Sầu riêng Bón phân cho sầu riêng Tây Nguyên

Bón phân cho sầu riêng Tây Nguyên

Author TS. Tôn Nữ Tuấn Nam, publish date Tuesday. May 29th, 2018

Bón phân cho sầu riêng Tây Nguyên

Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị cao đang được phát triển rất mạnh trong những năm gần đây tại vùng Tây Nguyên.

Thu nhập từ loại cây trồng này được nông dân đánh giá là “khủng”. Sầu riêng tỏ ra rất phù hợp với đất đai, khí hậu Tây Nguyên với các giống ghép được trồng phổ biến là Monthong, Ri6…

Trồng cây giống ghép tốt, chăm bón đúng kỹ thuật, sau năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái và cho trái ổn định vào năm thứ 7, thứ 8. 1ha sầu riêng trồng thuần vào thời kỳ kinh doanh ổn định có thể đạt tới 30 - 40 tấn quả. Với giá khoảng 25.000 đồng/kg thì 1ha sầu riêng cho thu nhập từ 700 triệu đến cả tỷ đồng.

Cây sầu riêng ghép trong thời kỳ kinh doanh cho năng suất rất cao như vậy nên cần bón phân đầy đủ để bảo đảm năng suất ổn định. Ngoài các yếu tố đa lượng là N, P, K, cây sầu riêng đang cho trái cần được bón đầy đủ các yếu tố trung, vi lượng để tăng sự đậu quả, làm mẫu mã quả đẹp hơn và tăng chất lượng cơm sầu riêng.

Nhiều tài liệu bón phân cho sầu riêng trong và ngoài nước gần như thống nhất rằng: Đối với cây sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh, sau khi thu trái xong cây rất cần đạm và lân để phục hồi sức khỏe và phát triển cành lá mới; đến giai đoạn sau khi đậu trái nên bón đạm, lân và kali với tỷ lệ ngang nhau để quả phát triển tốt. Khi quả đã lớn (khoảng 600 - 700 g/quả) thì bón phân có tỷ lệ kali cao để tăng chất lượng cơm sầu riêng.

Phân NPK của Cty CP Phân bón Bình Điền có nhiều chủng loại với tỷ lệ NPK khác nhau, người nông dân có thể chọn lựa để bón cho phù hợp tùy theo từng giai đoạn sinh lý của cây trong năm. Trong các loại phân NPK này luôn được phối trộn thêm các chất trung vi lượng cần thiết cho cây trồng.

Sau đây là quy trình bón phân Đầu Trâu cho cây sầu riêng ghép trưởng thành:

- Phân hữu cơ: Phân hữu cơ vi sinh Đầu Trâu Organic No.1, bón 5 - 10 kg/cây/năm, bón sau thu hoạch. Khi bón phân hữu cơ nên đào đất thành rảnh chiếu theo tán cây, sâu 15 - 20cm, bỏ phân vào và lấp đất.

- Phân khoáng:

+ Sau thu hoạch: Đây là giai đoạn rất quan trọng để bón phân cho sầu riêng. Một lượng phân lớn được bón trong giai đoạn này để phục hồi cây và tạo cho cây một sức khỏe tốt để ra hoa, đậu quả tốt trong mùa tiếp theo. Dùng các loại phân bón NPK Đầu Trâu 16-16-8-6S+TE hoặc NPK Đầu Trâu 20-20-15+TE để bón. Bón 2 - 3 kg/cây, bón 2 lần cách nhau 1 - 1,5 tháng. Ở vùng Tây Nguyên, vào đợt bón thứ hai sau thu hoạch nhiều khi đã bước vào mùa khô, nếu đất không đủ ẩm thì phải tưới bổ sung để tăng hiệu quả phân bón. Bón phân đầy đủ sau thu hoạch, cây sầu riêng ra được 2 cơi lá ổn định trước mùa ra hoa là được.

+ Giai đoạn nuôi quả non: Cây sầu riêng sau khi chịu hạn khoảng hơn 2 tháng sẽ phân hóa mầm hoa và bắt đầu nhú mắt cua. Sau khi ra hoa, đậu quả, quả non bằng trái chôm chôm và đã tỉa định trái xong thì bắt đầu bón phân nuôi trái, dùng phân chuyên dùng cây ăn quả Đầu Trâu 16-16-16+TE, bón 1,5 - 2 kg/cây. Lúc này ở Tây Nguyên vẫn đang giai đoạn mùa khô nên bón phân cùng với tưới nước.

+ Giai đoạn nuôi quả và quả già: Bón 1 - 2 đợt, dùng các công thức có hàm lượng kali cao như Đầu Trâu AT3 , mỗi đợt bón 2 - 3 kg/cây, đợt cuối cùng trước khi thu hoạch 1 tháng. Cũng có thể dùng các công thức 16-6-19+TE hoặc 14-7-21+TE để bón trong giai đoạn này. Thông thường, để một cây sầu riêng đạt sản lượng 3 - 4 tạ quả/năm cần bón một lượng phân NPK tổng cộng từ 10 - 12kg trong 1 năm. Nếu trồng xen canh trong vườn cà phê, lượng phân khoáng trên có thể giảm khoảng 15 - 20% vì cây sầu riêng cũng sử dụng thêm lượng phân khoáng bón cho cà phê.

Bón phân khoáng cho sầu riêng nên xới nhẹ lớp đất mặt thành hình vành khăn xung quanh tán, cách gốc 1 - 2m, bỏ phân và lấp đất, lưu ý tránh làm đứt rễ.

Ngoài ra vì đất Tây Nguyên khá chua và nghèo Ca, Mg nên có thể bón thêm vôi hay đôlômit để cải tạo độ chua và cung cấp thêm 2 yếu tố dinh dưỡng trung lượng này cho sầu riêng. Bón khoảng 5 kg/gốc/năm, rải đều trên mặt đất chiếu theo tán cây.


Bệnh thối thân xì mủ cây sầu riêng Bệnh thối thân xì mủ cây sầu riêng Phục hồi cây sầu riêng sau thu hoạch Phục hồi cây sầu riêng sau thu hoạch