Tin nông nghiệp Bùng phát dịch bệnh trên cây có múi

Bùng phát dịch bệnh trên cây có múi

Author Hoàng Vũ, publish date Thursday. August 9th, 2018

Bùng phát dịch bệnh trên cây có múi

Nhiều vườn cây có múi ở ĐBSCL đang bùng phát dịch bệnh, nhà vườn phải đốn bỏ để trồng các loại cây khác.

Bệnh vàng lá xuất hiện trên cây có múi chưa có thuốc đặc trị

Ông Phạm Văn Lành ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết: “Gia đình tôi canh tác khoảng 1,5ha công vườn trồng quýt đường, quýt hồng, cam dây và cam sành. Từ năm 2016 trở về trước, vườn cho trái sai oằn và bán được giá. Thế nhưng gần đây, khu vườn xuất hiện bệnh vàng lá, thúi rễ, tôi mua thuốc chữa trị nhưng không khỏi mà dịch bệnh ngày càng lan rộng. Đến nay có khoảng 50% diện tích cam, vườn quýt bị bệnh vàng lá; trong đó hàng loạt cây cho trái kém chất lượng, buộc phải đốn bỏ”.

Cũng lo lắng về bệnh hoành hành cây có múi, ông Lâm Văn Khéo ở cùng xã Tân Thành cho hay: “Trước đây tôi canh tác chỉ hơn 2 công quýt luôn trúng mùa, trúng giá nên có điều kiện mở rộng diện tích vườn. Không ngờ mấy tháng nay bệnh ập đến làm cây xơ xác, dù đã bón phân, phun thuốc các loại”.

Vùng chuyên canh quýt hồng đặc sản ở xã Long Hậu và xã Tân Phước, huyện Lai Vung cũng trong tình cảnh tương tự. Theo ông Lưu Văn Tín, GĐ HTX Quýt hồng Lai Vung, thời gian gần đây bệnh vàng lá trên quýt hồng tăng “chóng mặt”. Hầu như tất cả các địa phương trong huyện đều xuất hiện loại bệnh nguy hiểm này. Ước tính có khoảng 30 - 40% diện tích quýt hồng bị bệnh dẫn đến chết cây. Cam sành và cam dây cũng nhiễm bệnh tràn lan. Dịch bệnh khiến nông dân điêu đứng.

Không những ở Đồng Tháp mà bệnh vàng lá trên cây có múi lang rộng sang các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang… Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có tới hàng ngàn hecta vườn cây có múi bị bệnh vàng lá (chủ yếu là cam sành, quýt đường). Bệnh này giống như ung thư nên dù nông dân chữa trị nhiều cách vẫn không khỏi.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, thời gian gần đây vườn cây có múi bị nhiễm bệnh ngày càng tăng một cách đáng lo ngại. Trong đó có nhiều diện tích quýt hồng 3 - 4 năm tuổi khi vừa cho trái thì bị nhiễm bệnh làm chết cây, gây thiệt hại 200 - 400 triệu đồng/ha vốn đầu tư. Vấn đề đặt ra lúc này là vì sao dịch bệnh gia tăng và đâu là giải pháp ngăn chặn?

Ông Tạ Văn Hội, Bí thư Huyện ủy Lai Vung trăn trở: Trước thực trạng dịch bệnh tấn công vườn quýt hồng đặc sản, huyện đã tìm các chuyên gia, nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, ĐH Cần Thơ xuống tận vườn để đánh giá. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy trình xử lý cụ thể.

Vùng quýt hồng Lai Vung bị giảm năng suất vì dịch bệnh hoành hành

PGS.TS Trần Văn Hậu, ĐH Cần Thơ cho rằng: Bệnh vàng lá, thối rễ đã từng xảy ra trên cây có múi và gây thiệt hại khá nhiều. Sau đó, các nhà khoa học hỗ trợ nông dân các biện pháp phòng trị và một số nơi có giảm. Song dịch bệnh đang bùng phát mạnh thì cần phải điều tra cụ thể.

Các chuyên gia về cây ăn quả khuyến cáo, bệnh xuất hiện trên cây có múi có nhiều nguyên nhân như bón dư đạm dẫn đến ngộ độc; nhện đất phát sinh; sử dụng giống bị thoái quá do bầu chiết nhiều lần; thời tiết bất lợi như nắng quá nóng hoặc mưa kéo dài.

Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt nông dân cần sử dụng hóa chất tiêu diệt nấm Salizum, cải tạo khu vườn thông thoáng – nhất là tháo nước tốt trong mùa mưa lũ. Hạn chế bón đạm và tăng cường phân kali nhằm giúp cây tăng sức đề kháng, sử dụng phân hữu cơ và trồng thêm cây che nắng, chắn gió… Ngoài ra, cần chọn giống tốt, tránh sử dụng những giống có mầm bệnh.

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung nhìn nhận, vài năm trước toàn huyện có hơn 1.000ha quýt hồng, song dịch bệnh tràn lan khiến diện tích giảm xuống còn khoảng 700ha. “Nếu không có cách phòng trị bệnh kịp thời thì diện tích quýt hồng tiếp tục giảm và kế hoạch bảo vệ cây đặc sản sẽ khó giữ được”, ông Hậu lo lắng.


Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh hiệu quả Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh hiệu quả Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép, lãi từ 500 – 800 triệu đồng/ha Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép, lãi…