Các giống khoai mì thích hợp với vùng Tây Nguyên
Các viện, trường cũng đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần sớm triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật phát triển khoai mì bền vững.
- Giống KM 140 (lai từ tổ hợp KM 98-1 x KM 36) cây cao, thân xanh, thẳng, ngọn xanh, lá dài, ít phân nhánh. Thu hoạch: 8 - 10 tháng sau trồng; năng suất củ tươi: 34 - 35 tấn/ha. Hàm lượng tinh bột: 26,1 - 28,7%; năng suất bột: 9,5 - 10 tấn/ha. Điểm yếu: nhiễm nhẹ bệnh cháy lá.
- Giống KM 98-5 (lai từ tổ hợp KM 98-1 x Rayong 90) cây cao vừa phải, thân xanh, thẳng, ngọn xanh, không phân nhánh. Thu hoạch: 8 - 10 tháng sau trồng; năng suất củ tươi: 34,5 - 35 tấn/ha. Hàm lượng tinh bột: 28,5%; năng suất bột: 9,8 - 10 tấn/ha. Điểm yếu: nhiễm nhẹ bệnh cháy lá.
- Giống KM 98-7 (lai từ tổ hợp SM 1717 có mẹ là CM 321-188) cây cao vừa phải, thân nâu đỏ, không phân cành hoặc phân cành 1 cấp, phiến lá nhỏ, chia thùy sâu, cuống lá và phiến lá màu xanh. Thời gian sinh trưởng 7 - 10 tháng. Khả năng thích ứng rộng, có thể trồng được ở nhiều loại đất khác nhau. Năng suất: 25 - 45 tấn/ha (tùy theo điều kiện đất đai và trình độ kỹ thuật canh tác), vỏ củ màu nâu, ruột củ trắng. Tỷ lệ chất khô: 38 - 40%; tỷ lệ tinh bột: 28 - 30%; thích hợp ăn tươi (không đắng) và chế biến.
- Giống KM 419 [lai từ tổ hợp BKA900 x (KM 98-5 x KM 98-5)], cây cao vừa phải, thân thẳng, phân cành cao, tán gọn, nhặt mắt, lá xanh đậm, ngọn xanh, cọng phớt đỏ. Thời gian sinh trưởng 7 - 10 tháng; năng suất củ tươi 42,3 - 52,3 tấn/ha. Hàm lượng tinh bột: 27,8 - 29,3%; năng suất tinh bột: 10,4 tấn/ha. Củ màu trắng, dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng thích hợp làm sắn lát khô, tinh bột. Điểm yếu: nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh cháy lá.
- Giống SM 937-26 (giống nhập nội bằng hạt từ CIAT/Thái Lan), Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tuyển chọn. Đặc điểm: cây cao vừa phải, thân nâu đỏ thẳng, không phân cành. Thời gian sinh trưởng 8 - 10 tháng; năng suất củ tươi 32,5 tấn/ha. Hàm lượng tinh bột: 37,9%; năng suất tinh bột 9,4 tấn/ha. Điểm yếu: nhiễm nhẹ bệnh cháy lá.
Các viện, trường cũng khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên bỏ cách trồng khoai mì “bổ hốc dí hom”, áp dụng các biện pháp canh tác luân canh, xen canh, rải vụ. Trên đất dốc trồng khoai mì theo đường đồng mức. Sau cày xới, khi trồng bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục, bón thúc bằng phân N.P.K cân đối, hợp lý. Mức khuyến cáo/ha: 5 tấn phân chuồng, bón 80 kg đạm, 40 kg lân, 80 kg kali kết hợp khi làm cỏ xáo xới đất. Nên trồng luân canh, xen canh các cây họ đậu, trồng cây che phủ giữ ẩm và hạn chế xói mòn, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.
Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, để phát triển cây khoai mì bền vững, trước hết cần quy hoạch vùng nguyên liệu (khoảng 600.000 ha) và không nên mở rộng diện tích. Trồng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh tốt nâng năng suất lên gấp đôi hiện nay (nghĩa là khoảng trên 30 tấn/ha).
Đầu tư công nghệ cho thu hoạch, chế biến và sản phẩm chế biến sâu sau tinh bột; phối hợp tổ chức nguyên liệu và công nghệ cho sản xuất ethanol... để giảm và tiến tới không xuất khẩu mì lát ra thế giới. Để làm được cần có cơ chế chính sách của Nhà nước phát triển khoai mì, cần có những đầu tư thích đáng, cần có cơ chế chính sách về tài chính, về đầu tư khoa học công nghệ, về khuyến nông, về quảng bá xây dựng thương hiệu một cách hợp lý hơn. Đưa khoai mì trở thành cây trồng chủ lực cho kim ngạch xuất khẩu.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao