Cà Mau Khai Thác Sứa Biển
Thiếu tá Lê Duy Nhất, Phó Trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đá Bạc, Đồn Biên phòng Sông Đốc, cho biết, nhiều năm nay ngư dân vùng biển này khai thác được sứa chỉ lựa đổ đi chứ không biết lấy làm gì. Từ năm 2011 đến nay, có cơ sở thu mua, sơ chế sứa của anh Bùi Văn Kỳ (anh Kỳ từ Nha Trang vào) giúp nhiều ngư dân có thêm nguồn thu nhập từ sứa.
Theo kinh nghiệm của anh Kỳ, nguồn sứa ở vùng biển Cà Mau thường xuất hiện nhiều nhất vào thời gian từ tháng 7-9 âm lịch. Sứa thường nổi lờ đờ gần mặt nước, vì vậy nghề đóng đáy ruốc và đẩy te ruốc của ngư dân địa phương luôn đánh bắt được nhiều sứa. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của anh kỳ thu mua được từ 400 - 500 sọt sứa, mỗi sọt khoảng 40 kg, giá 1 sọt là 35.000 đồng.
Sau khi thu mua, anh Kỳ thuê người dân địa phương tiến hành các bước sơ chế sứa. Bước đầu là cắt con sứa thành 2 phần, gồm phần thân và phần dù.
Phần dù được cho vào máy xay cắt thành từng sợi dài đều nhau. Phần thân được cắt thủ công bằng dao nhưng cũng phải đều sợi, sau đó cho vào bể quay. Trong các bể quay đều sử dụng mô-tơ điện gắn các cánh quạt để trộn sứa trong khi quay. Phần dù máy quay khoảng 8 giờ đồng hồ, phần thân quay khoảng 12 giờ. Sau khoảng thời gian đó, sợi sứa đủ độ cứng, người thợ kiểm tra và vớt ra rửa sạch.
Bước tiếp theo là cho sứa vào thùng nhựa để muối. Bình quân 100 kg sứa khoảng 40 kg muối. Thời gian muối từ 7 - 10 ngày. Khi sứa chuyển từ màu trắng sang màu vàng nhạt là được.
Cứ khoảng 10 kg sứa tươi thì được 1 kg sứa khô, bấy giờ thịt sứa rất dai và giòn. Phần dù được tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðà Nẵng… còn phần thân thì bán sang thị trường Trung Quốc. Theo giá thị trường hiện nay, 1 kg sứa khô là 320.000 đồng. Hiện anh Kỳ tiếp tục chế biến thêm sản phẩm bánh sứa để xuất sang Thái Lan.
Ông Nguyễn Văn Công, ngụ ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, là chủ phương tiện làm nghề đóng đáy ruốc, cho biết: “Trước đây, mỗi lần kéo đáy lên thấy sứa vào là ngán ngẫm, vì phải lựa để đổ ra ngoài, nhiều con mắc kẹt lâu đổ ra thì đã chết, gây ô nhiễm môi trường. Từ khi có cơ sở thu mua sứa, chúng tôi phấn khởi lắm, nhờ có sứa mà gia đình có thêm thu nhập”.
Cũng theo ông Công, hiện nay mỗi ngày phương tiện của ông khai thác được từ 60 - 80 sọt sứa, ngày cao điểm lên đến 150 sọt, thu về từ 2 - 5 triệu đồng.
Anh Kỳ cho biết, hiện tại ở cửa biển Ðá Bạc có khoảng 30 phương tiện đang hoạt động các nghề trên biển có điều kiện khai thác sứa và đều đặn vào bán cho anh mỗi ngày. Ngoài tạo điều kiện cho các chủ phương tiện hoạt động trên biển có thu nhập cao, thì tại cơ sở của anh Kỳ cũng thường xuyên có từ 20 - 30 lao động là người địa phương.
Chị Nguyễn Thị Linh, ngụ ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, là công nhân làm sứa cho anh Kỳ, chia sẻ, gia đình khó khăn, công việc không ổn định, nhờ làm ở cơ sở chế biến sứa mà mỗi ngày chị có thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng.
Anh Dương Anh Khoa, ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, hằng ngày ngoài công việc làm ruộng, anh tranh thủ đến vận chuyển sứa từ cơ sở chế biến ra xe ô-tô và chở muối về cho cở sở anh Kỳ muối sứa cũng có thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng.
Cơ sở thu mua, chế biến sứa tại Ðá Bạc bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân có phương tiện hoạt động nghề biển gần bờ và giải quyết công ăn việc làm cho người địa phương, đồng thời là tín hiệu vui cho ngư dân Cà Mau về nguồn tài nguyên biển mà từ lâu đã bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản này, rất cần cơ quan chức năng của Cà Mau kiểm tra, thẩm định trữ lượng sứa trên vùng biển Cà Mau để có biện pháp quản lý, định hướng khai thác cũng như hướng dẫn ngư dân kỹ thuật khai thác hiệu quả.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao