Mô hình kinh tế Bỏ Phố Về Quê Nuôi Nhím

Bỏ Phố Về Quê Nuôi Nhím

Publish date Thursday. April 3rd, 2014

Bỏ Phố Về Quê Nuôi Nhím

Nghe ông Nguyễn Văn Triền, Chủ tịch hội Nông dân xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) kể về anh, tôi cứ lơ mơ không tin một thanh niên nông thôn, nhà nghèo, trầy trật mãi mới lấy được tấm đại học, cuối cùng lại về quê để hết nuôi nhím, kỳ đà lại đến nuôi gà. Anh là Ngô Văn Cường (SN 1982) ở thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thủy.

Gập ghềnh đường học

Sau cuộc điện thoại không thành, ông Triền bảo: “Có khi, giờ chú hắn đang lang thang ở chợ cũng nên. Ngày mô hắn chẳng có mặt ở đó để lấy các thứ rau, củ, quả người ta vứt đi rồi đem về cho nhím ăn”. Tôi hỏi lại: Có thật không?. “Chú không tin à. Nhưng cả làng, cả xã ni ai cũng biết”, ông khẳng định chắc như đinh đóng cột. Và rồi trên đường tìm đến nhà anh, trong tôi cứ lởn vởn dáng dấp một chàng thanh niên mảnh khảnh, mình “ống quyển”, kè kè cặp kính cận...

Nhưng không, những xởi lởi, hoạt bát cùng vẻ cố nông đậm chắc và mộc mạc đã khiến chúng tôi thêm gần gũi nhau ngay trong lần gặp mặt đầu tiên. Duy chỉ có một “sự cố” là anh một mực chối từ không kể chuyện và không muốn mình lên báo.

Đẩy đưa một lúc, anh mới thật lòng thổ lộ. Vốn từ nhỏ đã mê hình dáng anh bộ đội, nên tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường Lục quân 1. Nghĩ, gia đình khó khăn lại đông anh em (7 anh em, Cường là con thứ 3 trong gia đình) nên nếu thi đỗ vào trường quân sự sẽ đỡ bớt gánh nặng tiền ăn học cho gia đình. Ngày “lều chõng” ra Bắc thi, trong túi 2 cha con chỉ vài trăm ngàn đồng.

Nhưng rồi ước mơ không thành. Không lâu sau đó, bố anh lại mất do tai nạn giao thông. Gia đình đã khó, lại càng khó hơn. Lại thêm một năm nữa, ước mơ giảng đường đại học bị dang dở. Năm sau anh mới đặt chân được vào giảng đường.

Từ đó, anh vừa học vừa đi làm thêm. Ban đầu, bốc vác vật liệu xây dựng, phục vụ quán nhậu. Rồi sau đó, đi dạy thêm. Ra trường (năm 2009) anh kiếm được việc làm ngay ở thành phố Đà Nẵng. Nhưng chỉ làm được mấy tháng, cảm thấy không thích hợp lắm với nghề này, thế là bỏ việc.

Bỏ phố về quê

Ngày quyết định về quê, gia đình, họ hàng, bạn bè anh người nói ra, người nói vào. Còn mẹ anh thất vọng, anh cũng buồn lắm.

Mất một tháng sau đó, anh rong ruổi, đi khắp đó đây. Đi để học, để biết thêm. Lúc vào tận Đồng Nai, khi lưu lạc ra tận Sơn La. Vào Đồng Nai, đến tham quan một số mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, thấy người ta nuôi kỳ đà, anh bắt luôn 1 cặp về nuôi thử nghiệm. Ra Sơn La, thấy người ta nuôi nhím, anh vay thêm ít tiền, mua một cặp nhím con, giá 16 triệu đồng về để nuôi.

Hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật anh học ở đâu ra. Anh trả lời gọn lỏn: “Từ “cụ google”, mà thiếu gì thông tin trên internet. Chỉ có điều là mình có muốn học hỏi hay không thôi”. Nói đến đây, tôi chợt nghĩ mình đã sơ suất bởi anh là một “tay” công nghệ thông tin thứ thiệt, được đào tạo bài bản 5 năm ở trường Bách khoa cơ mà.

Rồi cặp nhím anh nuôi sinh được 3 con. Có người vào mua 2 con với giá 17 triệu đồng, thấy nuôi nhím “ngon lành” quá, anh lập tức vào Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) mua tiếp mấy cặp nữa về nuôi, gây giống. “Thực ra nuôi nhím cũng nhàn, nhưng phải hiểu biết kỹ thuật cơ bản. Vả lại, nhím là loài động vật ăn tạp, bản tính còn hoang dã. Ở vùng quê mình, có nhiều tiềm năng để nuôi được. Nhất là nguồn thức ăn, nhiều khi chỉ cần bỏ chút công đi thu gom các loại cây, củ, quả ở các chợ hoặc các vùng lân cận là được”.

Đến nay, đàn nhím của anh đã trên 30 con. Riêng đàn kỳ đà có lúc lên đến mấy chục con. Nhưng rồi, cũng vì cái chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là giá cả, là thị trường, tiêu thụ,... nên anh đành phải bỏ. Thời điểm anh nuôi kỳ đà và nhím là chuyện lạ ở vùng này. Thấy lạ, một số người trong xã đến học hỏi kinh nghiệm và mua nhím về nuôi.

Lại kể chuyện anh kỹ sư công nghệ thông tin nuôi gà. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Tiếng là nông thôn, nhưng ở đây ruộng ít, đa phần là đất cát, nên những năm gần đây chuyện chăn nuôi mới được người dân chú trọng. Còn trước đó, có chăng chỉ nuôi theo hình thức cá thể, nhỏ lẻ, vài chục con lấy lệ, chứ chưa quy mô. Vì vậy, hướng đến chăn nuôi có quy mô lớn và tập trung có lẽ là điều mà người nông dân ở đây đang và cần hướng đến. Nhưng nhất thiết là phải “bạo” và mạnh dạn”.

Tôi hỏi anh Cường, vì sao chọn nuôi gà? Anh tâm sự: Nuôi gà vốn ít, giá lại khá ổn định, lại có nhiều nơi tiêu thụ. Có thể nuôi dưỡng nguồn vốn dành đầu tư cho những dự định khác. "Việc gì?"- tôi hỏi. Lại nụ cười ấy với chứa chan những dự định cùng dự tính, anh bảo chưa thể nói trước được...

Từ cái quyết định “sốc” bỏ phố về quê lập nghiệp, giờ đây mới hơn 30 tuổi, anh đã có trong tay một tài sản kha khá. Những ồn ào lẫn “tiếng tăm”, giờ đây cũng đã lắng lại. Người ta chỉ thấy một chàng thanh niên đang ngày ngày cần mẫn lang thang dọc các con đường, hay gốc chợ để gom góp, nuôi dưỡng cho những dự định “chưa nói” về tương lai, nơi mảnh đất nghèo khó này.


Dịch Cúm Gia Cầm Chỉ Còn Lại Ở 5 Tỉnh Dịch Cúm Gia Cầm Chỉ Còn Lại Ở… Thông Cáo Báo Chí Về Kết Quả Cuối Cùng Thuế CBPG Cá Tra Việt Nam Đợt Xem Xét Lần Thứ 9 Thông Cáo Báo Chí Về Kết Quả Cuối…