Cà phê Bón phân cân đối, hiệu quả cho cây cà phê

Bón phân cân đối, hiệu quả cho cây cà phê

Author Thanh Sa, publish date Saturday. June 29th, 2019

Bón phân cân đối, hiệu quả cho cây cà phê

Cục BVTV đã phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) tổ chức Hội thảo “Giải pháp sử dụng phân bón cân đối hiệu quả trong SX cà phê bền vững khu vực Tây Nguyên”.

Chi phí phân bón chiếm đến gần 50% giá thành SX cà phê nhưng hiệu quả chưa cao.

Nội dung hội thảo xoay quanh vấn đề bón phân cân đối, hiệu quả nhằm thúc đẩy SX cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong cơ cấu chi phí SX cho cà phê thì phân bón chiếm gần 50% giá thành. Nguyên nhân do nông dân sử dụng phân bón khá nhiều so với năng suất cà phê thu được nên hiệu quả sử dụng phân bón cho cây cà phê chưa cao. Do đó, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón là một trong những kỹ thuật cấp thiết hiện nay.

TS Nguyễn Công Trí, Bộ môn Hệ thống Lâm nghiệp (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết, trong 1 tấn cà phê nhân có chứa từ 35 - 40kg N; 6 - 8kg P2O5; 40 - 45kg K2O và các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng khác. Tuy nhiên, nông dân trồng cà phê sử dụng phân bón không cân đối về tỷ lệ, số lượng quá cao so với năng suất cần đạt, gây lãng phí, tăng chi phí, giảm chất lượng cà phê và gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, cần điều chỉnh lượng phân đạm, kali và lân đối với cà phê vối cho phù hợp với mức năng suất đạt được. Đối với cà phê chè, ngoài việc điều chỉnh lượng phân đạm, lân, kali xuống mức phù hợp, còn cần điều chỉnh về tỷ lệ cân đối N: P2O5: K2O và bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng…

Tổng hợp các kết quả nghiên cứu ở Tây Nguyên cho thấy, đối với cả 2 loài cà phê vối và chè thì tỷ lệ trung bình N : P : K là 2 : 1 : 2. Kết quả điều tra cho thấy đại đa số nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên (92,6%) sử dụng phân hỗn hợp NPK; khoảng 40,8 - 67,4% hộ sử dụng các loại phân đơn như: SA, urê, lân nung chảy, supe lân, kali clorua.

Các đợt bón phân

Tùy theo điều kiện thời tiết từng vùng mà các đợt bón có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng, song các đợt bón phân nhằm vào các thời điểm: Đợt 1 bón trong mùa khô, tăng cường dinh dưỡng cho vườn cây sau thu hoạch, cắt cành tạo hình và cà phê đã ra đợt hoa đầu tiên, kích thích phát sinh cành và hỗ trợ đợt hoa thứ 2; đợt 2 khi mùa mưa bắt đầu và đất đã đủ ẩm; đợt 3, 4 cách đợt trước từ 1,5- 2 tháng.

Trong điều kiện khí hậu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, các đợt bón phân cần tiến hành vào các thời điểm như sau: Đợt 1 lần tưới thứ 2 (tháng 1-2); đợt 2 đầu mùa mưa (tháng 4-5); đợt 3 giữa mùa mưa (tháng 6-7); đợt 4 cuối mùa mưa (tháng 8-9).

Phương pháp bón

Bón trực tiếp vào đất, trước khi bón phân phải làm sạch cỏ dại. Đối với cà phê trồng mới, phân chuồng được bón lót cùng với phân NPK theo phương pháp rạch rãnh quanh tán, cách gốc 15-20cm, bón phân, sau đó lấp đất sâu 3-5cm. Đối với cà phê năm thứ 2 trở đi, bón rải theo hình vành khăn hoặc hai bên rộng từ 15-20cm theo mép tán lá, xới trộn đều với lớp đất mặt và lấp đất.

Để bảo toàn phân bón do mưa to, đất dốc và để cà phê không bị cháy lá (do phân bốc hơi), cần bón phân đúng thời kỳ khi đất đã đủ ẩm bằng cách rạch rãnh, bón phân, lấp đất. Không nên chờ bón theo mưa.

Tùy theo điều kiện thời tiết từng vùng mà các đợt bón có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng.

Tăng cường lượng phân bón hữu cơ, gồm phân chuồng: Trồng mới bón 8-10 tấn/ha, các năm sau bón 10 tấn/ha (2 năm bón 1 lần); phân hữu cơ vi sinh bón 1,2-2 tấn/ha/năm. Tận dung tàn dư thực vật hữu cơ (cỏ dại, phế phụ phẩm từ việc tạo hình, vỏ quả cà phê). Giữ lại tất cả tàn dư thực vật trên vườn cà phê (trừ những thân, cành bị nhiễm bệnh phải đem ra ngoài tiêu hủy) 

Phân chuồng và vỏ cà phê được ủ hoai mục trước khi bón, phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hoặc giữa mùa mưa, rãnh được đào theo hình vành khăn dọc theo một bên thành bồn, rộng 20cm, sâu 25-30cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Các năm sau rãnh được đào và bón phân hữu cơ theo hướng khác.

Xử lý vỏ cà phê làm phân bón

Nguyên liệu: 1 tấn vỏ cà phê + 50kg phân lân + 200-250kg phân chuồng + 8-10kg vôi + 8-10kg urê + 2-3kg men ủ vi sinh vật (chế phẩm nấm Trichoderma). Kỹ thuật ủ như sau:

- Phối trộn nguyên liệu: Trộn đều vỏ quả cà phê, phân chuồng, phân lân, phân urê theo tỷ lệ trên, kết hợp tưới nước cho đến khi đống ủ nguyên liệu có độ ẩm từ 50-60% (dùng tay bốc lên, nắm chặt thấy có nước rỉ ra là được). Sau đó đánh luống nguyên liệu cao khoảng 1,5-2,0m. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ tránh mưa, nắng.

- Hoạt hóa men: Sau 5 ngày ủ, hòa 2-3kg vi sinh vật trong 200 lít nước sạch + 1kg rỉ mật mía hoặc đường kính + 0,1 kg urê khuấy đều cho tan hết hỗn hợp.

- Tưới men: Sau khi đã hoạt hóa men xong, tiến hành tưới toàn bộ hỗn hợp men (kể cả phần cặn không tan) lên đống nguyên liệu và trộn đều. Sau đó gom nguyên liệu thành đống cao 1,5m, rộng 2-2,5m, chiều dài tùy theo vị trí và khối lượng nguyên liệu. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ để tránh mưa, nắng.

- Đảo đống nguyên liệu: Sau khi ủ 20-30 ngày, tiến hành đảo trộn lại đống ủ, nếu thiếu ẩm, cần bổ sung thêm nước để đạt được độ ẩm từ 50-60%. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ để tránh mưa, tránh nắng. Đống nguyên liệu ủ trong 2,5-3 tháng sẽ hoai mục và có thể đem đi bón cho cây cà phê.


Giải pháp phục hồi vườn cà phê già cỗi Giải pháp phục hồi vườn cà phê già… Cưa đốn phục hồi cà phê già cỗi Cưa đốn phục hồi cà phê già cỗi