Tôm thẻ chân trắng Biện pháp xử lý ao nuôi tôm thiếu oxy

Biện pháp xử lý ao nuôi tôm thiếu oxy

Author Ban KHKT, publish date Tuesday. June 30th, 2020

Biện pháp xử lý ao nuôi tôm thiếu oxy

Hỏi: Làm thế nào để cấp cứu tôm nuôi khi trong ao thiếu ôxy vào mùa nắng nóng như hiện nay?

(Phan Huy Thuận, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Thiếu ôxy trong ao nuôi tôm do rất nhiều nguyên nhân gây ra như: Do áp suất khí quyển giảm, nhiệt độ và độ mặn tăng; không có gió lưu thông; tảo nở hoa, tảo tàn; phân tầng mặt nước ao; phân hủy chất thải hữu cơ; thức ăn dư thừa; mật độ nuôi cao; sau khi sử dụng hóa chất để xử lý ao (trúng độc)… Các nguyên nhân có thể xảy ra riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau xảy ra cùng lúc trong ao. Khi tôm có hiện tượng nổi đầu, khẩn cấp bật quạt nước, sử dụng ôxy tức thời. Đồng thời, tiến hành thay 30 - 50 cm nước. Nếu ao nuôi có pH và DO thấp, làm tăng lượng khí độc H2S gây nguy hiểm cho tôm cần tiến hành chạy quạt nước, sử dụng vôi CaCO3 với lượng 20 kg/1.000 m3 tạt khắp ao để tăng pH, giảm độ độc H2S. Sau đó, cung cấp thêm ôxy tức thời cho ao nuôi tôm. Không nên sử dụng men vi sinh xử lý đáy trong trường hợp này, bởi nó không mang lại hiệu quả. Tuyệt đối không sử dụng các hóa chất như chlorine, BKC, iodine… trong ao. Các ngày tiếp theo nên tiến hành giảm 50 - 70% lượng thức ăn cho tôm hoặc ngừng cho ăn, thay nước, chạy quạt nước nhiều hơn, sử dụng men vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ dưới đáy ao, xi phông đáy ao. Biện pháp phòng: cần đảm bảo hàm lượng DO > 4 mg/l để giúp tôm phát triển nhanh, khỏe mạnh, thực hiện tốt quy trình cải tạo ao, quản lý thức ăn hợp lý, khống chế tảo ở mật độ thích hợp, định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ dư thừa, thường xuyên sử dụng máy sục khí, máy thổi khí, quạt nước… để cung cấp ôxy cho ao nuôi. Tùy theo mật độ thả nuôi, thời gian nuôi mà bố trí và vận hành các loại máy sục khí, quạt nước cho phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ ôxy trong ao; sử dụng máy đo hoặc test để kiểm tra ôxy. Định kỳ đo ôxy 2 lần/ngày vào lúc 5 - 6 giờ sáng và 14 - 15 giờ chiều để theo dõi sự biến động của ôxy và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hỏi:  

Cá song đang nuôi có hiện tượng kém ăn hoặc bỏ ăn, cơ thể chuyển màu đen, đặc biệt ở phần cuối thân và vây đuôi. Xuất hiện các mụn phồng rộp màu trắng trên thân, vây của cá. Một vài con chết chìm xuống đáy. Xin hỏi cá bị bệnh gì và cách điều trị?

(Trần Văn Tuấn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời:

Theo mô tả, cá bị bệnh “cá ngủ” do Iridovirus gây ra, virus có hình cầu 20 mặt, đường kính nhân 140 - 160 nm, vỏ bao quanh đường kính 220 - 240 nm. Acid nhân là AND. Vi rút ký sinh ở thận, gan, lá lách của cá bệnh. Bệnh “cá ngủ” gây tác động ở cá giai đoạn cá giống và cá thịt, tỷ lệ chết 80 - 90%. Mùa vụ phát bệnh từ tháng 3 - 8. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không để cho cá sốc vì các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi. Thả giống có địa chỉ đảm bảo không nhiễm bệnh virus. Cho cá ăn thức ăn dinh dưỡng tốt, không cho thức ăn tươi sống cần nấu chín. Mùa phát bệnh cho ăn thêm Vitamin C liều lượng 20 - 30 mg/kg cá/ngày, mỗi tháng cho ăn một đợt 7 - 10 ngày.


Khoáng vi lượng - “chất liệu sống” của tôm thẻ chân trắng Khoáng vi lượng - “chất liệu sống” của… Cảnh giác với SHIV - bệnh mới trên tôm Cảnh giác với SHIV - bệnh mới trên…