Tôm thẻ chân trắng Bệnh đốm trắng trên tôm

Bệnh đốm trắng trên tôm

Author Minh Anh, publish date Thursday. December 5th, 2019

Bệnh đốm trắng trên tôm

Đốm trắng là một trong những bệnh nguy hiểm và gây nên thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm Việt Nam và trên thế giới. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, Nhật Bản vào những năm 1990, sau đó lan truyền nhanh chóng đến hầu hết các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nam Mỹ.

Dấu hiệu bệnh

Tôm bị nhiễm bệnh thường có một số triệu chứng như ăn ít, sau đó bỏ ăn. Tôm bị bệnh bơi lờ đờ trên mặt nước và xuất hiện những đốm trắng hình tròn với đường kính từ 0,5 - 2 mm dưới lớp vỏ kitin ở phần giáp đầu ngực và đốt bụng cuối cùng. Các đốm trắng không bị làm mất bằng tác động vật lý như chà xát, cọ rửa hoặc xử lý qua nhiệt. Khi bệnh xảy ra ở mức độ cấp tính, độc lực của virus rất cao,  tôm vào bờ và chết dữ dội mà không xuất hiện các dấu hiệu của đốm trắng, nhưng cho kết quả dương tính khi kiểm tra bằng phương pháp PCR.

Nguyên nhân

Do thời tiết bất thường, vùng nuôi ô nhiễm là nguyên nhân chính gây nên bệnh đốm trắng trên tôm. Thời gian gây bệnh thường từ tháng nuôi thứ hai trở đi, khi mà lượng chất thải nuôi tôm bắt đầu xuất hiện nhiều, môi trường nước ao bị ô nhiễm. Mật độ nuôi tôm cao khiến tôm dễ bị stress, miễn dịch của tôm giảm khiến virus đốm trắng có cơ hội phát triển và lây lan mạnh hơn. Mầm bệnh có thể đã ủ trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài vào qua nguồn nước hoặc các loại ký chủ trung gian (cua, còng, cáy…). Khi gặp thời thiết thay đổi sẽ tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn bùng phát gây ra dịch bệnh cho tôm.

Bệnh đốm trắng do virus là một trong các bệnh gây nên hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt trong các vùng nuôi tôm tại các địa phương ven biển ở nước ta từ nhiều năm qua. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây nhiều địa phương ghi nhận tình hình dịch bệnh đốm trắng diễn ra với phạm vi và tần suất khá cao. Virus đốm trắng có độc lực rất cao, gây tôm chết rất nhanh, tỷ lệ chết có thể lên đến 100% trong vòng 1 tuần kể từ khi xuất hiện bệnh. Ngoài ra, do vật chất di truyền của virus nằm trong tế bào chất nên virus có nhiều biến thể gây bệnh trong một đợt dịch làm cho dịch diễn biến rất phức tạp và khó kiểm soát.

Biện pháp

Hiện nay, chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả và dứt điểm cho bệnh đốm trắng trên tôm nuôi, do đó, người nuôi tôm cần chủ động thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng bệnh như:

Sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh, không bị nhiễm virus đốm trắng. Đảm bảo tôm giống được kiểm tra bệnh trước khi thả nuôi. Cần nghiêm chỉnh thực hiện tẩy dọn ao nuôi để diệt virus tự do, diệt và ngăn chặn những cá thể trung gian có mang mầm bệnh virus đốm trắng như cua, còng, tôm tự nhiên... Thả nuôi theo đúng mùa vụ khuyến cáo của cơ quan chức năng để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Quản lý tốt môi trường ao nuôi, cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp cơ học như: quạt nước, sục khí đáy; các biện pháp hóa dược như: bón vôi để duy trì độ pH, tăng độ kiềm và các biện pháp sinh học như: dùng chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi, tránh gây biến động môi trường đột ngột, dẫn đến sốc môi trường cho tôm làm cho tôm dễ mẫn cảm với tác nhân gây bệnh và cũng là điều kiện tốt cho bệnh bùng phát. Nên nuôi tôm theo quy trình khép kín bằng phương pháp ít thay nước, nguồn nước đưa vào ao phải được lọc kỹ và diệt mầm bệnh, cần có ao chứa lắng lọc và xử lý trước khi sử dụng cho nuôi tôm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi bằng quản lý chăm sóc tốt và dùng thức ăn chất lượng cao. Khi ao nuôi xuất hiện dịch bệnh người nuôi cần có phương án xử lý thích hợp để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan.


Nguyên nhân gây tổn thương gan tôm và biện pháp bảo vệ Nguyên nhân gây tổn thương gan tôm và… Hướng dẫn kỹ thuật san tôm mô hình nuôi tôm hai giai đoạn tại Quãng Trị Hướng dẫn kỹ thuật san tôm mô hình…