Tôm thẻ chân trắng Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi

Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi

Author TS Lê Tuấn Sơn - Viện Nghiên cứu Hải sản, publish date Saturday. October 24th, 2020

Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi

Bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) hay còn gọi là hội chứng chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) đã và đang được xem là mối nguy hại nhất đối với nghề nuôi tôm công nghiệp tại khu vực Đông Nam Á mấy năm gần đây.

Bệnh được ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009, sau đó tiếp tục được ghi nhận ở Thái Lan năm 2010, Việt Nam năm 2011, Malaysia năm 2012 và Mexico năm 2013. Tại ĐBSCL, năm 2015 bệnh AHPND gây thiệt hại 8,9 triệu USD trên TTCT và 1,8 triệu USD trên tôm sú.

Dấu hiệu bệnh lý

AHPND xảy ra cả ở tôm sú và TTCT, chủ yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ở giai đoạn 20 – 45 ngày sau khi thả nuôi và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Tôm bệnh có biểu hiện ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt, gan tụy có biểu hiện sưng, nhũn hoặc teo và dịch bệnh xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm.

Tác nhân gây bệnh

Một vài nghiên cứu gần đây đã đề xuất Vibrio owensii, V. harvey, V. campbellii và V. punensis chứa gen quy định độc tố PirAB cũng gây bệnh AHPND. Mặc dù phân tích mô bệnh học trên tôm phù hợp với các dấu hiệu của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND, tuy nhiên bệnh này không thỏa mãn các định nghĩa về bệnh AHPND trên tôm được cung cấp bởi tổ chức Thú y Thế giới. Chính vì vậy, hiện nay vi khuẩn V. parahaemolyticus có chứa các gen quy định độc tố PirA và PirB là tác nhân duy nhất gây bệnh AHPND.

Phòng bệnh

Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch đảm bảo không nhiễm mầm bệnh đặc biệt là không nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus mang gen độc lực gây bệnh.

Trong 6 tuần đầu tiên sau khi thả, các cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh cần lấy mẫu tôm, nước, bùn định kỳ 2 tuần/lần để định lượng Vibrio tổng số đồng thời phát hiện V. parahaemolyticus mang gen gây bệnh.

Nếu kiểm tra mẫu nước hoặc bùn ao nuôi phát hiện vi khuẩn Vibrio tổng số vượt quá giới hạn cho phép (≥ 103 CFU/ml), cần thực hiện các biện pháp điều chỉnh, làm giảm số lượng vi khuẩn Vibrio trong ao như sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại hóa chất diệt khuẩn trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Cải tạo đáy ao kỹ, lắng nước đủ lâu và xử lý triệt để. Trong suốt vụ nuôi giữ đáy ao sạch, lắp đủ quạt để đảm bảo ôxy hòa tan luôn đủ hoặc thừa.

Trị bệnh

Khi tôm bị bệnh cần giảm hoặc ngưng cho ăn và quan sát tình hình ao tôm nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Cần xét nghiệm xác định chính xác tác nhân và thử kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh hiệu quả nhất. Các chủng V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND có tỷ lệ kháng khá cao với amoxicillin (80,85%) và ampicillin (78,72%), vì vậy không nên sử dụng hai loại kháng sinh này trong điều trị bệnh AHPND do V. parahaemolyticus. Theo nghiên cứu mới nhất thì các loại kháng sinh có hiệu quả là doxycycline, oxytetracycline (miền Bắc) và florfenicol (miền Nam).

 


Miễn dịch bẩm sinh của tôm thẻ Miễn dịch bẩm sinh của tôm thẻ Khô đậu lên men - Tăng khả năng dung nạp AHPND cho tôm Khô đậu lên men - Tăng khả năng…