Biện Pháp Phòng Trừ Rầy Bông Xoài
Thành phần rầy bông xoài rất phong phú, gồm ít nhất 3 loài, trong đó quan trọng nhất là 2 loài: Idioscopus niveosparsus và Idioscopus clypealis thuộc bộ cánh đều (Homoptera). Cho đến nay 2 loài này chỉ được ghi nhận gây hại chủ yếu trên cây xoài.
Cả hai loài này đều có đặc điểm sinh học tương tự nhau. Tuy nhiên loài Idioscopus niveosparsus thường đẻ trứng trên cả lá non và bông, còn loài Idioscopus clypealis chủ yếu chỉ đẻ trên bông. Thành trùng dạng cái nêm, kích thước tương đối nhỏ, dài khoảng 3-4mm, màu nâu đen. Rầy non có màu xanh lục nhạt, bu ở cuống bông để chích hút. Thành trùng hiện diện suốt năm trên cây trong những vết nứt của cây và mật số gia tăng khi cây ra lá non và trổ bông. Thành trùng đẻ từng trứng một trong nụ bông, trong gân lá, trong phiến lá và cả trong cuống của chồi non, hoặc cuống bông. Một con cái có thể đẻ từ 100-200 trứng. Thành trùng rất linh hoạt, ngay khi vũ hóa chúng di chuyển ngay đến chồi non hoặc bông để đẻ trứng. Khi mật số rầy cao có thể nghe tiếng nhảy xào xạc của rầy trong lá. Khi xoài trổ bông thì rầy tập trung chích hút bông xoài. Rầy non và rầy trưởng thành đều chích hút nhựa của lá non và bông. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra chủ yếu là bông, làm cho bông bị rụng, trái đậu ít và trái non cũng bị rụng. Ngoài ra, phân của rầy thải ra là môi trường cho nấm bồ hóng phát triển phủ đen trên chùm bông và mặt dưới lá. Thời gian sống của thành trùng khoảng 4-7 ngày. Mật số rầy thường xuất hiện nhiều khi cây bắt đầu trổ bông và đạt đỉnh cao vào giai đoạn nở hoa sau đó giảm dần. Nếu mật độ cao, trên một chùm bông có thể tới hàng trăm con rầy. Khi trái đã lớn bằng đầu ngón tay cái thì gần như không còn rầy nữa. Trong tự nhiên, rầy bông xoài có nhiều thiên địch ăn thịt như bọ xít ăn thịt, các loài nấm ký sinh và ong ký sinh.
Biện pháp phòng trừ
- Sau khi thu hoạch cần tiến hành xén tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng nhằm hạn chế sự gây hại của rầy;
- Trước giai đoạn ra bông (từ 1-2 tuần) sử dụng bẩy đèn để thu hút thành trùng;
- Ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy, nên phun ngừa vào giai đoạn xoài vừa ra nụ hoa khi phát hiện có sự hiện diện của rầy trên lá. Sử dụng một trong các loại thuốc trừ rầy như: Map-Jono 700WP, Actara 25WG, Applaud 10WP, Trebon 10EC… phun 2 lần, một lần trước khi ra bông và một lần vào lúc bông trổ (chưa rớt nhụy). Lần thứ hai được thực hiện khi mật số rầy vẫn còn khoảng 1con/ bông.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao