Tin nông nghiệp Bổ sung luân trùng và vi tảo trong ươm nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc

Bổ sung luân trùng và vi tảo trong ươm nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc

Author Đào Minh, publish date Wednesday. October 13th, 2021

Bổ sung luân trùng và vi tảo trong ươm nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc

Bổ sung vi tảo (Navicula sp.) và luân trùng (B. plicatilis) mỗi 5 ngày một lần đã cung cấp một nguồn thức ăn tự nhiên có ý nghĩa cho những giai đoạn đầu của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng trong các hệ thống biofloc.

Trong các hệ thống nuôi tôm, cộng đồng vi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc tái sử dụng các chất dinh dưỡng, làm giảm bớt những khu vực thiếu oxy nghiêm trọng trong ao cũng như giảm các chất dinh dưỡng có trong nước thải. Đồng thời vi khuẩn cũng cung cấp nguồn dưỡng chất bổ sung cho tôm nuôi trong các hệ thống thâm canh và bán thâm canh.

Việc sử dụng các sinh vật sống trôi nổi trong các hệ thống nuôi tôm thâm canh đã cho năng suất tôm cao hơn, bởi vì chúng cải thiện hàm lượng các acid amin thiết yếu và các acid béo nhóm HUFA (Acid béo đa nối đôi có từ 20 carbon trở lên - ND) trong mô của tôm.

Thiết lập nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Nông nghiệp Liên bang, Brazil nhằm đánh giá năng suất của tôm trong hệ thống biofloc có bổ sung vi tảo (Navicula sp.) và luân trùng (Brachionus plicatilis).

Trong suốt quá trình thí nghiệm, đèn huỳnh quang được sử dụng để tạo cường độ ánh sáng vào khoảng 1.000 lux với chu kỳ quang giống như tự nhiên. Không thay nước, chỉ bổ sung nước ngọt (đã loại bỏ clo) để bù vào lượng nước đã bay hơi.

Mật rĩ đường được thêm vào hàng ngày để duy trì tỷ lệ C:N là 12:1. Vôi ngậm nước (vôi tôi) được sử dụng để duy trì độ kiềm trên 100 mg/l và pH trên 7,5. Tôm thí nghiệm được cho ăn hàng ngày bằng thức ăn thương mại (hàm lượng protein thô là 40%), lượng ăn được điều chỉnh hàng ngày căn cứ vào ước lượng mức độ tiêu thụ thức ăn, tỉ lệ chết và thức ăn thừa.

Thí nghiệm 1 - Bổ sung tảo

Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá năng suất của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) được nuôi 20 ngày trong hệ thống biofloc khi có bổ sung tảo Navicula sp.

Tôm (17.7 ± 0.02 mg/con) được nuôi ở mật độ 2.500 con/m3 trong các đơn vị thí nghiệm. Tảo được bổ sung với mật độ 5 x 104 tế bào/ml cho các bể nuôi vào các ngày 1, 5, 10 và 15.

Trước khi thả tôm 5 ngày, nước từ bể matrix (Nitơ ammonia tổng số 0,12 mg/l; 2,2 mg/l nitơ nitrite; độ kiềm 100 mg CaCO3/l và chất rắn có thể lắng 27 ml/l) được pha trộn và cho vào 12 bể plastic đen (thể tích sử dụng 40 lít) khoảng 50% thể tích, phần còn lại sử dụng nước biển thêm vào.

Thí nghiệm 2 - Bổ sung luân trùng và tảo

Thí nghiệm 2 được tiến hành nhằm đánh giá năng suất của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được nuôi 35 ngày trong hệ thống biofloc khi có bổ sung tảo Navicula sp. và luân trùng (B. plicatilis).

Tôm (16.2 ± 0.03 mg/con) được nuôi ở mật độ 2.500 con/m3 trong các đơn vị thí nghiệm. Tảo được bổ sung với mật độ 5 x 104 tế bào/ml, luân trùng (mật độ 30 con/ml) cho các bể nuôi vào các ngày 1, 5, 10, 15, 20, 25 và 30.

Trước khi thả tôm 5 ngày, nước từ bể matrix (Nitơ ammonia tổng số 0,2 mg/l; 0,5 mg/l nitơ nitrite; 2,2 mg/l nitơ nitrate; độ kiềm 134,7 mg CaCO3/l và chất rắn lơ lửng 206 mg/l) được pha trộn và phân phối đều đến 12 bể plastic đen (thể tích sử dụng 40 lít).

Kết quả

Ở thí nghiệm 1, tỷ lệ sống của tôm đều trên 87% qua 20 ngày thí nghiệm. tôm trong các bể có bổ sung tảo có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR = 0,9) và trọng lượng cuối (0,34 g/con) tốt hơn có ý nghĩa (P < 0,05) so với tôm trong các bể không có bổ sung tảo (FCR = 1,2 ; 0, 27 g/con).

Ở thí nghiệm 2, tỷ lệ sống của tôm đều trên 70% ở các bể không bổ sung tảo và luân trùng, ở các bể có bổ sung thì tỷ lệ sống từ 85 - 91%. Trọng lượng cuối của tôm trong các bể có bổ sung tảo và luân trùng nằm trong khoảng 0,81 - 1,08 g/con và là 0,68 g/con ở các bể không bổ sung. FCR của tôm ở các bể có bổ sung tảo và luân trùng dao động từ 0,92 - 1,37, không bổ sung là 1,94.

Tác động tích cực của việc bổ sung tảo và luân trùng lên các thông số năng suất của tôm cho thấy Navicula sp. và B. plicatilis được dùng như là nguồn thức ăn tự nhiên cho hậu ấu trùng của tôm thẻ chân trắng trong các hệ thống biofloc. Có lẽ là chúng cung cấp các dưỡng chất quan trọng như các acid amin thiết yếu và các acid béo nhóm HUFA cần thiết để tôm sống và phát triển.

Triển vọng

Những kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung vi tảo (Navicula sp.) và luân trùng (B. plicatilis) mỗi 5 ngày một lần đã cung cấp một nguồn thức ăn tự nhiên có ý nghĩa cho những giai đoạn đầu của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng được ương trong các hệ thống biofloc.


Máy học phát hiện 'gen quan trọng' giúp cây trồng cân đối phân bón Máy học phát hiện 'gen quan trọng' giúp… Tiết kiệm phân bón, giảm chi phí đầu tư nhờ bộ rễ khỏe mạnh Tiết kiệm phân bón, giảm chi phí đầu…