Mô hình kinh tế Biến lá dứa thành tơ xuất châu Âu, thu tiền tỉ

Biến lá dứa thành tơ xuất châu Âu, thu tiền tỉ

Author Vũ Thơ, publish date Thursday. May 19th, 2022

Biến lá dứa thành tơ xuất châu Âu, thu tiền tỉ

Bỏ lái tàu biển về quê trồng dứa

Chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Văn Hạnh sinh ra và lớn lên tại H.Diễn Châu, trong gia đình mồ côi cha lúc 4 tuổi. Nhà có đến 5 anh chị em, một mình mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con khôn lớn. Bằng cố gắng không ngừng và nghị lực của người xứ Nghệ, anh tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu thủy và khi ra trường đã làm thủy thủ với mức lương cao, nhưng lại bỏ việc về quê trồng dứa.

“Tôi luôn đau đáu với lối canh tác hóa học tại quê nhà làm ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế, môi trường và xã hội… Khi công việc đang ổn định với mức lương cao, thì tôi đánh liều về quê trở thành nông dân thực thụ và tiện phụng dưỡng chăm sóc mẹ già”, anh Hạnh chia sẻ.

Thấy xã mình là vùng đất đồi có diện tích rộng lớn, thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng dứa tại địa phương, anh quyết định thành lập HTX Nông sản Hạnh Phúc để khởi nghiệp từ cây dứa. Tuy nhiên, không như các loại dứa thông thường, anh trồng dứa với tiêu chí: không dùng thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không chín ép, không hóa chất.

“Vốn không có chuyên môn nhiều về nông nghiệp, nên khi về với cây cỏ, tôi bắt đầu học hỏi, nghiên cứu về đất, nước, khí hậu, cây trồng, kỹ thuật canh tác. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi chính thức khởi nghiệp tại H.Quỳnh Lưu, Nghệ An”, anh Hạnh kể.

Để không dùng phân bón hóa học thông thường, anh Hạnh mày mò tự làm phân vi sinh bằng cách ủ phân cá, củ chuối, ốc. Trong phân cá nhiều vitamin, vi sinh có lợi cho cây, củ chuối chứa loại kali dễ tổng hợp. “Phương pháp tập trung chăm sóc đất mẹ cho trái ngọt xen lẫn vị chua tự nhiên, không ngọt sắc, lá dứa dày và xanh, không bị cháy”, anh nói.

Những sản phẩm do HTX nông sản của anh Hạnh sản xuất

Bên cạnh trồng dứa, anh cùng bà con nông dân trong HTX đã trồng nhiều sản phẩm xen canh như đậu, lạc, mè… cũng với tiêu chí “xanh - sạch”. Sau nhiều ngày tháng nỗ lực, mang sản phẩm đi nhiều nơi để giới thiệu, vào tận các cửa hàng, chuỗi cung ứng lành sạch nhất, sản phẩm dứa Hạnh Phúc của anh đã lan tỏa đi khắp cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chế biến lá dứa thành tơ sợi

Không chỉ trồng và bán dứa, anh Hạnh đã nghiên cứu đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo và mang về nguồn lợi lớn cho người dân quê nhà. Khi tìm hiểu về công dụng của lá dứa trên internet, anh thấy nhiều nước trên thế giới dùng lá dứa để se thành sợi, dệt làm vải quần áo. Vì thế, anh quyết định nghiên cứu chế biến lá dứa thành tơ sợi.

Dứa được trồng xen với các cây nông nghiệp với tiêu chí “xanh - sạch”

“Mới đầu tôi thử dùng bàn chải để đánh lá dứa lấy sợi, nhưng không hiệu quả vì sợi ngắn và mỏng, khó sơ chế, không thích hợp để thực hiện diện rộng. Tôi nghĩ tới việc dùng máy móc để tách sợi, như vậy mới cho chất lượng đồng đều và năng suất cao và cùng mấy anh em trong làng chế tạo máy đánh sợi từ lá dứa”, anh Hạnh kể.

Anh cho biết máy có cấu tạo đơn giản, một lưỡi dao bên trong để đánh lớp thịt trong lá dứa. Phần này được anh xay nhỏ và ủ với vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây. Phần sợi thô còn lại được ngâm với nước vo gạo, giấm dứa, sau đó phơi khô để sợi được trắng sạch, không còn dính tạp chất. Với phương pháp này trung bình 100 kg lá có thể tách được 5 kg sợi. Nguồn sợi này được xuất khẩu đi châu Âu để làm nguyên liệu dệt may.

Để phát triển nguồn nguyên liệu này anh đã cùng các cộng sự thành lập Công ty Sợi lá dứa ECOSOI. Theo anh Hạnh, nhiều khách nước ngoài đã đến thăm mô hình và rất thích thú. Dù năm 2021 gặp dịch Covid-19, công việc bị ảnh hưởng nhưng người nông dân tham gia sản xuất vẫn có thu nhập ổn định. Anh Hạnh cũng cho biết hiện công ty đang đầu tư máy móc để sản xuất nguyên liệu từ lá dứa, với mục tiêu doanh thu tiền tỉ từ nguồn lá dứa.

Bên cạnh đó, anh còn dùng năng lượng mặt trời để vận hành công nghệ sấy, chế biến nông sản, giúp người nông dân sau thu hoạch. Các sản phẩm được chế tạo sau thu hoạch như: dứa sấy, nước dứa đóng gói, dứa tươi… được người tiêu dùng ưa chuộng và trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiện HTX nông sản và công ty của anh với diện tích 44 ha, liên kết, hỗ trợ thêm với bà con hơn 130 ha, đã cho tổng doanh thu năm 2020 đạt hơn 1,8 tỉ đồng, lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm. Mô hình khởi nghiệp của anh đã tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên, phụ nữ yếu thế và bà con dân tộc thiểu số ở địa phương.

Không chỉ sáng tạo trong khởi nghiệp, mang về sinh kế mới cho người dân, anh còn tham gia nhiệt tình các hoạt động xã hội, hướng về cộng đồng như: ủng hộ hơn 20.000 phần quà cho chương trình Ấm tình miền Trung năm 2020 sau trận lũ lụt lịch sử; tặng quà cho chương trình phòng chống Covid-19 ở nhiều tỉnh thành, đơn vị trên toàn quốc.

Với những nỗ lực của mình anh Hạnh được T.Ư Đoàn tặng giải thưởng Thanh niên khởi nghiệp năm 2020; Top 9 dự án dự khởi nghiệp nông nghiệp lần 7. Năm 2021, anh là 1 trong 57 nông dân trẻ tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng.


Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ kết… Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen tại Nghệ An Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc…