hải cho biết: Cuối năm 2013, ông được dự đợt tập huấn nuôi tôm bằng công nghệ sinh học Semi Biofloc (làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo và hệ thống Biofloc). Nuôi tôm bằng công nghệ Semi Biofloc không quá phức tạp, chi phí đầu tư không nhiều, thậm chí giảm so với cách nuôi truyền thống, nhờ áp dụng phương pháp cho tôm ăn đúng liều lượng và xử lý hồ bằng dung dịch sinh học.

Với diện tích gần 1 ha, đầu năm 2014, ông Hải thả nuôi 660.000 con tôm giống. Sau 3 tháng, thu hoạch gần 8 tấn tôm, bình quân 81 con/kg; với giá bán 130.000 đồng/kg, thu về trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 661 triệu đồng. Thắng lớn ngay từ vụ đầu, vụ này ông Hải thuê thêm 10 ha mặt hồ để nuôi.

Cần nhân rộng

Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, Trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư TP Tuy Hòa cho biết: Semi Biofloc là quy trình nuôi tôm sinh học kết hợp thức ăn có trộn hỗn hợp E.M trùn (chế phẩm từ trùn quế). E.M trùn tan trong nước tạo thuận lợi cho vi khuẩn dị dưỡng phát triển, chuyển hóa Amonium trong ao nuôi thành sinh khối vi khuẩn.

Các vi khuẩn này kết dính nhau, hình thành các cụm Biofloc trôi nổi trong nước, vừa làm thức ăn cho tôm vừa làm sạch môi trường; kìm hãm, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh tôm, giúp tôm khỏe mạnh, ăn nhanh hết thức ăn, chóng lớn.

Quy trình cải tạo ao nuôi: Phơi khô ao 5 – 7 ngày để tiêu diệt triệt để virus, vi khuẩn, mầm bệnh vụ trước còn tồn lưu. Lấy nước qua túi lọc, 3 – 4 ngày sau diệt tạp bằng Saponin (10 – 20 kg/1.000 m3 tuỳ nhà sản xuất và độ mặn ao nuôi), 2 – 3 ngày sau diệt khuẩn bằng các sản phẩm có thành phần chính Iodine, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì, 2 ngày sau bón vôi Dolomite (10 – 20 kg/1.000 m3 tuỳ điều kiện pH ao nuôi). 1 – 2 ngày sau kiểm tra các chỉ tiêu môi trường: pH từ 7,5 trở lên, độ kiềm trên 80.

Sau đó, bón phân sinh học BIO COMPOST (sản phẩm chế biến từ phân trùn quế) với liều lượng 5 – 10 kg/1.000 m3 (tùy điều kiện dinh dưỡng của ao nuôi) để gây màu nước, ổn định tảo, bù đắp, bổ sung vi sinh vật có lợi cho môi trường ao nuôi.

Xuống giống: Giống được vận chuyển bằng xe lạnh về đến ao nuôi, chuyển các bao tôm xuống, ngâm trong ao để cân bằng nhiệt độ (nước trong bao với nước trong ao nuôi). Đối với tôm chân trắng, thời gian ngâm ngắn hơn so với tôm sú (5 – 10 phút), rồi mở bao để tôm giống bơi ra từ từ, không để lâu, vì khi hết lạnh tôm sẽ cắn nhau dẫn đến hao hụt. Thả tôm sáng sớm hay chiều mát, tránh nhiệt độ quá cao gây sốc tôm.

Mật độ thả: Tùy điều kiện ao nuôi, thiết bị, trình độ kỹ thuật, hình thức nuôi, đối với các ao nuôi thâm canh kết hợp giải pháp thu tỉa, mật độ thả lên đến trên 300 con/m2.

Chăm sóc: Khi tôm được 1 tháng tuổi cho tôm ăn: Thức ăn + E.M trùn, liều lượng 20 – 30 ml E.M trùn/kg thức ăn, trộn áo bằng chuối xay bổ sung Carbohydrat, liều lượng 50 g/kg thức ăn (chuối đã lột vỏ), cho ăn 1 – 2 lần/ngày vào bữa chính.

Nếu các ao nuôi tôm xung quanh có biểu hiện bệnh dịch, bón E.M để bảo vệ môi trường ao nuôi, liều lượng 2 – 4 lít/1.000 m3, 7 ngày 1 lần, cho tôm ăn đều đặn “Thức ăn + E.M trùn” duy trì Biofloc phát triển. Các chất độc hại NH3, H2S… sẽ được xử lý triệt để dưới tác dụng kép của vi tảo và hệ thống Biofloc làm môi trường trong sạch, các chỉ tiêu pH, ôxy hòa tan… luôn trong ngưỡng phù hợp làm tôm khỏe mạnh, khó bị nhiễm bệnh, khó bộc phát bệnh ngay cả trường hợp có mầm bệnh trong mô cơ của tôm nuôi.

Lưu ý: Để phòng trị bệnh tôm hiệu quả, nên thực hiện triệt để các bước trên. Trong điều kiện hiện nay (môi trường ô nhiễm, chất lượng tôm giống…), nếu tôm có biểu hiện hoại tử gan tụy thì phải dùng kháng sinh. Dùng Erythromycin 5 – 10 g/kg thức ăn, trộn áo bằng chuối xay, liều lượng 50 g/kg thức ăn (chuối đã lột vỏ), cho tôm ăn liên tục 5 – 7 ngày vào 2 suất ăn chính, suất còn lại cho ăn “E.M Trùn + thức ăn”.

Đồng thời phải diệt khuẩn nước ao nuôi bằng các sản phẩm có thành phần chính Iodine, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Khi tôm ăn trở lại bình thường, ổn định thì chuyển sang nuôi theo quy trình này để phòng bệnh tôm, tăng cường chạy nguồn, giữ môi trường trong sạch, tôm sẽ khỏe mạnh, việc phòng trị bệnh sẽ thành công.

Kỹ sư Vũ cho biết: Tương tác giữa E.M với con trùn tạo ra cộng đồng vi khuẩn có lợi phát triển trong đường ruột tôm, giúp chuyển hóa tốt chất dinh dưỡng có trong trùn, nâng cao tác dụng các nguyên tố vi lượng (Zn, Selenium…), làm sản sinh kháng thể, tăng năng lực sát khuẩn, tối ưu hóa sức đề kháng cho tôm nuôi.

Đồng thời, lượng E.M trùn tan ra môi trường sẽ xảy ra các phản ứng bảo vệ môi trường từ các vi khuẩn trong E.M, trong đó vi khuẩn quang hợp là xương sống của hệ thống, nó tổng hợp từ CO2, H2O tạo ra đường Glucose C6H12O6 làm thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong E.M, trong BIO COMPOST sinh sôi, phát triển, sống cộng sinh với nhau để bảo vệ môi trường.

Tags: tom, nuoi tom, thuy san, nuoi trong thuy san, benh tren tom, tom nuoi


Related news

Nuôi cá trong mương vườn mô hình cần nhân rộng Nuôi cá trong mương vườn mô hình cần… Người phụ nữ biến bãi hoang thành trang trại tôm tiền tỷ Người phụ nữ biến bãi hoang thành trang…