Nuôi vịt Bí quyết chọn giống vịt trời

Bí quyết chọn giống vịt trời

Author Hải Đăng, publish date Friday. August 3rd, 2018

Bí quyết chọn giống vịt trời

Để nuôi vịt trời nhanh lớn, cho chất lượng thịt tốt, thơm ngon, các chủ trang trại cần có kinh nghiệm chọn giống chuẩn.

Đàn vịt trời giống của anh Điền luôn khỏe mạnh, có mẫu mã đẹp.

Tỷ phú vịt trời Hoàng Văn Điền (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình) cho rằng, những ngày đầu năm này, có nhiều nông dân, chủ trang trại muốn mua giống vịt trời, nhưng ít người để ý đến chất lượng con giống nên rất dễ bị lừa.

Anh Điền cho biết thêm, khi mua vịt trời giống, bà con cần có kiến thức nhất định về chọn giống, bởi đây là khâu quan trọng, quyết định phần lớn sự thành bại trong nghề nuôi loài vật mới này.

Theo anh Điền, khi chọn vịt con giống các chủ trang trại phải chọn những con từ các cặp bố mẹ có khả năng tăng trọng cao và chất lượng thịt tốt, thơm, ngon.

Ngoài ra, cần chú ý chọn các vịt con đạt tiêu chuẩn khi mới nở, có khối lượng từ 45g trở lên; chọn những con rốn khô, lông mượt, chân mỏ bóng, nhanh nhẹn. Không chọn những con quá nhỏ, trông yếu ớt, hở rốn, có các dị tật.

Anh Điền cho biết thêm, vịt mới nở 1 ngày tuổi có thể phân biệt được con đực – con cái với độ chính xác từ 98 – 100%. Việc này nên làm ngay sau khi vịt con nở ra, khi chúng vừa khô lông và chưa cho ăn.

Theo anh Điền, khi chọn giống vịt trời cần chú ý chọn những con vịt con đạt tiêu chuẩn khi mới nở, có khối lượng từ 45g trở lên; chọn những con rốn khô, lông mượt, chân mỏ bóng, nhanh nhẹn. Không chọn những con quá nhỏ, trông yếu ớt, hở rốn, có các dị tật.

Theo anh Điền, có 2 cách phân biệt vịt trời đực và cái.

Cách 1 - phân biệt theo hình dáng bên ngoài: Vịt đực thường đầu to, đít bé, kêu to, tiếng đục hơi khàn, mắt tròn, màu nâu nhạt; nhìn thấy rõ một vòng tròn vàng màu đồng thau viền xung quanh lòng đen. Ngược lại vịt cái đầu nhỏ, đít to hơn vịt đực; mắt vịt cái có màu nâu sẫm, có vòng vàng sẫm viền xung quanh lòng đen.

Cách 2 - phân biệt qua bộ phận sinh dục, để biết các chủ trang trại cần vạch hậu môn vịt con ra xem, nếu thấy có gai giao cấu nhỏ bằng đầu tăm nổi lên rõ là con trống, ngược lại không thấy gì là con mái. Hoặc sờ nắn bộ phận sinh dục qua phía ngoài của hậu môn, nếu thấy có nổi cộm như hạt tấm giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ thì đó là vịt trống và ngược lại, không có sự nổi cộm đó là con mái.

Theo anh Phạm Văn Luyến, chủ một trang trại chăn nuôi vịt trời quy mô lớn ở Bắc Giang, ngoài việc chọn giống, việc xây dựng chuồng trại cũng khá quan trọng. Khi thực hiện các chủ trang trại cần chú ý phân chia giai đoạn tuổi vịt để có cách làm cho hợp lý.

Giai đoạn vịt con từ 1 đến 8 tuần tuổi nên nuôi trên nền. Nền chuồng phải khô, sạch, 3 tuần đầu nhốt vịt trên nền sàn cứng (xi măng hoặc gạch) hoặc trên sàn lưới kích thước mắt lưới từ 18-19mm. Bắt đầu từ tuần thứ 4 nền chuồng phải trải chất độn. Có thể dùng rơm, rạ, trấu, hoặc phôi bào…. để làm chất độn chuồng.  Lượt rải đầu tiên lớp độn chuồng phải dày từ 5-10cm. Định kỳ thay chất độn chuồng hoặc trải thêm lên bằng một lớp mới để đảm bảo độn chuồng luôn khô, sạch.

Về chế độ ăn của vịt trời giống, anh Luyến cho biết: Ngày đầu có thể cho vịt tập ăn bằng bột ngô hoặc tấm, cho vịt uống nước có pha thêm chất điện giải, vitamin B complex, vitamin C. Nhu cầu về nước uống của vịt từ 1 – 7 ngày tuổi là 120 ml/con/ngày. Từ ngày thứ hai trở đi có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp dành cho vịt. Có thể phòng bệnh dịch tả cho vịt lúc 3 ngày tuổi.

Anh Điền đang đổ thức ăn cho vịt trời con tại trang trại của gia đình.

Cũng theo anh Luyến, khi vịt con từ 4 – 10 ngày tuổi bà con cần cho vịt ăn thức ăn có bổ sung thêm đạm (bột cá nhạt, tôm). Nếu nuôi vịt thịt có thể tập thêm cho vịt ăn những thức ăn như rau xanh trộn lẫn với cơm. Những ngày đầu chỉ cho tắm 5-10 phút sau đó tăng dần lên và từ ngày thứ 10 trở đi cho vịt xuống nước tự do. Tiêm phòng vacxin dịch tả vịt đông khô TW2 lúc vịt 7 ngày tuổi.Giai đoạn khi vịt con từ 11 – 20 ngày tuổi, theo anh Luyến, nếu có điều kiện bà con nên cho vịt ăn thức ăn hỗn hợp.

Khi vịt được 15 ngày tuổi nên cho ăn hai lần kết hợp chăn thả ngoài đồng để cho vịt kiếm thêm thức ăn. Không nên cho vịt ăn đơn thuần tấm, cám trong giai đoạn này mà cần bổ sung thêm chất đạm (cá, tôm…). Từ ngày thứ 20 trở đi có thể tập cho vịt ăn thóc. Tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả vịt lần 2 lúc vịt đạt 21 ngày tuổi (sử dụng vacxin Kapevac hoặc dịch tả đông khô TW2)

Anh Luyến chú ý bà con trong thời gian nuôi úm vịt con nên thường xuyên thay đổi chất độn chuồng, hoặc hàng ngày rải thêm trấu. Trong điều kiện bình thường cần phun xịt thuốc sát trùng định kỳ 7 – 10 ngày/lần; khi xung quanh có dịch bệnh thì cứ 3 ngày phun một lần. Nuôi vịt trời giống mỗi năm cần tiêm phòng 4 lần vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng và dịch tả vịt.


Tiềm năng con lai ngan vịt Tiềm năng con lai ngan vịt Bệnh nấm phổi trên vịt Bệnh nấm phổi trên vịt