Mô hình kinh tế Cà Mau Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Đặc Thù

Cà Mau Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Đặc Thù

Publish date Monday. August 11th, 2014

Cà Mau Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Đặc Thù

Là vùng đất khó giữ nước lại gắn với trồng rừng nên nhiều năm qua 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau) khó hoàn thành chỉ tiêu diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, một số nông dân của 2 huyện này đã xây dựng được những mô hình đặc thù và hiệu quả.

Đến xã Hiệp Tùng hỏi ông Lưu Mãng ai cũng biết, bởi ở đây ông là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang nuôi tôm quảng canh cải tiến. Năm 2010 là thời điểm tôm quảng canh truyền thống bị chết nhiều nhất. Sở hữu 5 ha đất nhưng mỗi năm gia đình ông thu về chưa đầy 50 triệu đồng. Ông bắt đầu chú ý việc những vùng khác nuôi quảng canh cải tiến. Cùng lúc đó cán bộ khuyến ngư có mở lớp tập huấn về nuôi quảng canh cải tiến ông tham gia liền khoá học.

Tôm quảng canh cải tiến dưới tán rừng

Sau 7 ngày học, ông cũng vẫn còn trăn trở trong việc áp dụng, vì theo ông, việc ban bờ ở đây không dễ chút nào. Tuy nhiên, đắn đo là vậy, nhưng ông vẫn quyết định làm thử một đầm nuôi với diện tích 2.000 m2.

Giai đoạn đầu tôm lớn nhanh nhưng sau 1 tháng nuôi ông thấy tôm có vẻ chậm lớn, ông bàn với gia đình khui ao và bí cống lại xử lý nước rồi bung cho tôm ra ngoài vuông lớn (3 ha). Vụ nuôi đó ông thu về trên 100 triệu đồng. Ðó là số tiền mà từ khi bắt đầu nuôi tôm đến lúc đó ông chưa bao giờ đạt được.

Tiếng lành đồn xa, từ đó đến nay nhiều nông dân ở các xã Hàm Rồng, Ðất Mới, Hàng Vịnh đến học hỏi và làm theo ông. Mô hình quảng canh cải tiến theo “cách riêng” này của gia đình ông cũng được chính quyền địa phương nhân rộng và duy trì cho đến nay.

Ông Võ Việt Kháng, Chủ tịch UBND xã Hiệp Tùng, cho hay, toàn xã hiện có 95 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, tập trung vào 2 tổ hợp tác ở ấp 5 và ấp 7B (mỗi tổ khoảng 15 người). Năng suất bình quân 500-600 kg/ha, thậm chí có hộ đạt gần 1 tấn/ha.

“Do đặc thù vùng này người dân nhiều đất (bình quân mỗi hộ từ 3-5 ha) nên đôi lúc cũng chưa tuân thủ đúng theo quy trình nuôi của quảng canh cải tiến. Họ cũng sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, cho ăn dặm những tháng đầu và thả ra vuông ở những tháng cuối để tôm tự tìm thức ăn và để mật độ thưa hơn, ít rủi ro hơn. Với cách làm này, nhiều người dân đã nâng được năng suất nuôi và hạn chế được dịch bệnh”, ông Võ Việt Kháng cho hay.

Cần tiêu chí đặc thù

Năm 2013, huyện Năm Căn được giao chỉ tiêu nuôi tôm quảng canh cải tiến 3.000 ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kế hoạch trên không thể hoàn thành (chỉ được 450 ha). Năm 2014, kế hoạch tiếp tục được giao 900 ha, hiện tại đã phát triển được gần 500 ha.

Ông Trương Quốc Duẩn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, bức xúc: “Do đặc thù là đất rừng, đất “thưa thịt” nên việc phát triển các loại hình nuôi tôm mới như: quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp ở Năm Căn còn chưa nhiều. Ðã vậy, theo quy định về làm bờ, về diện tích thì ở Năm Căn khó mà đạt được đúng như tiêu chí đã đề ra”.

Năm Căn có tổng diện tích nuôi thuỷ sản 25.676 ha. Tuy nhiên, trong đó diện tích tôm - rừng chiếm đến gần 17.000 ha. Do đặc thù là đất rừng nên việc đưa cơ giới vào để đào ao, lên liếp và làm bờ là rất khó thực hiện. Ðã vậy, diện tích đất của mỗi hộ ở đây khá rộng nên việc giới hạn ao nuôi từ 2.000 m2 - 1 ha là không thể thực hiện được.

Ông Trương Quốc Duẩn cho biết thêm: “Hiện nhiều nông dân đã có cách làm riêng của mình là đào ao với diện tích khoảng 2.000-3.000 m2 để thả tôm mật độ dày. Sau khoảng 1 tháng nuôi và cho ăn, có xử lý nước bằng vi sinh thì thả tôm ra diện rộng khoảng 2-3 ha (có cây rừng đan xen) để tôm tự lớn, có cho ăn dặm thêm và xử lý nước bằng vi sinh. Với cách làm này thì không đúng với quy trình nuôi quảng canh cải tiến nhưng năng suất cũng tăng rõ rệt”.

Tương tự, huyện Ngọc Hiển cũng với cách làm trên, nhiều hộ dân đã thu về từ 400-500 kg/ha; góp phần cho huyện nhà hoàn thành chỉ tiêu về nuôi tôm quảng canh cải tiến năm 2013-2014. Ông Tiêu Thanh Hiền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, cho hay: “Vụ mùa năm 2013 huyện thực hiện được hơn 3.000 ha tôm quảng canh cải tiến. Năm 2014 huyện cũng đã thực hiện được hơn 4.000 ha tôm nuôi theo kiểu này”.

Với những cách làm sáng tạo, huyện Năm Căn, Ngọc Hiển đã tìm ra được mô hình riêng cho đặc thù vùng đất của mình. Vấn đề còn lại là ngành chức năng nên xem xét và bổ sung vào danh mục tập huấn để nhiều nông dân khác được tiếp cận và học hỏi, nhân rộng mô hình.


Trên 9,28 Nghìn Tỉ Đồng Quy Hoạch Thủy Lợi Phục Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Trên 9,28 Nghìn Tỉ Đồng Quy Hoạch Thủy… Cá Lồng Chết Hàng Loạt Ở Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) Cá Lồng Chết Hàng Loạt Ở Phổ Thạnh…