Tin thủy sản Bước tiến vượt bậc trong sản xuất giống

Bước tiến vượt bậc trong sản xuất giống

Author Nguyễn Anh, publish date Wednesday. July 8th, 2020

Bước tiến vượt bậc trong sản xuất giống

Con giống được đánh giá là nhân tố then chốt trong phát triển thủy sản. Hiện nay, ngoài các viện, trường, trung tâm còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong ngành. Nhờ vậy, lĩnh vực sản xuất giống thủy sản đã đạt những bước tiến vượt bậc.

Dần thoát cảnh lệ thuộc

Việt Nam đã từng rơi vào những thời điểm khủng hoảng con giống nghiêm trọng, phải nhập khẩu là chủ yếu. Ông Lương Thanh Văn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, kể rằng: “Có những thời điểm tôi cảm thấy nghịch lý là hàng triệu nông dân Việt Nam phải chờ đợi con giống từ nước ngoài, hầu như cả ngành nuôi trồng phải lệ thuộc vào con giống nhập ngoại. Có thời điểm khan hiếm, chúng tôi đi các nước mua tôm giống, họ nói khéo là không có, bán hết rồi, nhưng tìm hiểu thì hóa ra họ bán đi một số nước khác có giá mua cao hơn Việt Nam mình!”.

Một số tập đoàn đã nỗ lực thuần hóa phát triển đàn tôm giống bố mẹ nhưng thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu giống; công nghệ sản xuất tôm giống bố mẹ cũng rất khó khăn, vì thế trên thế giới chỉ một số nước làm được. Cách đơn giản là tìm mua con giống bố mẹ từ nước ngoài. Thế nhưng, những năm trở lại đây, tình hình đã thay đổi.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu NTTS I, khoa học công nghệ góp phần tích cực đa dạng hóa các loài nuôi, nâng cao chất lượng giống, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đối tượng nuôi, từng bước chủ động khép kín vòng đời của một trong các đối tượng chủ lực là tôm sú, TTCT; sản xuất con giống sạch bệnh SPF, chọn giống tôm sú theo hướng tăng trưởng nhanh và thời gian thành thục ngắn hơn. Đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giống cá tra, giống ngao, nhóm cá nước ngọt truyền thống. Một số đối tượng thủy, hải đặc sản như cá nhụ, rươi, hải sâm, cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá chạch sông, cá anh vũ, cá lăng nha cũng như một số loài cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi, cá trắng châu Âu… đã được cho sinh sản thành công và đã một phần đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Lĩnh vực di truyền chọn giống đã đạt được một số thành tựu trong việc nâng cao chất lượng giống theo hướng tăng trưởng, chịu lạnh và chịu mặn của rô phi; sự đa dạng di truyền của quần đàn TTCT; sự khác biệt về di truyền học giữa một số quần thể cá chim nuôi nước mặn; một số quần thể hàu.

Việc chủ động nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản cũng được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản như C.P, Thăng Long, Uni-President Việt Nam, Việt - Úc… Tập đoàn Việt - Úc đã tạo ra thành công vang dội khi đưa Việt Nam thành nước thứ tư trên thế giới sau  Mỹ, Singapore, Thái Lan sản xuất tôm giống bố mẹ thương phẩm với số lượng lớn.

Chủ động trong sản xuất

Hiện cả nước có khoảng 2.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống với sản lượng mỗi năm hơn 130 tỷ con; do nguồn cung tôm giống bị thiếu hụt, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang xuất hiện tràn lan, trong khi việc chủ động tôm bố mẹ theo quy định để sản xuất chỉ được thực hiện ở một vài doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp cho biết, trong hơn 130 tỷ tôm giống sản xuất ở nước ta mỗi năm, nguồn giống đảm bảo chất lượng cao đạt chưa tới 50%. Tỉnh Ninh Thuận nơi được coi là “thủ phủ” tôm giống của cả nước, nơi quy tụ những đơn vị sản xuất giống thủy sản hàng đầu nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn tôm giống bố mẹ từ Mỹ, Thái Lan.

Tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích NTTS gần 20.000 ha, trung bình mỗi năm nhu cầu nuôi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2 tỷ con giống nhưng các trại sản xuất trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được 20%. Còn với nhuyễn thể, trung bình mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng gần 70 triệu con giống, nhưng các trại sản xuất giống mới chỉ đáp ứng được từ 10 - 12%... Do thiếu con giống, “các tổ chức, hộ gia đình nuôi nhập về từ các tỉnh khác và từ Trung Quốc”, dẫn đến nhiều khi con giống không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Còn TP Hồ Chí Minh, nhiều năm có dự án phát triển công nghệ giống thủy sản, liên kết với các viện nghiên cứu thủy sản để làm giống nhưng kết quả còn khiêm tốn. Có ý kiến đề nghị TP Hồ Chí Minh nên thành lập hội nghề sản xuất giống và ương nuôi để liên kết các cơ sở sản xuất giống trên cả nước nhằm phát triển ngành giống thủy sản thành phố.

Đại diện một số công ty giống thủy sản cho biết họ muốn phát triển công nghệ giống, song thực tế là “nhập con giống bố mẹ có lợi về kinh tế hơn sản xuất, vì chi phí làm tôm bố mẹ rất lớn”. Ông Dương Hùng, một chuyên gia sản xuất tôm giống cũng chia sẻ: “Chúng tôi làm giống tốt, chất lượng cao, tốn kém nhưng khi bán trên thị trường giá cũng không cao hơn con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc là bao nhiêu”.

Khi tiếp cận thực tế sản xuất tôm giống bố mẹ tại Thái Lan thì được biết ngành tôm giống của nước này được quản lý rất chặt chẽ. Chỉ một số doanh nghiệp cơ sở có đủ năng lực, uy tín, mới được cấp phép làm tôm giống, vì thế ở Thái Lan hoàn toàn không có khái niệm “tôm giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém”.

Ngày 28/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 703/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2030: Mở rộng lưu giữ khoảng 45.000 - 52.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống… Đối với ngành thủy sản: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; TTCT bố mẹ được sản xuất trong nước đáp ứng 30% nhu cầu; 100% giống TTCT, 100% giống cá tra và 50 - 60% giống tôm sú được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.


Nuôi cá dầm xanh đặc sản bán giá cao Nuôi cá dầm xanh đặc sản bán giá… Đa dạng đối tượng nuôi ghép trong ao tôm Đa dạng đối tượng nuôi ghép trong ao…