Bí quyết làm giàu - Cựu chiến binh thu tiền tỉ nhờ nuôi cá hô
Mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi cá thát lát cườm sang nuôi cá hô, ông Trần Quốc Nam (63 tuổi), cựu chiến binh ở xã Thạnh Hòa, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang, trở thành một trong những nông dân điển hình nuôi thành công loài cá này, thu lãi trên 1 tỉ đồng.
Mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư đã giúp người nông dân thu lãi cả tỉ đồng. Ông Nam và con cá hô nuôi trên 3 năm. ẢNH: CTV
Ông Nam có 20.000 m2 đất vườn, trong đó có 2.000 m2 mặt nước nuôi cá thát lát cườm, nhờ đó ông có ít nhiều kinh nghiệm đối với ngành thủy sản. Sau một thời gian nuôi cá thát lát cườm, nhận thấy hiệu quả không cao nên ông muốn tìm mô hình mới. Năm 2016, sau khi nghỉ hưu, nhân chuyến đi Tiền Giang thấy mô hình nuôi cá hô hấp dẫn nên ông mua 2.000 con giống về thả nuôi trong ao đất.
Cá hô còn được gọi là gọi cá vua, tên khoa học Catlocarpio Siamensis. Đây là loài cá quý hiếm, thịt rất ngon, sống ở nước ngọt, xuất hiện nhiều trên các sông lớn, nhiều nhất là vùng Châu Đốc (An Giang). Trong vài thập kỷ gần đây, do tình trạng khai thác quá mức nên lượng cá tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào Sách đỏ. Nhiều nhà khoa học thuộc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Tiền Giang) đã dày công nghiên cứu, tạo ra kỳ tích bằng cách cho cá sinh sản nhân tạo. Đến năm 2008, trung tâm bắt đầu cung ứng con giống cho nhiều hộ nông dân và hầu hết người nuôi đều đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian đầu, vì thiếu kinh nghiệm nên cá hao hụt khoảng 40%. Sau khi tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của loài cá này; đồng thời tích cực tham dự các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản do Trường đại học Cần Thơ tổ chức, dần dần ông nắm chắc kỹ thuật nuôi cá hô.
Theo ông Nam, cá hô là loài dễ nuôi, ít bệnh, mau lớn, càng lớn tăng trọng càng nhanh. Hơn nữa, loài cá này có thể nuôi chung với cá chép rất tiện lợi. Hiện nay, nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản tiêu thụ mạnh nên cá hô lúc nào cũng hút hàng. Tuy nhiên, muốn thành công, người nuôi cần cải tạo ao cho thật kỹ, diệt sạch cua và cá tạp. Con giống phải đồng cỡ và thả với mật độ vừa phải. Đặc biệt, ao nuôi phải thông thoáng, đủ ánh sáng và giữ cho nước lưu thông.
“Cá hô nuôi đúng kỹ thuật, cho ăn thực phẩm tổng hợp (viên) trong 3 năm có thể đạt trọng lượng 5 - 6 kg/con, con lớn nhất lên đến 10 kg”, ông Nam nói và chia sẻ sau hơn 3 năm thả nuôi, đến nay trừ hao hụt, ao của ông còn trên 4 tấn cá thịt. Ông chỉ bán một số cho nhà hàng, quán ăn với giá 300.000 đồng/kg (loại 1 - 3 kg/con). Số cá đạt trọng lượng 10 kg/con ông bán cho trại chăn nuôi con giống với giá 700.000 đồng/kg. Ông Nam ước tính, nếu bán hết ao sẽ thu về khoảng 1,4 tỉ đồng, trừ hết các khoản chi phí còn lãi trên 1 tỉ đồng. “Sau vụ thu hoạch này, tôi vừa nuôi cá thương phẩm, vừa bán con giống, hy vọng lợi nhuận trong thời gian tới sẽ cao hơn”, ông Nam dự tính đầy phấn khởi.
Ông Trần Hoàng Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa, nhìn nhận mô hình nuôi cá hô của ông Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình này nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao