Biện pháp nâng cao hiệu quả xử lý phân gia súc - gia cầm
Phân gia súc - gia cầm là chất thải phát sinh trong hoạt động chăn nuôi cần được xử lý để giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường; trước đây biện pháp xử lý thông thường là ủ để tạo nguồn phân chuồng cho cây trồng hoặc đưa vào ao nuôi cá, còn hiện nay biện pháp được áp dụng phổ biến là ủ khí sinh học (biogas) đối với phân heo, còn phân gà và phân trâu, bò được nông dân thu gom bán tươi hoặc ủ sơ bộ cung cấp cho các nơi có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng.
Trong thực tế, tất cả các biện pháp xử lý trên đều ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường vì để phân hoai mục một cách tự nhiên và triệt để cần thời gian rất dài; kể cả biện pháp ủ khí sinh học ít nhiều vẫn còn mùi hôi do việc nạp phân mới vào hầm, bể hay túi biogas diễn tiến liên tục và không đúng kỹ thuật nên hầu hết chất thải đều chưa được phân giải hoàn toàn. Vì vậy, rất cần thiết áp dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh, triệt để quá trình phân giải các chất hữu cơ, cụ thể như sau:
- Thứ nhất là, đối với phân gia cầm dù sử dụng làm nguồn phân chuồng bón tại chỗ hay bán đi nơi khác đều cần thường xuyên rải tro, trấu hoặc phun lên phân các chế phẩm có chứa chất hấp thụ khí độc, mùi hôi như chất alkaloid trong chế phẩm Weviro hoặc rải các loại bột khoáng ô-xít xi-lic (SiO2), ô-xít nhôm (Al2O3), ô-xít ma-nhê (MgO), ô-xít sắt (Fe2O3), ô-xít ka-li (K2O), vôi sống (CaO) ... Đối với các nơi nuôi gà, vịt trên nền cần đem ủ lớp độn chuồng cũ mỗi khi thay lớp mới hoặc có thể áp dụng cách xử lý nền chuồng bằng các chế phẩm tổ hợp vi sinh có tính năng phân giải chất hữu cơ hiện diện thường xuyên trên nền chuồng như chế phẩm đệm lót sinh học Balasa No1, Max.250, Active Cleaner …
- Thứ hai là, khi áp dụng biện pháp ủ phân gia súc - gia cầm để tạo nguồn phân chuồng bón cho cây trồng tại chỗ hay bán ra bên ngoài đều nên áp dụng cách ủ có bổ sung chế phẩm vi sinh để thúc đẩy phân mau hoai mục hơn bằng cách sử dụng các chế phẩm có chứa vi sinh vật có tính năng phân giải chất hữu cơ (các loại vi khuẩn Cytophaga, Cellulomonas, Aspergillus, Bacillus, Pseudomonas, nấm Trichoderma …) như các chế phẩm E.M, Emuniv, Biomix 1, Biomix 2, Active Cleaner, BioGro-SX1, nấm Trichoderma …
- Thứ ba là, đối với các nơi xử lý phân heo bằng công nghệ biogas thì chất thải sau khi xử lý vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu. Do đó, cần áp dụng tiếp biện pháp gom ủ như trường hợp ủ phân với chế phẩm có chứa vi sinh. Khi áp dụng công đoạn ủ tiếp như thế chất thải sẽ rất mau hoai mục do đã được phân giải phần lớn trước đó trong hầm, bể, túi biogas và gần như không còn mùi hôi, rất hiệu quả khi đưa vào bón cho cây trồng hoặc dùng nuôi thủy sản mà không lo ngại tác động ô nhiễm môi trường nước.
Tùy theo điều kiện của từng nông hộ mà áp dụng cách xử lý cho phù hợp; tuy nhiên các biện pháp xử lý có điểm chung là giúp rút ngắn thời gian phân hoai mục, hạn chế tối đa phát sinh mùi hôi, khí độc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người chăn nuôi và môi trường
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao