Mô hình kinh tế Cá Ngừ Tăng Giá Ngư Dân Vẫn Lỗ Nặng

Cá Ngừ Tăng Giá Ngư Dân Vẫn Lỗ Nặng

Publish date Wednesday. September 10th, 2014

Cá Ngừ Tăng Giá Ngư Dân Vẫn Lỗ Nặng

Lần đầu tiên trong năm nay, cá ngừ đại dương do ngư dân khai thác, đưa về cảng được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg so với các tháng trước. Giá tăng – bà con ngư dân rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, nỗi lo bám biển của người ngư dân thì vẫn còn đó; bởi lẽ sản lượng cá ngừ đánh bắt ở thời điểm này được nhận định là thấp nhất từ trước đến nay.

Trong 4 ngày qua, Cảng cá Hòn Rớ Nha Trang đã tiếp nhận hơn 50 lượt tàu câu cá ngừ về cảng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tàu về nhiều nhưng đa phần sản lượng cá lại giảm mạnh. Bình quân, cứ 10 chiếc về cảng thì khoảng 8 chiếc thất bại. Mỗi chiếc chỉ câu được 5-7 con, thậm chí có tàu đi cả chuyến mà chỉ câu được 2 con cá ngừ đại dương. Cá ngừ về cảng hiện được thu mua với giá 110.000 đồng/kg.

Như vậy, với sản lượng trên, ngư dân thu lại nhiều nhất khoảng 40 triệu đồng cho mỗi chuyến biển. Trong khi đó, phí tổn mà các chủ tàu phải bỏ ra là từ 120-150 triệu đồng. Sản lượng quá thấp, không đủ bù vào chi phí đánh bắt. Ngư dân chắc chắn lỗ nặng.

Anh Trần Văn Tài – Chủ tàu KH96635 TS cho biết tổ đội của anh có 5 chiếc, thì có 2 chiếc về đủ chi phí, còn 3 chiếc kia thua lỗ, chiếc thấp nhất câu được 2 con, chiếc nhiều nhất là 20 con.

May mắn hơn các chủ tàu còn lại, tàu cá của anh Trần Văn Cư về cảng với sản lượng hơn 20 con cá ngừ đại dương. Bên cạnh đó, giá cá ngừ về cảng hiện đã tăng hơn 20.000 đồng/kg so với tháng 7. Nhưng theo anh Cư, nếu không nhờ giá cá tăng thì với sản lượng như hiện nay, ngay cả anh cũng sẽ bị lỗ vốn.

Anh Trần Văn Cư – Chủ tàu KH97227 TS cho biết cá nhiều thì giá hạ, do đợt này cá ít nên mới có giá cao 110.000 đồng/kg, trước đây chỉ 80.000 - 95.000/kg. Nhờ hỗ trợ tiền dầu của Nhà nước, nếu không thì ngư dân không đi được vì lỗ.

Có lời thì chia bạn, còn lỗ chủ tàu phải chịu. Trước mỗi chuyến biển, chủ tàu nào có vốn thì ứng tiền ra lo phí tổn, nếu không có thì phải vay mượn. Tiền vay mượn phải được trả sau mỗi chuyến đi. Không có cá cũng đồng nghĩa với việc không có tiền trả nợ. Và như vậy, dễ dẫn đến tình trạng ngư dân phải làm liều khi ra khơi đánh bắt ở các ngư trường xa hơn, không thuộc hải phận của Việt Nam.

Theo thống kê từ Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, mỗi năm, số lượng tàu câu cá ngừ về cảng ngày càng tăng. Điều này cho thấy, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đang phát triển mạnh và thu hút nhiều ngư dân, lao động tham gia vào hoạt động khai thác trên biển.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra, nếu không quy hoạch, không ổn định số lượng tàu thuyền làm nghề câu cá ngừ mà phát triển ồ ạt như hiện nay thì vài năm nữa, lượng cá sẽ không còn đủ cho khai thác và chính ngư dân sẽ là người hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 vừa qua. Nhiều địa phương duyên hải, trong đó có Khánh Hòa đã bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai. Được hỗ trợ về lãi suất đóng mới, hoán cải tàu cá, được cho vay vốn lưu động trước mỗi chuyến đánh bắt - sẽ tiếp thêm động lực cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển.

Tuy nhiên, vốn đã có, khai thác thủy sản như thế nào cho hiệu quả lại là một bài toán đặt ra cho ngành thủy sản và bà con ngư dân. Nếu số lượng tàu cứ không ngừng tăng lên như hiện nay, trong khi sản lượng cá lại có hạn thì hiệu quả kinh tế từ mỗi chuyến ra khơi sẽ khó có thể đảm bảo được.

Chính vì vậy, việc thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, đánh bắt, bảo quản theo phương pháp mới để nâng cao giá trị kinh tế cho thủy sản là một trong những giải pháp trước mắt nhằm giải quyết vấn đề này.


Giới Thiệu Tàu Cá Vỏ Composite Cho Ngư Dân Giới Thiệu Tàu Cá Vỏ Composite Cho Ngư… Nông Dân Sài Thành Nuôi Lươn “Độc Chiêu”, Đút Túi Hàng Trăm Triệu Đồng Nông Dân Sài Thành Nuôi Lươn “Độc Chiêu”,…