Mô hình kinh tế Cả trăm nghìn đồng một kg gạo dược liệu

Cả trăm nghìn đồng một kg gạo dược liệu

Publish date Thursday. November 12th, 2015

Cả trăm nghìn đồng một kg gạo dược liệu

Chợ Văn Thánh, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai (TP HCM)… thời gian gần đây xuất hiện nhan nhản các thương hiệu gạo sạch, thảo dược như: gạo hoa sữa, gạo hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng, gạo Quế Lâm, gạo tím...

Giá các mặt hàng này dao động 25.000-40.000 đồng một kg, còn gạo dược liệu khoảng 40.000-70.000 đồng một kg.

Chị Hoa, ở quận Bình Thạnh cho biết, trước đây gia đình chuyên dùng gạo thơm Thái Lan nhưng nửa năm nay được nhiều cửa hàng giới thiệu có sản phẩm mới tốt cho sức khỏe nên dần dần, chị chuyển hẳn sang dùng với giá 40.000 đồng một kg.

“Lúc đầu nghe giới thiệu tôi chỉ mua ăn thử nhưng dần thấy ngon nên dùng luôn dù mức giá cao gấp đôi loại thông thường”, chị Hoa nói.

Còn chị Oanh, ở quận 2 thì cho biết, từ khi mẹ mắc bệnh về đường tiêu hóa, chị cũng đã chuyển sang ăn gạo dược liệu.

“Mỗi kg gạo đắt gấp 4 lần so với gạo thông thường, nhiều khi cũng xót lắm nhưng nghĩ tốt cho sức khỏe nên gia đình vẫn duy trì”, chị Oanh cho biết.

Gạo tốt cho sức khỏe ngày càng được bán rộng rãi trên thị trường.

Không chỉ ở chợ, hay các cửa hàng truyền thống, tại siêu thị, điển hình là Co.opmart, ngoài các dòng gạo thơm truyền thống, siêu thị còn phân phối 2 dòng gạo tốt cho sức khỏe là gạo hữu cơ sạch được canh tác và bón phân hoàn toàn hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, giá 28.000 đồng một kg và dòng gạo mầm với thành phần dinh dưỡng cao, tốt cho người bị tiểu đường, giá 72.900 đồng một kg.

Theo đại diện siêu thị, sức tiêu thụ sản phẩm này đang có chiều hướng đi lên.

Hiện mỗi tháng Co.opmart bán được 3-5 tấn.

Là đơn vị sớm tập trung đầu tư và hiện có khá nhiều sản phẩm gạo tốt cho sức khỏe, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời tiết lộ, công ty tiếp tục nghiên cứu và cho ra một dòng sản phẩm dinh dưỡng mới.

“Chúng tôi đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa thể công bố kết quả chính thức.

Tuy nhiên, đây không chỉ là loại gạo tốt cho sức khỏe, giúp ổn định đường huyết, ngừa xơ vữa động mạch mà còn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể”, ông Thòn nói.

Ông cũng cho hay, trước đó, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, trong đó gạo mầm Vibigaba thích hợp cho người bị bệnh tiểu đường được khá nhiều khách ưa chuộng, đặc biệt, xuất khẩu rất hút hàng.

Theo Chủ tịch Lộc Trời, gạo mầm này được sản xuất từ giống lúa mùa BN1 do công ty nghiên cứu trong vòng 3 năm.

Mỗi năm, loại này chỉ trồng được một vụ và chỉ có ở một số vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi thu hoạch, lúa được sấy khô và bảo quản trong điều kiện như bảo quản lúa giống để giữ tỷ lệ nảy mầm đạt 90% trở lên.

Tuy nhiên, nếu không làm đúng kỹ thuật, loại gạo này sẽ phản tác dụng và hầu như hàm lượng gaba sẽ không còn.

Cung ứng khá nhiều gạo chức năng sang thị trường Anh, Nga, Singapore, Pháp, Đức..., ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Viễn Phú cho biết, cũng vừa cho ra giống gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ.

Loại này là giống Nhật, có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch.

“Ngoài ra, hiện chúng tôi có tới 11 sản phẩm thuộc nhiều dòng khác nhau, trong đó, gạo mầm đen gaba hữu cơ có giá 100.000 đồng một kg, các sản phẩm còn lại dao động 50.000-70.000 đồng”, ông Khải nói.

Chia sẻ về chi phí đầu tư, ông cho biết, để làm ra sản phẩm gạo tốt cho sức khỏe và được công nhận bởi bên thứ 3, tốn khá nhiều vốn đầu tư, chưa kể sản lượng chỉ bằng một phần năm gạo thông thường.

Tuy nhiên, sản lượng này sẽ tăng dần qua các năm.

Hiện tại, trong 320ha đất đang sở hữu, ông dành khoảng 220ha canh tác lúa hữu cơ.

Năm đầu tiên, sản lượng đạt được chỉ một tấn một ha, nhưng đến năm thứ 2 tăng lên 2 tấn và hiện tại năng suất mỗi ha đạt khoảng 3 tấn.

“Hiện nay chúng tôi xuất khẩu 70%, 30% còn lại bán cho thị trường trong nước.

Nhiều đơn hàng xuất khẩu không đủ cung ứng, đôi khi tôi muốn mở rộng canh tác nhưng vì thấy Nhà nước vẫn chưa có chính sách cụ thể cho canh tác gạo hữu cơ nên chưa thể đẩy mạnh”, ông Khải chia sẻ.

Cũng nhanh chân nhảy vào sản xuất gạo tốt cho sức khỏe, nhiều hợp tác xã ở Đồng Tháp mới đây được các doanh nghiệp tìm đến bao tiêu sản phẩm với giá 7.000-9.000 đồng một kg lúa tươi.

Hay một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cũng cho ra dòng sản phẩm gạo thảo dược và gạo mầm thảo dược với giá 38.000-70.000 đồng một kg.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, loại gạo trên có đầy đủ hàm lượng vi chất dinh dưỡng, vi lượng và vitamin, lipit, chất xơ, omega chống ung thư, chống loãng xương cao…

Đánh giá về xu hướng trên, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, đây là một ngách mới cho thị trường gạo Việt Nam.

Từ đó, chất lượng gạo trong nước cũng ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, theo ông để canh tác đúng và đạt chất lượng đòi hỏi quy trình phải khắt khe, cho nên số lượng cung ứng ra thị trường còn hạn chế.

Đồng tình với quan điểm của ông Huệ, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, có một số dòng gạo chứa vitamin tốt cho sức khỏe, trong đó, gạo lứt chứa hàm lượng cao.

Tuy nhiên, để hàm lượng chất dinh dưỡng chiếm trọn trong hạt gạo thì đòi hỏi phương thức canh tác phải tốt.

Nếu làm sai quy trình, sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, sản phẩm làm ra sẽ bị giảm hàm lượng chất dinh dưỡng, thậm chí còn tích tụ độc hại.

Ông cho rằng, hiện, nhiều loại gạo được quảng cáo chữa ung thư, tiểu đường… là nói quá. “Gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho quá trình chữa bệnh.

Hiện tại, Việt Nam chưa có một quy chuẩn nào về các loại gạo hữu cơ, gạo thảo dược kiểu này.

Để tránh nhầm lẫn, người dùng nên mua ở các cơ sở uy tín, có chứng nhận và kiểm soát của tổ chức quốc tế”, GS Xuân khuyên.

Theo các doanh nghiệp gạo có uy tín, việc sản xuất gạo chức năng mang lại lợi nhuận khá cao, dẫn đến thị trường đang bắt đầu loạn dòng sản phẩm được gắn mác tốt cho sức khỏe.

Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua.


Giật mình nông sản hữu cơ kiểu tự xưng Giật mình nông sản hữu cơ kiểu tự… Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi đặc sản cá chiên Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi đặc…