Mô hình kinh tế Bước Chuyển Mình Từ Con Tôm

Bước Chuyển Mình Từ Con Tôm

Publish date Sunday. November 24th, 2013

Bước Chuyển Mình Từ Con Tôm

Đối mặt với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tràn lan từ những tháng đầu năm, nhưng gần đây con tôm đang từng bước phục hồi và đem lại hiệu quả cho địa phương này.

Ông Trần Minh Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân (Cà Mau), phấn khởi: Tính đến thời điểm này, huyện đã đạt và vượt chỉ tiêu trên giao về diện tích và tăng cả về sản lượng tôm công nghiệp (TCN) và tôm quảng canh cải tiến (QCCT).

Có được kết quả đó, chính là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, sự có mặt kịp thời ở từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật cũng như quy trình canh tác bền vững của các cán bộ khuyến nông.

Vụ mùa thắng lợi

Với diện tích 7.050 ha tôm QCCT và hơn 1.210 ha TCN, dù diện tích nuôi chiếm không nhiều so với các huyện khác, nhưng Phú Tân đã thể hiện rõ năng lực của mình trong tiến trình quy hoạch phát triển mô hình nuôi TCN cũng như QCCT.

Với nhiều cách làm mới, đi sâu, đi sát vào địa bàn, vạch ra những kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, Phú Tân đã đi đầu về hiệu quả và năng suất con tôm trong năm 2013.

Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh phải mở rộng 1.000 ha TCN trong năm 2013, nhưng đến thời điểm này chỉ có hơn 500 ha được thực hiện, trong đó huyện Phú Tân chiếm gần 50% diện tích, với hơn 216 ha. Không chỉ mở rộng được diện tích mà huyện còn bảo đảm được năng suất trung bình từ 5-7 tấn/ha. Nói về hiệu quả đạt được, ông Nguyên chia sẻ: “Huyện không vội vàng, ồ ạt phát triển diện tích TCN cũng như QCCT mà tiến hành chậm, bước đầu hình thành ý thức, nền tảng cho người nuôi tôm từ mô hình QCCT. Sau đó, khi họ đủ điều kiện đất đai, vốn, huyện mới khuyến khích chuyển sang nuôi TCN”.

Nhận định ban đầu từ hiệu quả nuôi tôm QCCT, năm 2013 toàn huyện có hơn 70% hộ nuôi tôm QCCT chuyển sang TCN và hầu như đều đạt hiệu quả.

Ông Huỳnh Minh Luân, khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm, một trong những hộ dân trúng đậm TCN trên địa bàn, chia sẻ: “Phải thừa nhận rằng, năm nay người dân Phú Tân đều trúng tôm chứ không phải riêng tôi.

Để làm được điều này, ngoài con giống bảo đảm chất lượng, nguồn nước sạch, bản thân mỗi người nuôi phải nắm rõ quy trình, kỹ thuật, có như vậy mới đạt hiệu quả”. Với diện tích 10 ha, ông Luân đã thu về hơn 80 tấn tôm, chỉ tính riêng năm 2013 lợi nhuận thu được gần 7 tỷ đồng.

Chậm mà chắc

Chỉ với 50 ha TCN vào những năm đầu chuyển dịch (năm 2000), Phú Tân chậm rãi bước lên 100 ha năm 2005 rồi tuột dốc năm 2007 khi dịch bệnh nhiều, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nhiều hộ phải cầm cố đất.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nhận định khó khăn và rút kinh nghiệm sau thất bại ấy, năm 2008 huyện bắt đầu triển khai mô hình nuôi tôm QCCT. Từ vài chục héc-ta ban đầu, Phú Tân cẩn trọng từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho nông dân về kỹ thuật nuôi tôm. Theo đó, diện tích, năng suất TCN ngày một tăng.

“Phát triển TCN trong giai đoạn hiện nay không phải là chuyện đơn giản. Do đó, huyện hết sức chú trọng công tác kiểm tra môi trường, dịch bệnh tại các khu vực nuôi. Đồng thời, nắm danh sách hộ nuôi, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, thức ăn, hoá chất, thậm chí “cầm tay chỉ việc” đối với những hộ mới chuyển đổi, nhằm tránh những rủi ro cho bà con”, ông Phạm Văn Den, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, bộc bạch.

Để hỗ trợ thêm về kiến thức, thông tin cho người nuôi tôm, từ đầu năm đến nay huyện đã thành lập và củng cố trên 39 tổ hợp tác (THT) nuôi TCN, với cách thức hoạt động là ký hợp đồng tư vấn, định kỳ hằng tuần khảo sát tình hình dịch bệnh. Đây là một kênh thông tin rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho người dân hiểu biết thêm về kỹ thuật, hạn chế tối đa rủi ro từ dịch bệnh.

Ông Nguyên bộc bạch: “Điều tâm đắc nhất chính là hoạt động của các THT. Nhờ có THT mà những thông tin, kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi tôm phổ biến rộng rãi với người nông dân hơn, tạo ý thức sâu sắc hơn về phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, đối với những mô hình thất bại sau khi thử nghiệm, Phú Tân không ngần ngại tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm, đây là cách làm được thống nhất rất cao và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ những nguyên nhân thất bại, người dân tự mình rút ra kinh nghiệm, bài học và thông tin lẫn nhau, nhờ đó, giảm diện tích thiệt hại, tăng năng suất trong nuôi tôm”.

Tuy nhiên, hiện nay huyện vẫn tồn tại thực trạng người dân ngoài vùng quy hoạch tự phát nuôi TCN khiến cho môi trường chưa thật sự bảo đảm.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ về điện lưới, đường giao thông và nguồn vốn chưa được đầu tư, kéo theo hiệu quả sản xuất thấp. Một điều trăn trở nữa chính là những bất cập trong vấn đề quản lý con giống, thức ăn.

Với những gì đã đạt được, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương giữ vững diện tích và năng suất đạt được, trên cơ sở đó mở rộng diện tích nuôi, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả.


Kỳ Vọng Trúng Vụ Cá Bổi Kỳ Vọng Trúng Vụ Cá Bổi Giá Cá Lóc Giống Giảm Mạnh Giá Cá Lóc Giống Giảm Mạnh