Bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi và biện pháp khống chế
Tác nhân gây bệnh tôm
Trước hết, khi nói về bệnh hoại tử gan tuỵ cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND), Hội chứng tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS), hay Hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome – AHPNS), chúng ta nên thống nhất rằng đang nói về duy nhất một bệnh trên tôm với các tên gọi khác nhau, được ghi nhận lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009, tại Việt Nam năm 2010, ở Malaixia và Thái Lan năm 2011 và ở Mêhicô năm 2013. Để thuận tiện cho việc theo dõi, tôi sẽ sử dụng tên gọi EMS hiện được dùng rộng rãi trên truyền thông trong và ngoài nước như là tên thông dụng cho bệnh tôm kể trên.
Tôi sang Mỹ từ năm 2010, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Phòng nghiên cứu Bệnh học Thuỷ sản, Trường Đại học Arizona (Phòng nghiên cứu của GS. Donald Lightner – UAZ-APL) nên may mắn được tham gia nghiên cứu về bệnh này từ những ngày đầu.
Khi EMS xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc rồi sau đó ở Việt Nam, Malaixia và Thái Lan, gây ra thiệt hại chưa từng thấy cho nghề nuôi tôm của các nước sản xuất và xuất khẩu tôm chính của thế giới, câu hỏi trước hết là: Nguyên nhân của bệnh là gì?
Phân tích bệnh học các mẫu bệnh phẩm mà Trường Đại học Arizona nhận được từ các nước có EMS cho thấy, đây là một bệnh chưa từng được ghi nhận trên tôm. Nhận lời mời của Tổ chức Sức khoẻ Động vật Thế giới (OIE) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Cục Thuỷ sản, Cục Thú y Việt Nam, các cơ quan chức năng các tỉnh duyên hải có nghề nuôi tôm của Việt Nam, và sự hỗ trợ của rất nhiều các tổ chức (World Bank, FAO, Global Aquaculture Alliance), các doanh nghiệp trong và ngoài nước (Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, CP Thái Lan, Grobest, Uni- President, Sheng Long Bio-tech, Công ty Lasan), các nhà khoa học của Trường Đại học Arizona đã đến Việt Nam nghiên cứu từ năm 2011.
Sau gần 3 năm nỗ lực làm việc tại Việt Nam và Mỹ, đến năm 2013, nghiên cứu của tôi, do GS Lightner hướng dẫn, đã xác định được nguyên nhân của bệnh EMS là do một dòng đặc biệt của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là loài vi khuẩn vô cùng phổ biến trong môi trường và chỉ có một dòng đặc biệt của loài vi khuẩn này gây được bệnh. Do đó, các phương pháp xét nghiệm thông thường sẽ không thể xác định được sự tồn tại của dòng vi khuẩn gây bệnh này. Tôi là tác giả chính của nghiên cứu này và đã có những đăng tải về các công trình nghiên cứu này trên các tạp chí khoa học quốc tế. Nghiên cứu này giúp tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2013.
Có nhiều ý kiến cho rằng có những loài vi khuẩn này, khác cùng gây bệnh EMS; tuy nhiên, các loài vi khuẩn đã được đề cập không thoả mãn định đề Koch như là một mầm bệnh truyền nhiễm và không tạo ra được bệnh tích đặc trưng của EMS. Việc thống nhất về nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tăng tốc nghiên cứu theo hướng tìm giải pháp khắc phục bệnh.
Có khả năng trị bệnh triệt để hay chỉ phòng ngừa?
Lịch sử ngành bệnh học tôm cho thấy việc điều trị sau khi bệnh đã xảy ra là rất khó, do tôm không có hệ miễn dịch đặc hiệu; sau khi mắc bệnh tôm thường bỏ ăn nên không đưa thuốc vào được; và thường khi mắc bệnh, tôm chết rất nhanh nên khó có thể điều trị kịp.
Ngoài ra, các vấn đề quan ngại cho sức khoẻ người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu tôm như dư lượng kháng sinh, hoá chất cấm, v.v… khiến việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tôm là rất hạn chế. Đối với bệnh EMS, các nghiên cứu của tôi cho thấy, sau khi bị nhiễm mầm bệnh, tôm có thể chết rất nhanh, có khi chỉ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh chưa đầy 12 tiếng. Ngoài ra, chính con tôm bệnh trở thành nguồn lây cho các con tôm khỏe khác trong đàn qua đường nước, phân và cả xác tôm chết, làm cho bệnh lan rất nhanh. Đó là lý do một khi đàn tôm đã nhiễm bệnh thì việc cứu chữa là rất khó khăn và ít hiệu quả.
Các hội nghị chuyên ngành về bệnh tôm và chủ đề EMS trong đó có tôi tham dự đều thống nhất rằng, khó có thể tìm ra một phương thuốc thần kỳ nào giải quyết được vấn đề dịch bệnh tôm EMS, mà cần đưa ra một gói các giải pháp phòng ngừa chủ động dựa trên cơ sở hiểu biết đặc điểm của mầm bệnh và đường lây, động thái học của mầm bệnh và tương tác của mầm bệnh với vật chủ và môi trường. Việc thiếu các thông tin và hiểu biết về các vấn đề nêu trên sẽ dễ dẫn đến những lập luận thiếu cơ sở về bệnh EMS/AHPND, như các vấn đề về pH trong ao nuôi, về việc có nên khử trùng nước ao hay không, cũng như mức độ cảm nhiễm khác nhau giữa tôm chân trắng và tôm sú như chúng ta vẫn nghe.
Biện pháp phòng bệnh nào khả thi nhất và có thể áp dụng trên diện rộng?
Theo quan điểm riêng của tôi, để tiến đến các giải pháp phòng ngừa bệnh EMS khả thi, trước tiên phải hiểu rõ các đường lây bệnh, từ đó mới đánh giá các giải pháp có tác dụng như thế nào, đối với đường lây nào?
Các nghiên cứu của tôi cho thấy bệnh EMS lây qua đường miệng, khi trong nguồn nước có nhiễm mầm bệnh, hoặc tôm ăn xác tôm chết hay các giá thể có mang mầm bệnh. Đây là đường lây ngang. Các quan sát khác cũng cho thấy có sự liên hệ mật thiết giữa việc di chuyển tôm giống, tôm bố mẹ với sự phát tán của bệnh. Điều này gợi ý rằng, rất có thể bệnh cũng lây truyền theo đường dọc từ tôm bố mẹ mang mầm bệnh sang tôm con, và khi tôm con mang mầm bệnh, bệnh sẽ bùng phát trong điều kiện ao nuôi.
Theo quan sát và nghiên cứu của tôi, khi mầm bệnh được dịch chuyển đến một vùng nuôi hoàn toàn mới hoặc một quốc gia chưa từng có bệnh EMS, thì đường truyền dọc từ tôm bố mẹ sang tôm giống là phổ biến nhất; ví dụ cụ thể là sự bùng phát của dịch bệnh ở Mêhicô năm 2013. Một khi mầm bệnh đã bùng phát ở vùng nuôi, mầm bệnh có xu hướng tồn tại và tích luỹ trong môi trường nước và ao nuôi, dẫn đền khả năng rất cao là bệnh sẽ tiếp tục tái diễn trên chính ao nuôi, vùng nuôi đã xuất hiện dịch bệnh trước đó. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua bằng chứng ở vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng năm 2011 và 2012, với hiện tượng dịch bệnh tiếp diễn liên tục và gần như không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, sau một thời gian bỏ nuôi, để ao nghỉ thì việc nuôi lại cho khả năng thành công cao hơn hẳn.
Theo tôi, hiện tại, ở hầu hết các vùng nuôi tôm của Việt Nam đều đã từng xảy ra dịch bệnh. Do đó, việc chú trọng ngăn ngừa bệnh từ đường lây dọc và lây ngang đều có ý nghĩa quan trọng như nhau. Các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan qua đường dọc bao gồm các giải pháp tổng hợp từ trại tôm giống, với sự kiểm soát chất lượng tôm bố mẹ, kiểm tra mầm bệnh từ tôm bố mẹ, các chế tài quản lý XNK tôm bố mẹ và tôm giống vào Việt Nam, quản lý chất lượng tôm giống trước khi xuất bán, v.v… Theo tôi, để quản lý dịch bệnh thành công, việc quản lý tôm giống có vai trò đặc biệt then chốt.
Ở góc độ của người nuôi tôm quy mô nhỏ, có thể áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa các cơ chế lây ngang của bệnh, thông qua các bước chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình, trại nuôi có ao lắng đúng quy cách, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; có các biện pháp cắt mầm bệnh đối với các ao nuôi đã từng xuất hiện bệnh thông qua việc luân canh và đa canh, có thời gian phơi và cày đáy ao đủ lâu giữa các vụ nuôi, luân canh tôm-lúa, tôm-cá, đa canh với cá hoặc nuôi cá trong ao lắng, thực hiện các thực hành nuôi tốt, v.v…
Ở quy mô các trang trại lớn hoặc các công ty có đủ tiềm lực về tài chính và khả năng tự sản xuất con giống hoặc liên kết với các công ty cung cấp tôm giống, có thể kiểm soát và đảm bảo chất lượng tôm giống, quy hoạch vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư cho công tác khoa học trong kiểm soát chất lượng tôm giống và quan trắc mầm bệnh trong trại giống và trại nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm như công nghệ nuôi tôm trong nhà, biofloc, v.v…
Theo tôi, bất kỳ thách thức nào cũng cùng lúc đem lại những cơ hội, buộc chúng ta tự thay đổi để tiến tới bước phát triển cao hơn. Bệnh EMS cũng không là ngoại lệ. Trước tình hình dịch bệnh và để khống chế dịch bệnh một cách căn cơ, hiệu quả, đã dần xuất hiện những mô hình hay, ví dụ như của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và các đơn vị cùng ngành khác, đang hình thành chuỗi liên kết cung ứng tôm bền vững, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa trại sản xuất giống và vùng nuôi với các cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo sản xuất và cung cấp tôm giống theo hướng loại bỏ mầm bệnh EMS và các mầm bệnh khác trước khi đến trại nuôi; là công tác hỗ trợ kỹ thuật để phòng bệnh tại vùng nuôi theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu và tiến tới không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm; là chuỗi cung ứng thức ăn và vật tư thuỷ sản chất lượng cao, và cuối cùng là cam kết thu mua tôm với giá cao, ổn định khi tôm được nuôi theo quy trình như trong chuỗi liên kết. Tôi nhận thấy cách làm này là định hướng hay, bền vững và sẽ phát triển mạnh, trong đó các bên từ nhà sản xuất giống, người nuôi, người cung cấp dịch vụ, khoa học, và nhà chế biến tôm có thể ngồi lại với nhau, cùng chia sẻ lợi ích và cùng khống chế rủi ro trong nghề nuôi tôm.
Theo tôi, việc khống chế bệnh EMS không nên coi là việc tìm kiếm những giải pháp riêng rẽ hay một liệu pháp thần kỳ. Việc khống chế bệnh thành công nên dựa trên chương trình kiểm soát các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến dịch bệnh như đã nêu trên. Tuỳ thực tế của từng cá nhân và đơn vị nuôi tôm mà chúng ta có các lựa chọn cách ứng dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp.
Tác dụng và cách thức triển khai nuôi ghép cá rô phi (và loài cá khác)
Tôi có một số nghiên cứu về tác dụng của cá rô phi, đăng tải trên Tập san của Liên minh Nuôi thuỷ Sản Thế giới (Global Aquaculture Alliance Advocate số tháng 1-2/2014). Theo kết quả nghiên cứu đến thời điểm này, cá rô phi giúp thiết lập một hệ sinh thái vi sinh trong nước ao với các quần thể tảo và vi khuẩn cân bằng. Trong một hệ sinh thái vi sinh cân bằng như vậy, vi khuẩn gây bệnh ít có cơ hội phát triển đến đủ mật độ có thể gây bệnh cho tôm. Sự hiện diện của cá rô phi còn giúp cho các biến động lớn về hệ vi sinh này ít xảy ra. Một khi hệ vi sinh trong ao có sự biến động lớn như hiện tượng sụp tảo trong ao thì khả năng vi khuẩn gây bệnh bùng phát để gây bệnh trên tôm là rất lớn.
Nếu cá rô phi thả trong ao nuôi chung với tôm ở một mật độ thấp vừa phải thì nó có tác dụng diệt tảo đáy, làm sạch đáy ao, ăn các con tôm bệnh chết giúp giảm sự lan truyền của bệnh v.v… Một số loài cá khác cũng có thể có một phần tác dụng tương tự như cá rô phi. Theo tôi, tuỳ vào hoàn cảnh sản xuất và hệ thống nuôi của từng trang trại, có thể ứng dụng cá rô phi theo các cách linh hoạt như: nuôi cá rô phi trong ao lắng để hoạt hoá nước trước khi lấy nước cho ao nuôi, nuôi cá rô phi trong lồng hoặc vèo đặt trong ao tôm, nuôi luân canh một vụ tôm một vụ cá để làm sạch môi trường và cắt mầm bệnh, nuôi xen cá rô phi mật độ thưa trong ao để cá dọn đáy ao, tảo đáy và ăn tôm chết, v.v…
Tác dụng và nguy cơ của việc sử dụng kháng sinh
Trong việc nuôi tôm để xuất khẩu, nếu không có cách quản lý mầm bệnh trong ao nuôi thì vi khuẩn gây bệnh luôn hiện diện và sẽ dẫn đến việc bị lệ thuộc vào kháng sinh. Sử dụng kháng sinh liên tục sẽ dẫn đến việc vi khuẩn kháng kháng sinh, bắt buộc ta phải tăng liều, đổi kháng sinh v.v… Việc sử dụng kháng sinh lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Một nghiên cứu của tôi và cộng sự thực hiện từ năm 2012 đến nay cho thấy bà con nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu sử dụng oxytetracyline để trộn vào thức ăn tôm một cách định kỳ. Tuy nhiên, mặc dù có sử dụng kháng sinh, tác dụng giảm thiểu bệnh EMS là không rõ ràng. Nghiên cứu về sự kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây bệnh EMS thu từ chính vùng dịch tỉnh Sóc Trăng cho thấy, trong các chủng vi khuẩn của loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh EMS và các chủng không gây bệnh EMS được phân lập trên tôm bệnh từ năm 2011, 2012 và 2013, tất cả các mẫu vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus phân lập từ năm 2011 và 2012 đều mẫn cảm với kháng sinh oxytetracycline. Trong khi đó, hầu hết các mẫu vi khuẩn, cả gây bệnh và không gây bệnh EMS, phân lập từ tôm bệnh năm 2013 đều hoàn toàn kháng kháng sinh này. Đó là bằng chứng cho thấy loài vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh rất nhanh, dẫn đến làm mất tác dụng của việc chữa trị.
Ở góc độ khoa học, tôi không ủng hộ hay bài bác việc sử dụng kháng sinh, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta nên sử dụng sao cho hợp lý và hiệu quả, đúng lúc, đúng liều, đúng thuốc và an toàn. Kháng sinh nên được xem là hàng rào phòng thủ cuối cùng chứ không nên xem là một biện pháp phòng bệnh.
Tiềm năng của biofloc
Theo tôi, biofloc là một công nghệ nuôi có nhiều tiềm năng, nhưng đòi hỏi đầu tư, kỹ thuật, và kiến thức cao. Nếu ứng dụng thành công, hiệu quả sẽ rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện đầu tư ứng dụng công nghệ này. Ngoài ra, các vấn đề về kỹ thuật cũng hết sức phức tạp và đòi hỏi sự tích luỹ kinh nghiệm để vận hành hệ thống này được hiệu quả. Về tác dụng của biofloc, tôi có một nghiên cứu và nhận thấy rằng về nguyên tắc chung, biofloc cũng cho tác dụng gần giống việc nuôi cá rô phi trong ao ở đặc điểm hệ thống biofloc tạo một hệ sinh thái vi sinh vật dày đặc trong nước. Ở điều kiện đó, vi khuẩn gây bệnh khó có thể phát triển đủ mật độ gây bệnh. Tuy nhiên, việc quản lý một hệ sinh thái vi sinh vật phức tạp như vậy trong ao nuôi là không hề đơn giản.
Tags: benh hoai tu gan tuy, nuoi tom, dich benh tom, benh tom, thuy san
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao