Các giải pháp phòng tránh bệnh tai xanh trên heo
Theo các tài liệu nghiên cứu, Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo (còn gọi là bệnh tai xanh, PRRS) do virus gây ra.
Virus có trong nước bọt, nước mũi, nước tiểu, phân, tinh dịch, sữa … heo bệnh, lây lan bằng con đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi) từ heo bệnh sang heo khỏe, lây nhiễm từ heo nái sang bào thai và heo con.
Bệnh lây lan nhanh, từ 3 - 5 ngày cả đàn có thể nhiễm bệnh và kéo dài từ 5 - 15 ngày tùy sức khỏe của heo, đối với heo trưởng thành bài thải mầm bệnh ra môi trường trong khoảng 14 ngày, heo con từ 1 – 2 tháng, trong không khí mầm bệnh có thể lây lan xa 3 km.
Ngoài ra virus tồn tại trong thịt heo đã giết mổ và trong bụi không khí từ 1 - 6 ngày.
Tình hình hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có mầm bệnh heo tai xanh, tại các hộ chăn nuôi chưa phát hiện heo nhiễm bệnh cần nhanh chóng chủ động tạo vòng chắn bảo vệ khu vực xung quanh chuồng trại và tiêm ngừa các vaccin cần thiết cho vật nuôi.
Ông Sơn Văn Nghĩa ở phường 8, thành phố Sóc Trăng, cho biết: “Với thông tin dịch heo tai xanh bùng phát và lan nhanh, chuồng trại của tôi mỗi ngày đều vệ sinh kỹ càng, phun thuốc khử trùng, tiêm ngừa đầy đủ cho đàn heo.
Tôi mong bà con chăn nuôi luôn ý thức không giấu khi heo nuôi mắc bệnh, không vứt xác vật nuôi bị bệnh bừa bãi để tránh lây lan”.
Theo Ông Xầm Văn Lang – Trưởng trạm Thú y thành phố Sóc Trăng, để phòng bệnh này, hộ chăn nuôi cần làm tốt việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đây là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa bệnh heo tai xanh.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, hộ nuôi nên phun thuốc khử trùng 1 tuần/lần, đối với những hộ có ổ dịch thì 1 ngày phun 2 lần.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của tổng đàn heo, tình hình dịch bệnh càng khó kiểm soát hơn.
Do đó, các ngành chuyên môn khuyến cáo đến bà con các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Các mô hình này sẽ phát huy hiệu quả rất rõ trong việc cô lập khu vực chuồng trại và đàn vật nuôi đối với các nguồn xâm nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào.
Cụ thể: Xung quanh chuồng trại phải có tường rào bao quanh hoặc hàng rào bảo vệ.
Mỗi trại chỉ để một cổng ra vào có hố sát trùng (có chứa dung dịch sát trùng pha đúng tỉ lệ khuyến cáo), có đường dành cho người và phương tiện vận chuyển riêng biệt.
Vệ sinh máng ăn, thức ăn nước uống cẩn thận, không dùng nước sông ngòi, ao hồ cho vật nuôi.
Vật nuôi mới mua về nhốt riêng, đảm bảo sạch bệnh mới cho nhập đàn.
Đối với người chăn nuôi khi vào chăm sóc vật nuôi phải có bảo hộ lao động, chỉ sử dụng trong khu vực chăn nuôi, hạn chế khách và người không phận sự vào khu vực này.
Về cách tiêm phòng và sử dụng vaccin, thạc sĩ Lê Văn Quang – Chi Cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, hướng dẫn:
“Khi sử dụng vaccin bà con cần lưu ý: vaccin phải được bảo quản trong điều kiện từ 2 đến 8 độC ; khi đưa ra sử dụng thì phải trong vòng 24 giờ; liều lượng tiêm đối với heo từ 4 đến 28 ngày tuổi thì tiêm 1mml/con và 24 ngày sau thì nhắc lại lần 2 và cứ 4 tháng thì lập lại một lần;
Heo nái hậu bị tiêm trước khi phối giống khoảng 2 tuần;
Những vùng đang xảy ra dịch tai xanh thì có thể tiêm thẳng vào ổ dịch để giảm thiệt hại trên đàn heo, cũng như rút ngắn thời gian chống dịch bằng cách tiêm đồng loạt cho tất cả các lứa tuổi heo”.
Công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng chồng trại phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Từ khi Sóc Trăng phát hiện ổ dịch heo tai xanh đầu tiên, đến nay số lượng các hộ có heo bị nhiễm bệnh tăng nhanh và tập trung nhiều ở khu vực xung quanh những ổ dịch đã được phát hiện, cho thấy ở các hộ có heo bị nhiễm bệnh chưa điều trị và cách ly heo bệnh đúng cách, tạo điều kiện cho virus gây bệnh tai xanh lây lan.
Do đó cán bộ Thú y đặc biệt chú ý các biện pháp điều trị đối với các địa điểm nghi ngờ có heo bị nhiễm bệnh tai xanh.
Ông Huỳnh Thanh Nhàn – Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Bệnh heo tai xanh do virus gây ra hiện chưa có thuốc đặc trị, nên những nơi xảy ra ổ dịch chúng ta tiêu hủy vật nuôi ngay để tránh lây lan.
Khi bệnh lưu hành thì áp dụng điều trị ngừa phụ nhiễm, trong điều kiện này thường sử dụng kháng sinh phổ rộng.
Đưa vào khẩu phần ăn của vật nuôi thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng cho heo”.
Ngoài áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vaccin phòng bệnh PRRS và các bệnh khác theo qui đinh, tại các hộ chăn nuôi chưa phát hiện heo nhiễm bệnh nên thực hiện cùng nhập cùng xuất heo và để trống chuồng, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, chỉ nhập heo từ các trại đảm bảo heo không bị nhiễm virus PRRS.
Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dịch heo tai xanh hoặc phát hiện heo mắc bệnh trong vùng, cần thông báo ngay với cơ quan thú y hoặc UBND xã, phường, thị trấn và chấp hành nghiêm việc xử lý dịch bệnh của cơ quan thú y.
Đồng thời cam kết thực hiện 5 không, đó là: Không giấu dịch; Không mua heo bệnh, sản phẩm của heo bệnh; Không bán chạy heo bệnh; Không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch; Không vứt xác heo bệnh bừa bãi ra môi trường.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao