Bò Kobe trên cao nguyên đá
Với những người Mông trên vùng Cao Nguyên Đá Hà Giang, con bò như người bạn. Chỉ có con bò mới giúp được họ “thổ canh hốc đá” lấy hạt ngô ăn, để tồn tại trên vùng đất cực kỳ gian khó này. Quá trình tuyển chọn giống bò vàng của người Mông trên vùng đá này cũng có nhiều nét tương đồng với gióng bò nổi tiếng kobe Nhật Bản, chất lượng thịt cũng rất... kobe, Đặc biệt thơm ngon.
Trong ảnh: Một góc phiên chợ bò Mèo Vạc Ảnh: Xuân Trường
Với người Mông, con ngựa là người bạn để cùng họ đi suốt những chặng đường rất dài, con chó là bạn để giữ nhà và chơi với trẻ con. Trên vùng cao nguyên đá, con bò như con ngựa và con chó cũng là bạn, chỉ có nó mới giúp được người Mông lật đất trong những khoảng đá lổn nhổn để trồng ngô “nuôi tất cả”. Người ta nuôi bò như bạn, dẫu có phải bán con bò họ vẫn giữ lại sợi dây, treo nó trên tường, hàng ngày nhìn thấy để “nhớ công ơn con bò”.
Cõng cỏ nuôi… bạn bò
Ly Thị Mỷ 14 tuổi, hơi gầy nhỏ so với cái tuổi ấy, nhưng em có thể gùi được bó cỏ nặng 70 - 80 kg, hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể. Mỗi ngày một chuyến cỏ “nuôi bò trên lưng” như thế. Bàn tay thô ráp, chai dày như của một lão nông tri điền thực thụ. Mỷ là 1 trong số 7 cô gái người Mông không được đi học ở thôn Cho Ro, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mà tôi gặp. Phần lớn các em không được đi học vì còn phải ở nhà giúp bố mẹ việc nhà và lấy cỏ nuôi bò. Ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, hầu như nhà nào cũng nuôi bò, ít một con, nhiều 4 - 5 con. Rất ít nhà nuôi nhiều hơn, thiếu vốn là một phần nhưng sức kiếm cỏ của người có hạn. Ở cái nơi đá nhiều hơn đất, nuôi được con bò, hơn là một kỳ công. Những tháng băng giá, cỏ cũng chết, người ta vẫn phải lên rừng bới cái cỏ chết, dai như dây thừng ấy về băm nhỏ cùng với bẹ, lõi ngô ủ vào nước muối cho mềm để nuôi bò. Cũng những ngày ấy, kiếm được can nước có khi mất nửa ngày “nhọc muốn chết”, nhưng mỗi ngày ít nhất cũng một can 20 lít nhọc muốn chết ấy đun nóng, pha muối cho bò uống. Không đun, “mình uống lạnh buốt bụng, nó cũng thế”. Nhà người ở chưa có sàn nhưng “nhà” của bò phải có, bằng gỗ tốt “mình nằm đất lạnh lưng không ngủ nổi, nó cũng thế thôi, phải có cái sàn cho nó nằm không lạnh bụng, đứng không lạnh chân, nó mới sống được với mình”, một nông dân nói. Để có con bò trưởng thành người ta tính hết khoảng 1 ngàn bó cỏ, nặng không dưới 50 kg mỗi bó, cũng là mỗi chuyến đi rừng, đi núi, cũng ngần ấy can nước. Chặng đường lấy cỏ, lấy nước nuôi bò chênh vênh trên vách đá, nơi chính con bò không đi nổi “nó không biết bám”, đã bao phận người trượt ngã, thành tật, thậm chí bỏ mạng. Bò nuôi cả bằng máu người như thế, nhưng không bao giờ bỏ được, không nuôi nó không cách gì trồng được cây ngô nuôi người.
Trải qua bao trận giá rét kinh người mà mỗi lần làm hàng vạn con trâu bò chết. Trong những trận mất mát kinh hoàng cho nông dân ấy, đàn bò trên vùng cao cực lạnh này vẫn “bình yên vô sự” chúng “miễn nhiễm với giá lạnh bởi bàn tay của con người, những con người nuôi bò như nuôi bạn. Trong đợt băng giá lịch sử gần nhất vào những ngày cuối tháng 1/2016, tôi có mặt ở Mèo Vạc, trong băng giá, khi đàn bò được ủ ấm trong chuồng vẫn thấy những người phụ nữ băng qua đá, qua băng tuyết lấy cỏ nuôi bò. Rét, co mình lại trong làn áo mỏng nhưng không thể để “bạn bò” chịu đói.
Vàng ẩn trong đá núi
Tại Hà Giang có các chợ bò lớn như chợ bò Mèo Vạc mỗi phiên chợ thường có vài trăm con bò được người dân mang tới để mua bán. Ngoài ra các chợ phiên khác việc mua bán bò cũng rất phổ biến. Ở các chợ phiên người có bò to đẹp còn mang bò đi chợ để “khoe” như một niềm tự hào. Hà Giang và Cao Bằng có tổ chức hội thi bò xuân, đã có những con bò có trọng lượng gần 1 tấn với giá trị lên tới 100 triệu đồng. Hoạt động này đã khích lệ người dân chăn nuôi rất nhiều, bởi con vật yêu quý của họ được tôn vinh trong các giải thi do chính quyền tổ chức.
Bò Mông được nuôi bằng cỏ, lá cây tự nhiên, cỏ khô, thân bẹ, lõi ngô, các phụ phẩm chăn nuôi đều có thể dùng làm thức ăn cho bò. Các loại cỏ công nghiệp như cỏ voi, VA-06, cỏ Goatemala… đều rất thích hợp cho giống bò này và hiện là nguồn thức ăn chính cho chúng. Đặc biệt ở vùng cao nguyên đá, cỏ thiếu, có khoảng 20 loại lá cây trên núi đá được tận dụng là thức ăn cho bò, trong đó nhiều cây có hàm lượng chất thơm cao, cây thuốc, tạo nên cho bò sức đề kháng mạnh, thịt có vị thơm ngon rất khác lạ. Do được nuôi tại các vùng núi có độ cao 1.200 - 1.400 mét, môi trường rất trong sạch nên thịt bò vàng vùng cao ở Hà Giang có thể coi là thịt sạch tự nhiên.
Con bò vừa là tài sản vừa là niềm tự hào của các gia đình người Mông
Kết quả phân tích tại Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2010, thịt bò vàng vùng cao ngoài các chỉ tiêu tương đồng với các loại thịt bò khác, có một số đặc điểm riêng như màu đỏ sậm hơn, độ dai thấp hơn (mềm hơn), vị ngọt đậm, có hậu.
Khi chế biến thịt bò vàng vùng cao ít “ngót”, thậm chí “nở”. Đặc biệt với bò đực 5 - 7 tuổi xuất hiện mỡ giắt tương tự như thịt bò Kobe nổi tiếng của Nhật Bản với thanh phần chủ yếu là các chất béo không no, không có mùi “hoi” rất dễ chảy và ngấm ngược vào thịt tạo nên sự mềm, béo đặc biệt ngon khi chế biến bít tết, nướng. Đặc trưng này khiến bò vàng vùng cao được săn mua để đưa vào tận TP Hồ Chí Minh phục vụ cho các nhà hàng nổi tiếng, thương lái Trung Quốc cũng săn những con bò loại này rất mạnh và trả giá rất cao để “hút” hàng.
Tôi đã hai lần được ăn thịt bò vàng Cao Nguyên Đá, chưa phải loại ngon nhất như bà con kể, nhưng ấn tượng thực sự. Miếng thịt nướng không bị teo đi mà hơi nở ra, mềm, béo, ngọt. Vị béo không hoi, vị ngọt vừa thanh vừa đậm. Điều đặc biệt nhất, ăn xong có vị ngọt hậu thao thảo thơm, có lẽ là dư vị của cỏ, cây, của những lá thuốc ngấm sâu trong thịt. Không ít lần mong có thể mua được miếng thịt ấy ở Hà Nội, dẫu đắt gấp đôi thịt bò thường mà chịu. Mỗi năm vùng cao nguyên đá có 3.000 đến 4.000 con bò thịt xuất bán đi, trước đây chạy xuống miền xuôi, bây giờ ít hơn, bởi giá thịt bò ngay tại Đồng Văn, Mèo Vạc cũng cao hơn Hà Nội 15 - 20%. Có thể nó vẫn đi theo con đường đặc biệt nào đó, trở thành đặc sản, dưới một tên khác. Còn theo những người buôn bò thì nó chạy đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Ông Mùa Xía Xá, một người buôn bò nổi tiếng ở Mèo Vạc nói: “Thương lái Trung Quốc trả giá cao hơn 20 đến 30% cho bò ngon, nhất là với những con bò đực to… Dân mình hết được ăn rồi”.
Đợi chờ doanh nghiệp
Một sản phẩm thương mại tốt như thế, sao không có doanh nghiệp nào đầu tư vào nhỉ. Trong một lần làm việc với báo chí Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh tâm sự: “Hà Giang hơn cả trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư vào con bò, nhưng thực sự là khó. Địa hình quá xa và rộng, hàng vạn người nuôi là hàng vạn khách hàng. Tập quán nuôi, cách mua bán, không dễ cho doanh nghiệp. Phải thật có tâm lắm lắm mới dám đầu tư vào lĩnh vực này ở vùng Cao Nguyên Đá”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Vinh cũng chia sẻ: “Đất, hay núi đá rộng mênh mông đấy, nhưng kiếm lấy 10 ha tương đối bằng phẳng thôi để làm trại nuôi cho doanh nghiệp cũng không dễ có được, chưa kể đến bao khó khăn khác. Không có doanh nghiệp bắt tay vào thì con bò vàng Cao Nguyên Đá khó có thể “cất cánh” được. Nhưng rất khó tìm được những doanh nghiệp chịu đầu tư hàng chục năm cho một lĩnh vực nhiều rủi ro như chăn nuôi trên vùng này”.
Đúng là quá khó nhưng không lẽ để lãng phí đi một sản phẩm độc đáo bậc nhất trong lĩnh vực chăn nuôi của đất nước. Và nữa, sự vươn lên của cuộc sống của hàng vạn gia đình trên vùng cao nguyên đá, không có doanh nghiệp thì nghề nuôi bò ở đây mãi vẫn chỉ là phụ, dành cho phụ nữ, căm cụi nuôi bò trên những đôi vai gầy.
>> Nhằm cải tạo và giữ gen đàn bò vàng quý, tỉnh Hà Giang đã thông qua Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng (huyện Đồng Văn) tuyển chọn đàn bò đực giống để thụ tinh nhân tạo. Bò sinh ra theo phương pháp này có trọng lượng cao hơn 5 - 8 kg so với thông thường, khi nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn 10 - 15%. Từ thực tế đó người dân đã tin hơn vào việc thu tinh nhân tạo và phối hợp với Trung tâm. Mỗi năm, riêng ở Đồng Văn và Mèo Vạc đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 3 - 5 ngàn con bò mẹ.
* Bò vàng vùng cao như cách gọi ở Hà Giang còn được gọi là bò Mông, bò U, được người Mông nuôi từ lâu đời ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La… thường ở độ cao trên 800 mét so với mặt nước biển, chịu lạnh rất tốt. Giống bò này có thân hình cao to - cân đối, gần giống bò Sind đỏ. Mầu lông chủ yếu yếu là vàng tơ và mầu cánh gián. Mắt và lông mi hơi hoe vàng, xung quanh hố mắt có màu vàng sáng rõ. Bò đực có u to - yếm rộng, đỉnh trán có u gồ. Bò cái có bầu vú to. Bò sơ sinh có trọng lượng 15 - 16 kg/con, bò sinh ra do thụ tinh nhân tạo với tinh dịch của con đực được tuyển cùng với bò mẹ phù hợp có trọng lượng trên 20 kg ; bò đực trưởng thành 380 - 390 kg, nhiều con nặng trên 500 kg, con cái nặng 250 - 270 kg. Giống bò Mông đã được đưa vào danh sách các động vật cần bảo tồn nguồn gen.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao