Cây cao su Bệnh loét sọc miệng cạo cây cao su mùa mưa

Bệnh loét sọc miệng cạo cây cao su mùa mưa

Author Ts. Nguyễn Minh Tuyên, publish date Wednesday. September 5th, 2018

Bệnh loét sọc miệng cạo cây cao su mùa mưa

Một trong những dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trong mùa mưa là bệnh loét sọc mặt cạo cao su. Bệnh đã làm giảm sản lượng mủ và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tái tạo vỏ mới của cây, làm khó khăn cho việc cạo mủ trên vỏ tái sinh sau này.

Triệu chứng: Bệnh xâm nhập vào miệng cạo và lớp vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo. Sau đó, bệnh lan dần dọc theo mạch dẫn trên vỏ tái sinh, tạo thành các sọc nâu đen theo chiều thẳng đứng. Khi bị nặng, từ lớp vỏ tái sinh, mủ rỉ ra bị biến vàng và bốc mùi hôi thối. Một phần hay toàn bộ phần vỏ tái sinh của mặt cạo biến màu nâu đen và hư thối.

Tác nhân gây hại và điều kiện phát sinh: Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa, đặc biệt ở các tháng mưa nhiều. Bệnh được lan truyền bằng động bào tử của nấm qua nước mưa, gió, qua dao cạo mủ... Bệnh thích hợp trong điều kiện các vườn cao su rậm rạp, có ẩm độ cao và mát.

Bệnh cũng thường xuất hiện ở vườn bón thừa phân đạm, nhưng lại thiếu các biện pháp phòng ngừa như bôi thuốc, bôi vaseline chống ướt trong mùa mưa. Chế độ cạo quá dày (do không dùng chất kích mủ để giảm số lần cạo), cạo phạm vào gỗ, cạo khi cây còn ướt, cạo sát đất trong mùa mưa… cũng là một trong các điều kiện thuận lợi để bệnh xâm nhập.

Hiện nay, do chi phối bởi giá cao su nên việc chăm sóc vườn cây thường ít được đầu tư dẫn đến sức đề kháng của cây yếu, đây là điều kiện để bệnh phát dịch.

Một số biện pháp phòng trị đã được ứng dụng và cho hiệu quả cao:

- Khi trồng mới, nên chọn một số giống ít nhiễm bệnh để trồng.

- Vệ sinh vườn, trừ cỏ dại, để tạo sự thông thoáng trong vườn cây. Không tạo tán cây cao su quá thấp.

- Ngăn không cho nước mưa từ vườn khác chảy vào vườn cao su.

- Bón phân tránh bị dư đạm, vì sẽ làm vườn cây rậm rạp, dễ nhiễm bệnh. Nếu có thể được thì nên sử dụng thêm các loại phân bón lá như Multi-K hay Polyfeed 15-15-30 để tăng cường sức chống chịu sâu bệnh của cây.

- Không cạo khi cây còn ướt, không cạo phạm, không cạo quá thấp (quá gần mặt đất) vì như vậy dễ làm đất văng lên miệng cạo lúc mưa.

- Sử dụng chất kích thích mủ Sagolatex 2.5PA, để làm giảm số lần cạo cũng là biện pháp hạn chế nhiễm bệnh.

- Định kỳ vệ sinh mặt cạo, miệng cạo và quét thuốc Treppech Bul 607SL hoặc Mexyl MZ 72WP. Hiện nay, trong mùa mưa, nhiều công ty cao su và trang trại đã quét thuốc để phòng bệnh từ 1 - 2 lần/tháng.

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện cây bệnh và xử lý thuốc kịp thời. Những cây bị bệnh, được đánh dấu và nghỉ cạo, rồi quét thuốc một tuần 2 lần cho đến khi khỏi bệnh mới cạo lại, nhằm tránh lây lan sang các cây khác qua dao cạo.

Lưu ý trước khi quét thuốc điều trị, cần vệ sinh mặt cạo và miệng cạo, bằng cách dùng dao sắc gọt nhẹ phần vỏ đã bị nhiễm bệnh rồi quét thuốc lên.


Bệnh loét sọc miệng cạo trên cây cao su Bệnh loét sọc miệng cạo trên cây cao… Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 3 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao…