Tin nông nghiệp Bệnh hại lạc thu đông và biện pháp phòng trừ

Bệnh hại lạc thu đông và biện pháp phòng trừ

Author Nguyễn Thị Mai Chi, publish date Monday. September 24th, 2018

Bệnh hại lạc thu đông và biện pháp phòng trừ

Khung thời vụ hẹp, khí hậu, đặc biệt bệnh hại xuất hiện sớm và gây hại nặng làm việc sản xuất lạc thu đông gặp rất nhiều khó khăn.

Trong những năm gần đây, vụ lạc thu đông đã được phát triển tại đồng bằng sông Hồng và nhiều tỉnh miền Bắc như một vụ lạc cung cấp giống chính cho vụ lạc xuân. Không chỉ giải quyết tình trạng thiếu giống chất lượng cao, vụ lạc thu đông còn góp phần mở ra một thời vụ mới có hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, khung thời vụ hẹp, khí hậu bất thuận, đặc biệt bệnh hại xuất hiện sớm và gây hại nặng đã gây khó khăn không nhỏ cho việc sản xuất lạc thu đông.

Kết quả điều tra 3 năm liên tiếp tại đồng bằng sông Hồng và nhiều vùng miền Bắc nước ta đã ghi nhận 22 bệnh hại lạc trên đồng ruộng và 14 loài nấm trên hạt sau thu hoạch trong vụ thu đông. Phổ biến nhất trên đồng ruộng là bệnh đốm đen (Phaeosariopsis personata), thối đen cổ rễ (Aspergillus niger), thối trắng thân quả (Sclerotium rolfsii) và thối gốc thân lạc (Lasiodiplodia theobromae).

Sự khác nhau về nhiệt độ, lượng mưa giữa vụ lạc xuân và thu đông là một trong những nguyên nhân chính làm một số bệnh như đốm đen, gỉ sắt, héo xanh vi khuẩn có xu hướng gây hại nhẹ hơn, trong khi tăng sự trầm trọng của bệnh chết cây do nấm (A. niger, S. rolfsi, L.theobromae) trong vụ thu đông. Bên cạnh đó, thành phần nấm đa dạng xuất hiện trên hạt lạc sau thu hoạch với nhiều loài nấm gây chết héo cây con cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp thích hợp để phòng trừ sự lây lan bệnh qua hạt giống.

Bệnh thối gốc thân lạc lần đầu được ghi nhận và nghiên cứu trên lạc tại nước ta, chưa được đánh giá đúng mức về mức độ gây hại trong sản xuất trước đây vì bệnh có triệu chứng đồng ruộng dễ bị nhầm lẫn với bệnh thối đen cổ rễ. Sự khác biệt chính giữa bệnh thối gốc thân và thối đen cổ rễ là bề mặt vết bệnh do L. theobromae gây ra xuất hiện nhiều pycnidia (quả cành bào tử) màu đen, đơn lẻ hay thành khối trên mô bệnh nhưng không xốp, còn bề mặt vết bệnh do A. niger có lớp bào tử màu đen xốp, dễ dàng rời ra như muội than khi chạm vào. Qua nghiên cứu đặc điểm sinh học và gây hại đồng ruộng của bệnh thối gốc thân lạc cho thấy bệnh có nguy cơ lan truyền mạnh qua hạt giống, hại nặng trên đất bãi và đồi gò trồng lạc liên tiếp qua nhiều năm.

Công tác phòng trừ bệnh chết cây thường gặp khó khăn do nấm gây bệnh xâm nhập vào bộ phận nằm dưới mặt đất như rễ, quả, tia quả... Xử lý hạt giống bằng thuốc hoá học là biện pháp rất hiệu quả và kinh tế với nhóm bệnh chết cây lạc. Phương pháp xử lý hạt được áp dụng đơn giản, phù hợp điều kiện canh tác và trình độ của nông dân Việt Nam, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động không mong muốn của thuốc hoá học với con người và môi trường so với phương pháp phun thuốc.

Các thuốc sử dụng trong nghiên cứu là Rovral 750WG (Iprodione); Vicarben 50WP (Carbendazime); Topsin M 70WP (Thiophanate - metyl)  và Viben C 50 WP (Benomyl) có dạng chế phẩm phù hợp với biện pháp xử lý hạt khô và nửa ướt, có khả năng ức chế nhóm nấm truyền qua đất và hạt, thuốc được bán phổ biến trên thị trường miền Bắc với dạng thương phẩm phù hợp với qui mô sản xuất nông hộ. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy biện pháp xử lý hạt có tác dụng rõ rệt trong tăng tỷ lệ nẩy mầm, hạn chế sự xuất hiện của nấm ký sinh trên hạt, đồng thời bảo vệ hạt từ nguồn bệnh bên ngoài, từ đó làm tăng tỷ lệ mọc trên đồng ruộng và làm giảm tỷ lệ bệnh chết cây con (kết quả rõ nhất với bệnh thối đen cổ rễ).

Bên cạnh đó, cây được xử lý hạt giống cao nhanh hơn và hình thành nhiều nốt sần hơn trong giai đoạn đầu. Thuốc Rovral 750 WG có hiệu quả cao và ổn định nhất, tiếp đến là Vicarben 50WP và Viben C 50WP. Kết quả nghiên cứu trên diện rộng cho thấy áp dụng biện pháp bón vôi bột 400kg/ha (chia 2 lần bón lót và ra hoa) cùng với xử lý hạt giống (Rovral 750WG 3g/kg hạt) làm giảm tỷ lệ bệnh chết cây từ 0,4 - 10,6%, tăng năng suất từ 15,5 - 29,5% và hiệu quả kinh tế 14- 27% so với đối chứng. Cần có qui trình phòng trừ tổng hợp bệnh chết cây trên lạc trong vụ thu đông, trong đó Rovral 750WG, Vicarben 50WP, Viben C 50 WP được khuyến cáo sử dụng để xử lý hạt giống (liều lượng 3-4g/kg hạt) đặc biệt ở các chân đất trồng lạc thường xuyên hoặc bị bệnh chết cây với tỷ lệ cao.


Phát triển mô hình trồng bưởi da xanh ở Sơn Bua Phát triển mô hình trồng bưởi da xanh… 9 bí quyết sản xuất rau màu trong mùa mưa 9 bí quyết sản xuất rau màu trong…