Mô hình kinh tế Bưởi Năm Roi Hồi Sinh

Bưởi Năm Roi Hồi Sinh

Publish date Thursday. November 28th, 2013

Bưởi Năm Roi Hồi Sinh

Châu Thành (Hậu Giang) vốn có thế mạnh vườn cây ăn trái với diện tích hơn 9.000ha. Nhưng 3 năm trở lại đây diện tích và sản lượng có xu hướng giảm, trong đó nguyên nhân chính là do vườn bị lão hóa. Để từng bước khôi phục lại cây ăn trái truyền thống này, Châu Thành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khôi phục, trong đó mô hình “Trồng bưởi thâm canh theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm” được đánh giá là biện pháp khả thi nhất.

Thực hiện Quyết định số 107/2008 QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ rau quả, chè an toàn với mục tiêu đến năm 2015, 100% diện tích cây ăn quả phải được thực hiện theo VietGAP. Năm 2012, dự án trồng thâm canh bưởi Năm Roi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, chính thức được triển khai ở huyện Châu Thành, trước mắt thực nghiệm tại 3 câu lạc bộ của HTX nông nghiệp Phú Thành (ở ấp Phú Lễ và ấp Phú Lễ A thuộc địa bàn xã Phú Tân), với diện tích 30ha, có 49 hộ tham gia dự án. Qua 2 năm thực hiện (2012-2013), dự án này được đánh giá là thành công. Riêng các hộ tham gia dự án thì cho rằng dự án “đã giúp họ đổi đời”.

Dự án triển khai hướng đến mục tiêu chính: giúp nông dân mạnh dạn sử dụng phân hữu cơ trong quy trình chăm sóc và tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Do vậy, khi tham gia mô hình, bà con nhà vườn được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiên tiến, để nâng cao trình độ sản xuất và hiệu quả kỹ thuật canh tác cho nhà vườn.

Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có 6.200ha diện tích cây có múi, bưởi Năm Roi 1.600ha, chiếm 25% diện tích, còn lại là cam sành khoảng 4.600ha. Xác định nguyên nhân làm giảm sản lượng và chất lượng bưởi trên địa bàn thời gian qua là do đa phần diện tích vườn bưởi bị lão hóa, việc lạm dụng dùng phân hóa học để chăm sóc cây trong thời gian qua làm cho dưỡng chất trong đất ngày càng cạn kiệt nên triệu chứng bệnh vàng lá thối rễ trên cây ăn trái vẫn thường phổ biến và là trăn trở của nhiều nhà vườn.

Trong suốt thời gian thực nghiệm dự án ở xã Phú Tân, thì các biện pháp khôi phục, kinh nghiệm trẻ hóa vườn bưởi luôn là đề tài nóng được đề cập nhiều trong các buổi hội thảo và thực hiện khá thành công. Việc trẻ hóa, bà con nhà vườn được hướng dẫn kỹ thuật cắt cành tạo tán kết hợp với quy trình chăm sóc bằng việc bón phân hữu cơ cho cây với mục đích vừa vệ sinh cây để loại bỏ được những mầm bệnh và làm tăng thêm độ tơi xốp và bổ sung dưỡng chất cho đất giúp cây hấp thụ nhanh dinh dưỡng, vì vậy cây phục hồi nhanh, phát triển tốt. Nhằm giúp bà con thực hiện hiệu quả dự án, trong 2 năm qua, ngành khuyến nông huyện đã tổ chức 5 cuộc tập huấn kỹ thuật, nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, đặc biệt hỗ trợ hơn 90 tấn phân hữu cơ vi sinh để nhà vườn thực hiện.

Kết thúc dự án, các chỉ tiêu kỹ thuật và lợi nhuận cũng được đánh giá chi tiết trên cơ sở so sánh của 2 mô hình (trước và sau thực hiện dự án). Rõ ràng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận của mô hình tăng nhiều lần so với quy trình chăm sóc truyền thống trước đây: trọng lượng trái nặng hơn, to và đồng đều hơn, màu sắc và độ ngọt cũng cao hơn. Anh Nguyễn Văn Thọ, thành viên Câu lạc bộ bưởi ấp Phú Lễ, khẳng định: “Áp dụng quy trình này, gia đình tôi đã giảm chi phí đầu vào từ 50-60% so với trước đây”.

Dự án trồng thâm canh bưởi Năm Roi do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang và huyện Châu Thành trực tiếp quản lý và triển khai thực hiện trên địa bàn. Ông Lê Minh Luân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Châu Thành, cho biết: Thành công lớn nhất đó là ngoài đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mà năng suất sản lượng cũng vượt trội, giúp nhà vườn tăng thu nhập, năng suất đạt từ 15-18 tấn/ha thay vì trước đây chỉ ở mức 13 tấn/ha.

Chính từ hiệu quả kép này đã giúp cho nhiều nhà vườn ở xã Phú Tân hiện nay có thêm thu nhập đáng kể. Điển hình như ông Nguyễn Văn Nhơn, ở ấp Phú Lễ, vườn bưởi của ông trước đây tưởng chừng không tồn tại, bởi bệnh vàng lá thối rễ, nhưng từ khi tham gia dự án, vườn bưởi nhà ông đã được khôi phục, trong đợt thu hoạch vừa qua, ông đủ điều kiện cất được căn nhà khang trang trên 150 triệu đồng.

Hiện nay, việc trẻ hóa vườn bưởi theo quy trình chăm sóc, bón phân hữu cơ đã và đang được nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Để giúp nhà vườn có nguồn cung ứng nguồn phân này, các xã Đông Phước, Đông Phước A, Phú Hữu, thị trấn Mái Dầm, nơi có diện tích cây có múi lớn thì tổ kỹ thuật khuyến nông còn vận động và hướng dẫn bà con tự tạo nguồn phân này bằng việc ủ xác bã thực vật kết hợp sự lên men của nấm Trichoderma.

Anh Trần Văn Đức, cán bộ kỹ thuật khuyến nông xã Đông Phước A, cho biết: Mặc dù diện tích bưởi không nhiều, nhưng hiện nay quy trình này cũng được bà con áp dụng cho vườn cam sành, đến nay có 50% diện tích cam sành đã được hồi sinh. Áp dụng quy trình khôi phục vườn cây ăn trái bằng phương pháp sử dụng phân hữu cơ mang lại hiệu quả kép, ngoài hiệu quả trước mắt về kinh tế thì còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ông Lê Minh Luân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Châu Thành, cho biết thêm: “Sau khi dự án trồng thâm canh bưởi Năm Roi thành công theo hướng VietGAP, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để nâng lên sản xuất theo chương trình GlobalGAP”.

Với thế mạnh là vườn cây ăn trái với nhiều cây trồng chủ lực, do vậy việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và làm cách nào giúp nhà vườn giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận đang là bài toán mà địa phương đã tìm ra lời giải đáp, để sản phẩm làm ra của nhà vườn đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.


Dỡ Chà Mùa Lũ Rút Dỡ Chà Mùa Lũ Rút Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Cho Hiệu Quả Cao Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Cho…