Mô hình kinh tế Bước Ngoặt Lúa Thơm

Bước Ngoặt Lúa Thơm

Publish date Wednesday. August 6th, 2014

Bước Ngoặt Lúa Thơm

Gạo thơm xuất khẩu đang tăng mạnh, tạo ra bước ngoặt mới trong xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Lượng gạo thơm này được tạo ra chủ yếu từ các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mà nông dân thường gọi là cánh đồng liên kết. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là nền tảng tạo ra cơ sở vũng chắc cho một hướng đi mới để tạo lập thương hiệu gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo, giúp nhà nông có thể yên tâm trồng lúa.

Lên ngôi!

“Công ty mua lúa thơm với giá hơn 6.000 đồng/kg, trong khi đó nông dân trồng lúa thường chỉ bán với giá tròn trèm 4.000 đồng/kg. 2 năm qua chúng tôi đã liên kết với Công ty Gentraco trồng lúa thơm rất hiệu quả”, lão nông Tư Sang ở xã Thới Tân (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết.

Còn nông dân Sáu Khởi (hàng xóm với Tư Sang) thì thích thú: “Gia đình tôi bán 41 tấn lúa Jasmine cho Công ty Gentraco, với số tiền hơn 200 triệu đồng, lợi nhuận đạt khoảng 35 - 40%”. Công ty Gentraco là một trong hàng chục doanh nghiệp triển khai chương trình trồng lúa thơm thông qua CĐML. Lão nông Tư Sang và Sáu Khởi là hai gương mặt tiêu biểu trong hàng ngàn nông dân ở Sóc Trăng, Cần Thơ bán gần 15.000 tấn lúa thơm theo mô hình CĐML cho Công ty Gentraco.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ lúa thơm không hẳn là suôn sẻ. Cả nông dân và doanh nghiệp thừa biết làm lúa thơm phải chịu nhiều cực nhọc, từ khâu chăm sóc, khử lẫn, phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Thế nhưng, có lúc nông dân trồng lúa thơm ở ĐBSCL phải ngậm “quả đắng” khi doanh nghiệp không mua lúa đã đặt hàng, buộc nông dân phải bán lúa thơm với mức giá ngang bằng với lúa thường.

Lý do được một số doanh nghiệp đưa ra là lúa thơm hàng hóa của nông dân bị lẫn. Trong khi đó, nông dân thì phản ứng: Nông dân đã có kinh nghiệm trồng lúa thơm, chuyện lúa lẫn là lý do doanh nghiệp đưa ra để biện hộ cho chuyện “bẻ kèo”. Trên thực tế, cả chuyện lúa lẫn và “bẻ kèo” đều có. Vấn đề là cả nông dân và nhiều doanh nghiệp đã ý thức được những rủi ro để tăng trách nhiệm trong mối liên kết sống còn này!

Có thể nói, 2014 là năm bước ngoặt của xuất khẩu gạo thơm Việt Nam. Trong 8 mặt hàng gạo xuất khẩu, có đến 6 mặt hàng gạo giảm về lượng. Riêng gạo thơm đạt khoảng 700.000 tấn (tương đương 1,4 triệu tấn lúa), tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá xuất khẩu vượt ngưỡng 600 USD/tấn gạo thơm (cao hơn gần 200 USD/tấn so với gạo 25% tấm) như hiện nay, là hấp lực để nông dân tập trung đầu tư đúng mức cho việc trồng lúa thơm.

Chắt chiu mô hình

Mô hình CĐML gắn với bao tiêu mua lúa được các cấp chính quyền và nông dân ủng hộ, các doanh nghiệp đầu vào cũng tích cực hưởng ứng. Trong đó, một số doanh nghiệp như Công ty Gentraco đã tham gia cung cấp vật tư đầu vào với tiêu chí “ưu đãi về giá” và bán phân chịu cho nông dân “không lãi suất”, bán lúa giống cấp xác nhận giá rẻ hơn ngoài thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Tất nhiên, để đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và xu hướng sử dụng nông sản an toàn, đòi hỏi nông dân phải tuân thủ chặt các quy trình sản xuất do công ty đề ra.

Cụ thể, Công ty Gentraco đã phát triển, mở rộng vùng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Vĩnh Thạnh  (Cần Thơ) và giới thiệu ra thị trường thương hiệu gạo sạch “Miss Cần Thơ”. Để đạt được chứng nhận GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ hơn 200 tiêu chuẩn về an toàn: an toàn cho người sản xuất, cho người tiêu dùng, an toàn cho môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ sở vững chắc để Gentraco tham gia mở rộng CĐML ra 3.700ha ở Cần Thơ và Sóc Trăng.

* Năm 2013, diện tích sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn là 76.500ha, ước tính năm 2014, đạt khoảng 200.000ha. Tính toán của các địa phương vùng ĐBSCL, lợi nhuận thu được từ mô hình này cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống sạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh.

Sóc Trăng là tỉnh đi đầu trong trồng lúa thơm gắn với thương hiệu nổi tiếng các giống lúa thơm ST. Năm 2014, diện tích trồng lúa thơm của tỉnh này đạt 83.000ha, tăng 26.000ha so với năm ngoái. Gắn với diện tích này, Sóc Trăng đã xây dựng được 163 điểm sản xuất theo CĐML với gần 15.000 hộ nông dân tham gia sản xuất với 19.000ha.

Hiện thị xã Ngã Năm có gần 4.200 nông dân trồng 4.100ha lúa đặc sản, là địa phương có diện tích trồng lúa thơm, đặc sản lớn nhất tỉnh Sóc Trăng được doanh nghiệp bao tiêu thu mua.

“Nông dân rất mong mở rộng diện tích trồng lúa thơm gắn với bao tiêu. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ hướng đi này và sẽ cố gắng mở rộng mô hình này một cách bền vững” - ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Theo ông Nam, các giống lúa ST5, ST20 sản xuất trong CĐML của Sóc Trăng hiện được 5 doanh nghiệp: Công ty Lương thực Sóc Trăng, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Doanh nghiệp Hồ Quang Trí, Hiệp Phát - Long An, Thành Lợi (Cần Thơ) bao tiêu thu mua.

Phân khúc gạo thơm đã và đang tăng mạnh trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ngay thị trường nội địa, nhu cầu các chủng loại gạo này cũng tăng cao. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bước đầu đã tạo lập được “uy tín” của gạo thơm Việt Nam. Vấn đề đặt ra, là doanh nghiệp, nông dân và chính quyền địa phương cần “câu tay - chắt chiu” để mô hình CĐML trồng lúa thơm phát triển bền vững, tạo lực đẩy cải thiện thu nhập cho nông dân trồng lúa.


Thúc Đẩy Sản Xuất, Tiêu Thụ Nông Sản Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Thúc Đẩy Sản Xuất, Tiêu Thụ Nông Sản… Vỡ Quy Hoạch Trồng Cao Su, Hàng Nghìn Diện Tích Bị Chặt Hạ Vỡ Quy Hoạch Trồng Cao Su, Hàng Nghìn…