Bộ giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Từ năm 2006 đến nay, Bộ NN-PTNT đã rót khoảng 40 tỷ đồng để triển khai nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCl.
Giống lúa OM9921 có khả năng chịu mặn 4‰, chịu phèn khá
Trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh và mạnh, đặc biệt tình trạng thiếu nước do áp lực yếu, lưu lượng dòng chảy thấp khiến mặn xâm nhập sâu vào đất liến theo cửa các con sông lớn. Đặc biệt, trong thời kỳ El-nino vào năm 2016, ĐBSCL đã mất gần 1 triệu tấn lúa do hạn, mặn.
Từ thực tiễn trên, đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo và những giải pháp mang tính căn cơ đã được đề xuất. Nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng chịu mặn, hạn được triển khai.
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Các viện nghiên cứu kế thừa những kết quả đã có, ứng dụng các công nghệ chọn tạo hiện đại bằng đánh dấu phân từ, lai quay lui.. các gen chống chịu mặn hạn để chuyển nạp thành công vào các con lai và chọn thuần, đánh giá chống chịu trong điều kiện nhân tạo.
Viện lúa ĐBSCL là đơn vị có những đòng góp to lớn cho việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL với những giống lúa cải tiến có diện tích gieo trồng chiếm tới 60-65% diện tích gieo cấy lúa ở khu vực này.
Các giống lúa trên được phân thành nhiều nhóm: giống lúa cực ngắn ngày, giống lúa chịu mặn, giống lúa chịu hạn và giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng.
Nhóm giống lúa cực ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh
Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, giai đoạn 2006 – 2012 tổng số giống lúa do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã công nhận đưa vào sản xuất là 50 giống (24 giống chính thức và 26 giống sản xuất thử).
Trong đó, riêng nhóm giống lúa cực ngắn ngày (có thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày), giúp bà con nông dân vùng ĐBSCL làm tăng thêm vụ thứ 3 với diện tích trên 600.000ha, sản lượng tăng thêm khoảng 3 triệu tấn mỗi năm.
Giống lúa OM5451 có thời gian sinh trưởng chỉ 90 ngày
Một số giống lúa trong nhóm này có nhiều đặc tính ưu việt có thể thay thế được cho giống lúa IR50404 như giống lúa OM5451: TGST khoảng 90 ngày; chống chịu rầy nâu, đạo ôn cấp 5; năng suất bình quân 6-8 tấn/ha (cao hơn giống đối chứng 0,4 tấn/ha); phẩm chất gạo tốt (hạt gạo thon dài, tỉ lệ bạc bụng thấp; hàm lượng amylose 18%, rất mềm cơm; hàm lượng sắt trong gạo cao).
Giống này hiện nay là một trong các giống chủ lực của các tỉnh ĐBSCL (với diện tích phát triển trong sản xuất từ năm 2010 đến năm 2012 là 618.000 ha).
Nhóm giống lúa chịu mặn
Gồm các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 85-110 ngày. Điển hình hiện nay là các giống: OM5464, OM5166, OM9916, OM9921, OM9584, OM9577 và OM9579.
Giống lúa OM8017 có thời gian sinh trưởng: 90-95 ngày, chịu mặn 3-4 ‰
Các giống này đều có khả năng chịu mặn trong điều kiện nhân tạo ở nồng độ muối 4‰- 6‰ (tương đương và cao hơn giống chuẩn kháng quốc tế Pokkali), năng suất cao, phẩm chất gạo tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khả năng chịu khô hạn tốt (OM5464).
Giống lúa OM8017 có thời gian sinh trưởng: 90-95 ngày, chiều cao cây: 95-100 cm, thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khỏe, năng suất: 7-9 tấn/ha. Tỷ lệ gạo nguyên cao 51-53%, không bạc bụng, dài hạt, chất lượng gạo tốt, cơm mềm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hàm lượng amylose : 22%, hàm lượng sắt trong gạo trắng: 6,70- 6,90 mg/kg. Giống hơi kháng với rầu nâu(cấp 3-5) và đạo ôn (cấp 3-4) , chịu mặn 3-4 ‰, chịu phèn khá, thích hợp cho các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL.
Trong thực tế sản xuất các giống này cho năng suất cao hơn một số giống chịu mặn cũ đang được nông dân trồng phổ biến trên vùng đất nhiễm mặn (OM2517, OM1490, OM576) trung bình là 0,4 tấn/ha.
Nhóm giống lúa chịu hạn
Gồm các giống lúa OM7347, OM5464, OM6162, OM7398, OM7364, OM8928 và OM6677 có thời gian sinh trưởng từ 85-110 ngày, chịu điều kiện khô hạn từ cấp 1-cấp 3 (ở giai đoạn mạ và giai đoạn trổ), năng suất cao, phẩm chất gạo tốt (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) và còn có khả năng chịu phèn mặn tốt.
Hai giống OM6162 và OM7347 là giống lúa thơm, chất lượng cao, ngoài khả năng chịu hạn tốt còn có khả năng chịu được phèn mặn.ư
Nhiều giống lúa chịu hạn được đưa vào sản xuất tại ĐBSCL trong những năm qua
Do ưu thế gạo thơm ngon và chất lượng cao, OM7347 và OM6162 đã trở thành những giống lúa chủ lực không chỉ phát triển mạnh ở các vùng lúa bị khô hạn và nhiễm mặn mà còn cả vùng lúa thâm canh, phù sa nước ngọt ở ĐBSCL.
Từ năm 2007 đến năm 2012, tổng diện tích gieo trồng các giống lúa chịu hạn đạt trên 160.000ha (trong cả hai vụ đông xuân và hè thu) tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ (theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh), năng suất tăng so với các giống cũ trung bình là 0,4-0,5tấn/ha, đem lại lợi nhuận khoảng 400 tỷ đồng.
Bộ giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng
Gồm các giống lúa OM6976, OM5451, OM5472, OM3995, OM6561 có TGST từ 85-110 ngày có có hàm lượng sắt trong hạt gạo cao hơn các giống hiện nay đồng thời có năng suất và chất lượng cao để phục vụ sản xuất lúa nói chung.
Các giống lúa này đều có hàm lượng sắt trong gạo cao tương đương như giống lúa giàu sắt quốc tế IR68144 (hàm lượng sắt trong hạt gạo trắng 6,99 - 7,01 mg/kg, trong gạo lức 15,55 - 15,60 mg/kg), đạt năng suất cao và phẩm chất gạo tốt.
Giống OM6976 được ưa chuộng vì cho năng suất rất cao, thích nghi rộng và chịu mặn nên đã trở thành giống lúa chủ lực của ĐBSCL, giống OM6976 là sản phẩm được trao tặng Giải thưởng Bông lúa vàng lần thứ I của Bộ.
Tính từ năm 2007 đến năm 2012, tổng diện tích gieo trồng các giống lúa trong bộ giống giàu vi chất dinh dưỡng đạt trên 1,57 triệu ha (trong cả hai vụ đông xuân và hè thu) tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ (theo số liệu xác nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và Cty Giống Cây trồng Trung ương); năng suất tăng hơn so với giống lúa cũ trung bình là 0,4 – 1,0 tấn/ha, đem lại lợi nhuận khoảng 8.500 tỷ đồng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao