Mô hình kinh tế Bước Ngoặt Mới Cho Ngành Cá Tra Việt Nam

Bước Ngoặt Mới Cho Ngành Cá Tra Việt Nam

Publish date Monday. March 11th, 2013

Bước Ngoặt Mới Cho Ngành Cá Tra Việt Nam

Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đến 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đến 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mới đây, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang diễn ra Hội nghị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 - 2015). Hiệp hội ra đời vào thời điểm ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, từ người nuôi đến doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý đều mong mỏi Hiệp hội sẽ là cầu nối vững chắc để sắp xếp, ổn định lại trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia. 
Theo Ban vận động thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cá tra là đối tượng nuôi tương đối phổ biến ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu. Sản lượng cá tra vùng ĐBSCL chiếm 95% sản lượng của cả nước, với diện tích nuôi khoảng 6.000 ha, sản lượng cung cấp hàng năm từ 1 - 1,2 triệu tấn (giai đoạn 2008 - 2012). Giá trị xuất khẩu tăng dần qua từng năm, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt mức 1,744 tỉ USD. Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, đến nay đã có 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiêu thụ cá tra Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận thấy được tiềm năng kinh tế của con cá tra, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra “Đề án Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL đến năm 2020”, xác định cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có một tổ chức cộng đồng nhằm từng bước đưa ngành cá tra vào quản lý toàn diện để phát triển một cách vững chắc. Vì vậy, Hiệp hội ra đời sẽ góp phần quản lý các thành viên trong hoạt động sản xuất cá tra, đưa nghề nuôi cá tra các tỉnh ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung phát triển một cách ổn định, bền vững. 
Việc thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã “thai nghén” khoảng 10 năm và được thành lập sau 4 năm chuẩn bị. Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam được đề xuất thành lập từ năm 2001, nhưng mãi đến năm 2013 mới ra đời do nhiều nguyên nhân khách quan. Song, điều đáng mừng là việc thành lập Hiệp hội đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi và sâu sắc từ các bộ, ngành trung ương đến các địa phương vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Hữu Khánh cho rằng: “Trước mắt, Ban chấp hành nhiệm kỳ I phải tham gia vào việc chấn chỉnh trật tự xuất khẩu, đánh giá nhu cầu thị trường, khả năng tổ chức của DN và tính toán lại diện tích nuôi, sản lượng hợp lý.

Mỗi ngành hàng có mức độ cạnh tranh khác nhau, song ngành cá tra Việt Nam vốn không gặp phải sự cạnh tranh từ bên ngoài. Những khó khăn hiện nay là do từ cách tổ chức không hợp lý, cách điều hành không hiệu quả, chia cắt lợi ích giữa các thành phần trong chuỗi giá trị. Với sự ra đời của Hiệp hội, cùng với sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách của Nhà nước sẽ tạo điều kiện để ngành cá tra từng bước khắc phục khó khăn, phát triển ổn định”. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An quận Ô Môn cho rằng: “Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL thời gian qua tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng dẫn đến cung vượt cầu, khủng hoảng thừa nguyên liệu gây bất lợi cho người nuôi.

Trong tương lai, người nuôi kỳ vọng nghề nuôi cá tra sẽ được củng cố lại với sự định hướng của Hiệp hội về sản lượng và chất lượng theo hướng ổn định nhằm khắc phục được những khó khăn, thăng trầm trong những năm qua”. Mục tiêu hiện nay của ngành cá tra là làm thế nào nâng cao giá trị của cả ngành hàng cá tra, đảm bảo tất cả các khâu trong chuỗi giá trị đều có lãi, cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích. Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, cá tra là sản phẩm chiến lược quốc gia, nếu quản lý được chất lượng, xây dựng được thương hiệu sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận về cho quốc gia thay vì mức 1,7 - 1,8 tỉ USD như hiện nay.

Cùng với sự ra đời của Hiệp hội, Nhà nước cần tính giá sàn thu mua cá tra như lúa gạo để đảm bảo cho người nuôi cá tra lãi tối thiểu 10%. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, cho rằng: “Việc giảm sản lượng không chỉ giúp các DN chế biến, xuất khẩu tăng giá bán mà còn chú trọng vào quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra. Ngoài ra, cần quản lý các đầu mối xuất khẩu, cần có chế tài xử lý các trường hợp DN cạnh tranh không lành mạnh để ngành hoạt động có hiệu quả hơn”. 
Hiệp hội Cá tra Việt Nam gồm 143 hội viên, Ban chấp hành nhiệm kỳ I với 47 thành viên, Thường vụ Ban chấp hành 18 thành viên, Ban thường trực Hiệp hội 6 thành viên. Các đại biểu đã nhất trí bầu ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Đồng thời, Hiệp hội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 ổn định sản lượng nuôi cá tra nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu đạt 2,25 tỉ USD và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế nhằm tăng sức cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Hiệp hội cá tra Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặc mới của ngành hàng cá tra. Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội sẽ tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Nghị định “Về Quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra” để sớm trình Chính phủ phê duyệt nhằm đưa ngành hàng đi vào hoạt động chuyên nghiệp, cân bằng giữa sản xuất và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, vấn đề phát triển nuôi trồng cá tra theo quy hoạch, kiểm soát vật tư đầu vào, hướng dẫn tổ chức sản xuất theo các quy trình tiên tiến phù hợp với yêu cầu các thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu, tổ chức lại các đầu mối xuất khẩu… là những nhiệm vụ đề ra đối với Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hiệp hội cá tra Việt Nam hoạt động ổn định.

Theo đó, Hiệp hội sẽ làm cầu nối liên kết giữa các DN, hộ nuôi với chính quyền địa phương. Từ đó nghiên cứu đưa ra các kiến nghị, đề xuất với cơ quan quản lý, với Chính phủ nhằm xây dựng các chính sách liên quan đến ngành cá tra, tổ chức xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho ngành hàng cá tra, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành.


Nông Dân Vùng U Minh Hạ Trúng Đậm Mùa Cá Đồng Nông Dân Vùng U Minh Hạ Trúng Đậm… Nuôi Trồng Sinh Thái: Lợi Lớn, Ít Rủi Ro Nuôi Trồng Sinh Thái: Lợi Lớn, Ít Rủi…